Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, đại diện nhóm công tác Điện và Năng lượng thuộc VBF cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN tiếp tục hoạt động không hiệu quả và giá điện vẫn duy trì mức giá thấp nhất trong khu vực điều này hạn chế vốn đầu tư trực tiếp vào cơ sở hạ tầng hệ thống lưới điện đồng thời giảm nỗ lực tiết kiệm năng lượng của khách hàng.
Vì vậy, VBF đề nghị tiếp tục và đẩy nhanh lộ trình điều chỉnh chính sách trợ giá điện để giúp phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam.
Đồng thời đề nghị Bộ Công thương chuẩn bị lộ trình chi tiết cho Giá bán lẻ điện đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030.
"Động thái này sẽ giúp EVN tái cấu trúc để hoạt động hiệu quả hơn, có lợi nhuận hơn. Đồng thời, sẽ tạo điều kiện gia nhập thị trường cho các nhà đầu tư cả trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy và khuyến khích các nỗ lực tiết kiệm năng lượng của người sử dụng cuối cùng", nhóm nghiên cứu của VBF đánh giá.
Cũng theo nhóm nghiên cứu này, kế hoạch vực dậy EVN đã được thông qua và dự kiến sẽ được công bố trong 2 tháng tới và VBF hi vọng sẽ sớm nhận được kế hoạch này.
Điểm đặc biệt, khảo sát của VBF cho thấy đa số các công ty tham gia khảo sát cho biết họ sẵn sàng chịu được mức tăng giá điện danh nghĩa hàng năm ở mức 15% hoặc hơn trước khi cân nhắc lại các ý định đầu tư trong tương lai và trên 65% các công ty có thể chấp nhận được mức tăng giá điện 10% mỗi năm.
Bảng giá bán lẻ điện sau lần điều chỉnh gần nhất (16/3)
Trước đó, Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cũng từng kiến nghị rằng giá điện của Việt Nam cần được điều chỉnh tăng lên tương đương khoảng gần 2.500 đồng/kWh.
Theo lý giải của EuroCham điện giá rẻ không hiệu quả đối với chiến lược phát triển ngành theo hướng Tăng trưởng xanh, đồng thời cản trở nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực điện.
Trao đổi với BizLIVE, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, sở dĩ các tổ chức nước ngoài lo lắng với giá điện của Việt Nam do trước đây giá điện tính theo tỷ giá 11.000 đồng/USD, tương đối hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài nhưng tỷ giá đã vọt lên mức gần 22.000 đồng khi quy đổi chỉ bằng một nửa do đó không còn sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
"Các nhà đầu tư nước ngoài lo lắng là có lý của họ nhưng lỗi do lạm phát và tỷ giá biến động làm giá biến động. Nếu không điều chỉnh được vấn đề tỷ giá, lạm pháp sẽ rất khó khăn vì lâu lâu giá điện phải tăng lên để bù cho lạm phát", ông Doanh phân tích.
Theo ông Doanh biến động thay đổi của giá điện không do sự tiến bộ hay thay đổi từ phía doanh nghiệp và mấu chốt cần xem xét và cần tường trình với người dân vì người dân không gây ra lạm phát nhưng đang là người phải giải quyết, gánh chịu hậu quả của lạm phát.
Theo Bizlive