Vì sao Eximbank hoãn họp đại hội đồng cổ đông?

Hơn phân nửa ngân hàng đã tiến hành xong cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) năm nay. Theo lịch trình, những ngân hàng còn lại sẽ kết thúc đại hội trong tuần này, chậm nhất là ngay sau kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5...chỉ riêng Eximbank lại hoãn.
Ngân hàng Eximbank đã bất ngờ thông báo hoãn họp ĐHĐCĐ hai ngày trước thời điểm họp.
Ngân hàng Eximbank đã bất ngờ thông báo hoãn họp ĐHĐCĐ hai ngày trước thời điểm họp.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) bất ngờ thông báo hoãn họp ĐHĐCĐ hai ngày trước thời điểm họp. Lý do được ghi trong thông báo là Eximbank cần thêm thời gian để chuẩn bị đại hội. Ngày giờ họp chính thức chưa rõ. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua một ngân hàng hoãn họp ĐHĐCĐ ngay sát giờ khai mạc đã ấn định.

Không chỉ giới tài chính, đầu tư, cổ đông mà cả cộng đồng doanh nghiệp đều thắc mắc vì sao Eximbank hoãn đại hội gấp gáp đến vậy. Các tổ chức tín dụng có tới hàng tháng để chuẩn bị đại hội. Họ thậm chí lên kế hoạch trình bày các vấn đề ở đại hội từ nhiều tháng trước. Ngay khi có kết quả kinh doanh sơ bộ năm, bộ phận hậu cần đã phải soạn thảo bộ khung tài liệu sẽ gửi trước cho cổ đông để họ có thời gian nghiên cứu, phát biểu ý kiến tại đại hội. Cho nên lý do của Eximbank cần thêm thời gian chuẩn bị đại hội xem ra không mấy thuyết phục.

Trao đổi với TBKTSG, đại diện một tổ chức tài chính nói ông thật sự ngạc nhiên vì trong ĐHĐCĐ của Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) không thấy “đả động” gì đến việc xin cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập với một ngân hàng khác. Điều này là không hợp lý vì trước đấy, trả lời phỏng vấn báo chí, lãnh đạo NamABank đã không dưới một lần đề cập đến việc sẽ sáp nhập với một ngân hàng TMCP tầm cỡ.

Thị trường cũng chưa quên vài tuần trước nguyên tổng giám đốc và một phó tổng giám đốc của NamABank đã có tên trong danh sách ứng cử vào hội đồng quản trị Eximbank. Trong tài liệu gửi cổ đông đăng tải trên trang web, Eximbank đã ghi rõ đầy đủ tên tuổi hai vị này trong danh sách đề cử, chú thích rõ họ đại diện cho bao nhiêu cổ phần.

Theo điều lệ của Eximbank, nhóm cổ đông sở hữu tối thiểu 10% cổ phần ngân hàng được đề cử một người vào hội đồng quản trị.
Tại ĐHĐCĐ của NamABank, hai nhân vật nói trên đã được miễn nhiệm và ngân hàng đã có tổng giám đốc mới. Có cổ đông đặt câu hỏi tại sao họ xin từ nhiệm và nhận được trả lời ngắn gọn, đại ý sẽ đảm nhiệm công việc khác, nhưng dù là công việc gì, thì cũng nằm trong sự quản lý của cơ quan quản lý.

Xem kỹ lại mới thấy danh sách đề cử vào hội đồng quản trị của Eximbank mà ngân hàng công bố cho cổ đông, không có đủ số lượng người ứng cử. Hội đồng quản trị Eximbank nhiệm kỳ mới phải có 11 người, trong đó có thành viên độc lập, nhưng danh sách ứng cử mới có 6 người.

Một nhà đầu tư cá nhân là cổ đông Eximbank từ năm năm nay băn khoăn nói: “Tôi không hiểu vì sao ngân hàng lại công bố danh sách đề cử ít thế? Các ngân hàng khác đều công bố đầy đủ số người, tương ứng với số lượng thành viên hội đồng quản trị dự kiến”. Ông nghi ngờ phải chăng Eximbank chưa tìm đủ người ứng cử thành viên hội đồng quản trị nên phải hoãn đại hội?

Kể từ sau khi Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) và các cổ đông liên quan chuyển nhượng một tỷ lệ không nhỏ cổ phần Eximbank mà họ nắm giữ, và cũng từ sau khi Eximbank đầu tư để sở hữu gần 9,8% cổ phần Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) và trở thành cổ đông tổ chức lớn nhất của Sacombank, thị trường đã từng chứng kiến không ít lần khả năng Eximbank hợp nhất với một ngân hàng khác và mừng hụt. Năm 2012 câu chuyện hợp nhất Eximbank - Sacombank được chính lãnh đạo cả hai bên tuyên bố với báo giới trong lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai ngân hàng tại khách sạn Legend ở  TPHCM.

Một lãnh đạo của Eximbank còn nói chi tiết lộ trình sáp nhập sẽ kéo dài trong 3-5 năm. Đến khi Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNBank) và Sacombank xác nhận thông tin PNBank sẽ “về chung một nhà” với Sacombank, thị trường mới “té ngửa”. Thực ra, theo những người quan sát hoạt động ngân hàng lâu năm, kịch bản PNBank sáp nhập với Sacombank đã được khởi thảo trước cả kịch bản Eximbank - Sacombank.

Nhìn lại quá khứ, PNBank đã từng tham gia vào thương vụ thâu tóm Sacombank, vốn một thời làm tốn nhiều giấy mực của báo giới, để cuối cùng có thể rồi đây sẽ đi tới một kết cục sáp nhập với Sacombank. Một ngân hàng nhỏ đã tham gia thâu tóm một ngân hàng quy mô lớn hơn bản thân mình. Người ta tự hỏi liệu trong tương lai gần Eximbank có tương tự, nghĩa là có nhận hợp nhất với một ngân hàng nhỏ nào khác.

Eximbank cho dù trước mắt tạm thời trượt khỏi tốp 5 các tổ chức tín dụng cổ phần dẫn đầu thị trường về tổng tài sản, lợi nhuận, thì nó vẫn là một ngân hàng có nền tảng tốt, đội ngũ nhân sự mạnh với trình độ vững vàng về các nghiệp vụ kinh doanh tiền tệ cơ bản. Nó cũng không vướng sở hữu chéo, không có các công ty sân sau. Tổ chức tín dụng nào hợp nhất với Eximbank có lẽ phải tính đến một yếu tố căn bản “môn đăng hộ đối”.

Theo TBKTSG