Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư Văn Phú – Invest (Mã CK: VPI) vừa thông qua nghị quyết liên quan đến việc nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phần của CTCP Thực phẩm Hà Nội (Mã CK: HAF). Bản trích lục được công bố, do Chủ tịch HĐQT VPI Tô Như Toàn ký, không đề cập tới giá trị thương vụ.
HAF tiền thân là Công ty Thực phẩm Hà Nội (được thành lập từ tháng 7/1957) thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro). Tháng 1/2015, công ty tiến hành đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) với tổng số cổ phần chào bán thành công là 3,45 triệu đơn vị, giá đấu thành công bình quân là 15.292 đồng/cp.
Đến tháng 7/2017, HAF niêm yết cổ phiếu trên sàn UPCOM, quy mô vốn điều lệ ở mức 145 tỉ đồng. Khi ấy, cơ cấu cổ đông của HAF khá cô đặc, lượng lớn cổ phần do 4 cổ đông lớn nắm giữ, bao gồm: Hapro (7,47 triệu cổ phiếu, sở hữu 51,567% vốn điều lệ); CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (3,19 triệu cổ phiếu, tương đương 22% vốn điều lệ); ông Trần Quốc Tuấn (1,099 triệu cổ phiếu, tương đương 7,579% vốn điều lệ); và ông Nguyễn Đăng Trường (1 triệu cổ phiếu, tương đương 6,897% vốn điều lệ).
Theo tìm hiểu của VietTimes, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji (Doji) là cổ đông chiến lược của HAF. Vào tháng 5/20215, doanh nghiệp này đã chi ra 33,49 tỉ đồng, nhận chuyển nhượng 3,19 triệu cổ phiếu HAF (tương đương 22% vốn điều lệ). Được biết, số cổ phần của này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 5 năm, từ ngày 28/5/2015 – 28/5/2020.
Sau khi HAF niêm yết, các ông Trần Quốc Tuấn và Nguyễn Đăng Trường lần lượt triệt thoái vốn tại doanh nghiệp này. Bên cạnh đó, ngày 31/12/2019, Hapro cũng bán ra 4,57 triệu cổ phiếu HAF, giảm tỉ lệ sở hữu xuống còn 20% vốn điều lệ.
Ở chiều hướng ngược lại, tháng 12/2017, CTCP Chứng khoán Phố Wall (WSS) đã mua vào 1,69 triệu cổ phiếu HAF, qua đó trở thành cổ đông lớn với tỉ lệ sở hữu 11,68% vốn điều lệ. Đến tháng 6/2019, WSS tiếp tục mua thêm 256.400 cổ phiếu HAF, nâng tỉ lệ sở hữu lên 18,76% vốn điều lệ.
Lưu ý rằng, HAF cũng là khoản đầu tư lớn nhất vào các cổ phiếu đang niêm yết trên sàn UPCOM của WSS. Dù rằng, giá trị thị trường của khoản đầu tư này tại ngày 31/12/2020 chỉ ở mức 43,2 tỉ đồng, chưa bằng một nửa giá trị mua mà WSS ghi nhận.
Ở một chi tiết khác, tại ngày 31/12/2019, cơ cấu cổ đông của HAF còn ghi nhận sự góp mặt của CTCP Abey Holdings (Abey Holdings) với tỉ lệ sở hữu 3,65% vốn điều lệ.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, Abey Holdings được thành lập từ tháng 6/2010, đăng ký trụ sở tại đường Trung Kính, Phường Yên Hoà, Quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tính đến tháng 7/2017, Abey Holdings có quy mô vốn điều lệ 114 tỉ đồng. Trong đó, Chủ tịch VPI Tô Như Toàn nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 55% vốn, tiếp đến là các cổ đông Phạm Hồng Châu và Tô Như Thắng với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 30% và 10% vốn điều lệ. Cập nhật tới tháng 10/2017, cả ba cổ đông cá nhân này đều thoái vốn khỏi Abey Holdings.
HAF có gì?
Tiền thân là doanh nghiệp Nhà nước, HAF sở hữu quỹ đất đắc địa, giàu tiềm năng tại Hà Nội.
Tháng 11/2009, HAF đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam (nay là CTCP Tập đoàn Cotana) đầu tư xây dựng toà nhà chung cư cao 25 tầng trên khu đất rộng 2.085,9 m2 tại ngõ 459 Bạch Mai, Ha Bà Trưng, Hà Nội.
Tháng 9/2010, HAF hợp tác với Liên doanh Công ty TNHH Xây dựng dân dụng và công nghiệp Delta – CTCP Tư vấn đầu tư xây dựng và ứng dụng công nghệ mới (Vinaconex R&D) để thực hiện dự án, khai thác kinh doanh mặt bằng dự án sau đầu tư trên khu đất tại 249 – 254 Phố Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội (Trung tâm thương mại và Dịch vụ Cửu Long, diện tích 3.246,8 m2).
Tháng 10/2010, HAF đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP Đầu tư và Phát triển siêu thị Hà Nội (nay là CTCP Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại Hà Nội) để thực hiện dự án đầu tư xây dựng “Cửa hàng thương mại dịch vụ Đồng Xuân” tại 26 Cao Thắng, Đồng Xuân, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
HAF còn là công ty mẹ của CTCP Thương mại Lãng Yên (Lãng Yên) và CTCP Thương mại dịch vụ Bắc Qua (Bắc Qua) có địa chỉ lần lượt tại số 21 Trần Khánh Dư và 19 Hàng Khoai (Hà Nội) nhằm triển khai các dự án xây dựng toà nhà hỗn hợp Trung tâm thương mại kết hợp với nhà ở để bán và dự án siêu thị Thương mại dịch vụ Bắc Qua.
Ngoài ra, HAF còn góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng 600m2 đất tại số 6 Phố Nhà Thờ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) vào Công ty TNHH Cao ốc Á Châu (Asia Tower). Sau cổ phần hoá, HAF đã chuyển giao phần vốn góp, tương đương 40% vốn điều lệ của Asia Tower, cho Hapro quản lý./.