Dẫn nguồn từ Tổng cục Thống kê và Cơ quan Thống kê Tài chính Quốc tế của IMF (IFS), VEPR chỉ ra rằng: Chỉ số giá tiêu dùng sau khi tăng 5,22% (yoy) cuối tháng Một đã giảm xuống mức 4,65% (yoy) cuối quý.
“Tuy nhiên, lạm phát thấp chủ yếu do yếu tố giá cơ bản. Theo đó, lạm phát cơ bản đã giảm từ mức 1,88% (yoy) tháng Một xuống còn 1,51% và 1,6% (yoy) trong tháng Hai và tháng Ba. Điều này phản ánh đúng xu hướng chững lại trong việc tiêu dùng hàng hóa trong Quý 1”, Viện này đánh giá.
Phân tích kỹ hơn, VERP cho biết, giá hai nhóm hàng Đồ uống và thuốc lá và May mặc, mũ nón, giầy dép thậm chí còn giảm nhẹ so với các tháng trước đó. “Dù trong những tháng Tết, chỉ số giá nhóm hàng thực phẩm thậm chí còn giảm so với các tháng trước đó. Điều này có thể bắt nguồn từ việc cầu thịt lợn giảm mạnh tại thị trường Trung Quốc”, trích báo cáo.
Trong khi đó, khoảng cách giữa lạm phát và lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao cho thấy giá cả nhóm các mặt hàng do nhà nước quản lý vẫn đang tăng mạnh.
Giá dịch vụ y tế đã được điều chỉnh tiếp tại 13 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng Ba đưa mức giá của nhóm hàng này tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,38 điểm phần trăm vào mức tăng CPI.
Nhóm hàng dịch vụ giáo dục cuối tháng Ba tăng 11,8% (yoy) do hai đợt điều chỉnh tại 6 tỉnh trong tháng Một và tỉnh Thanh Hóa trong tháng Ba, theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Giá năng lượng tiếp tục phục hồi cũng tạo áp lực trong việc điều chỉnh giá nhóm hàng này do nhà nước quản lý. Chỉ số giá nhóm hàng giao thông tăng mạnh sau các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong quý.
Tính tới cuối tháng Ba, CPI nhóm giao thông tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng của nhóm dịch vụ y tế.
Kể từ khi thực hiện Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, đã có 63 tỉnh/thành thực hiện xong bước 1 (điều chỉnh giá bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù) và 36/63 tỉnh/thành thực hiện xong bước 2 (điều chỉnh giá bao gồm chi phí tiền lương). Các đợt điều chỉnh còn lại sẽ phải thực hiện trong năm nay.
Từ phân tích trên, các chuyên gia của VEPR rút“dù có dấu hiệu hạ nhiệt trong Quý 1, chúng tôi cho rằng áp lực lên lạm phát trông nước vẫn còn lớn, đặc biệt trong bối cảnh tăng trưởng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu Quốc hội đặt ra”.
Nên biết, sau hai quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% (yoy) trong Qúy 1, thấp nhất trong vòng ba năm trở lại đây (Q1/2015: 6,12%; Q1/2016: 5,48%).
“Lạm phát trong những tháng tiếp theo rất khó có thể hạ dưới mức 4% khi nhu cầu về tiêu dùng tăng trở lại, giá cả hàng hóa cơ bản trên thế giới tiếp tục hồi phục và các dịch vụ công vẫn còn cần điều chỉnh theo kế hoạch đã đặt ra. Do vậy, chúng tôi cho rằng cơ quan điều hành vẫn cần phải theo sát diễn biến giá cả trong những quý tiếp theo”, Viện này kiến nghị./.