Vì sao 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh nhưng vẫn phải ở lại bệnh viện?

VietTimes -- Mặc dù 2 bệnh nhân mắc COVID-19 đã cho kết quả xét nghiệm âm tính, nhưng vẫn phải ở lại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để theo dõi thêm. Điều này khiến một số người băn khoăn, vì thế, để thông tin rõ hơn cho bạn đọc, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu của Bệnh viện và là người trực tiếp điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 những ngày qua.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Thúy

+ Sau khi được điều trị, hiện tình hình sức khỏe 2 bệnh nhân mắc COVID-19 như thế nào, thưa ông?

- Hôm nay, sức khỏe của cả 2 bệnh nhân đều đã ổn định, không còn khả năng lây nhiễm bệnh cho người khác, vì đã hết virus.

Tuy nhiên, trong thời gian cách ly, điều trị, các bệnh nhân mắc COVID-19 ở 1 mình một phòng tại bệnh viện, không được chuyện trò, giao tiếp với người khác, nên họ cũng có mức độ stress nhất định. Do đó, mặc dù đã khỏi bệnh, nhưng 2 bệnh nhân tiếp tục ở lại Bệnh viện để theo dõi, giám sát thêm, đồng thời, phục hồi các chức năng để cơ thể khỏe mạnh hoàn toàn.

Đối với trường hợp bệnh nhân Y., trong quá trình điều trị, bệnh nhân xuất hiện tình trạng viêm phổi nhưng không bị suy hô hấp, nên chưa cần phải thở máy, chủ yếu điều trị các triệu chứng. Đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định.

2 bệnh nhân mắc COVID-19 ra viện. Video: Minh Thúy 

+ Phác đồ điều trị cho 2 bệnh nhân mắc COVID-19 có gì đặc biệt, thưa bác sĩ?

- COVID-19 là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Để điều trị cho 2 bệnh nhân mắc COVID-19, các bác sĩ đều tuân thủ theo nguyên tắc điều trị và phác đồ của Bộ Y tế.

Phác đồ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 tại Việt Nam dựa trên kinh nghiệm điều trị hàng nghìn ca mắc bệnh của Trung Quốc, cùng thông tin đến từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Phác đồ điều trị này luôn được các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cập nhật hàng ngày.

+ COVID-19 chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy các bác sĩ đã phải gặp áp lực gì khi điều trị cho bệnh nhân thưa ông?

- Thực tế, khi COVID-19 chưa xâm nhập vào Việt Nam thì Bộ Y tế đã ban hành chẩn đoán và hướng dẫn điều trị bệnh. Các bác sĩ luôn cập nhật thông tin đầy đủ để có thể điều trị một cách tốt nhất cho người bệnh.

Thực ra tôi cũng như các bác sĩ tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đều có những lo lắng, áp lực riêng nhưng chúng tôi luôn cố gắng hết mình để chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân.

Về mặt nguyên tắc, đối với những bệnh nhân mắc COVID-19, các bác sĩ phải thận trọng và hạn chế tiếp xúc càng nhiều càng tốt. Vì thế, tôi cùng các đồng nghiệp luôn tuân thủ nguyên tắc điều trị nhưng không quên động viên, thăm hỏi người bệnh để họ an tâm chữa trị.

2 bệnh nhân mắc COVID-19 hoàn toàn khỏe mạnh trong ngày ra viện. Ảnh: Minh Thúy 

+ Ông đánh giá thế nào về việc một số người dân có thái độ kỳ thị, xa lánh bệnh nhân mắc COVID-19?

- Kinh nghiệm qua rất nhiều dịch bệnh khác như HIV, cúm,… cho thấy, khi chúng ta càng kỳ thị, thì quá trình chống dịch càng kém hiệu quả.

Điều này sẽ dẫn đến trường hợp bệnh nhân nghi mắc bệnh nhưng không dám đến bệnh viện để khám, vì sợ bị cách ly, kỳ thị, xua đuổi trong cộng đồng, thậm chí có trường hợp giấu bệnh. Nếu không giải quyết được tình trạng này thì việc khoanh vùng, chữa trị bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì thế, một trong những biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống dịch COVID-19 chính là xóa bỏ sự kỳ thị.

Tôi cho rằng sự quan tâm, lo lắng của người dân trong thời điểm hiện tại là cần thiết. Tuy nhiên, sự quan tâm ấy phải xuất phát từ nhận thức và hiểu biết đúng về tình hình dịch bệnh. Người dân không nên tin tưởng vào những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Thông tin về việc điều trị cho bệnh nhân mắc, nghi mắc COVID-19, TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương – cho biết: Hiện, việc phân tuyến điều trị của Bộ Y tế vô cùng hợp lý và phát huy hiệu quả. Những bệnh nhân mắc bệnh nhẹ thì điều trị ở tuyến huyện, tránh tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến trên tránh gây khó khăn trong công tác khoanh vùng, dập dịch tại cộng đồng.

TS. Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Tuấn Dũng 

Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn chịu trách nhiệm hướng dẫn cho các bệnh viện tuyến dưới. Tại Vĩnh Phúc, bệnh viện đã gửi các bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt xuống địa phương để cùng các cán bộ y tế tuyến huyện khống chế, dập dịch.