Tiến sĩ Nguyễn Tông Trạch, phó chủ tịch điều hành và là thành viên chính của Viện nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc:
Mỹ không mắc sai lầm thì sẽ tiếp tục là một quyền lực cốt yếu, nhưng thế giới đang bắt đầu mở ra một kỷ nguyên mới với một trật tự toàn cầu đa cực. Nó được biểu thị bởi sự lung lay trong hướng đi của Mỹ và sự trỗi dậy của Trung Quốc. Những gì xảy ra giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ tái định hình lại khung cảnh địa kinh tế và địa chính trị toàn cầu trong thế kỷ 21.
Nhiều học giả cho rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc đồng nghĩa với sự suy vi của Mỹ. Và sự thành công của Trung Quốc trong WTO cũng đồng nghĩa với sự thất bại của WTO. Nhưng sự thật nói lên một câu chuyện khác.
Nếu lịch sử đóng vai trò nhắc nhở thì mối quan hệ Mỹ-Trung không khác gì một trò chơi có tổng bằng không. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, lịch sử gần đây cho thấy mối quan hệ này đã tạo ra lợi ích chung cho hai phía.
Ông Nguyễn Tông Trạch cho rằng cần khôi phục lại một mối quan hệ bạn bè thân thiện và phối hợp hơn giữa Mỹ-Trung.
|
Bắc Kinh và Washington có sự ràng buộc mạnh mẽ để đối phó Liên Xô trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, chống lại chủ nghĩa khủng bố sau vụ 11.9, ngăn chặn sự sụp đổ của kinh tế toàn cầu giữa vụ khủng hoảng tài chính tại Wall Street năm 2008. Sự thành công của Trung Quốc trong WTO đã chứng minh hoàn toàn sự thành công của WTO - khi tổ chức này mang lại sự phát triển kinh tế và thịnh vượng cho các nước còn lại trên thế giới.
Nhưng hiện tại là thời điểm xác định mối quan hệ Mỹ-Trung. Hơn bất cứ ai khác trong lịch sử, tổng thống Donald Trump đang thách thức những thành tố cơ bản của mối quan hệ đã được giữ trong 4 thập kỷ qua. Căng thẳng tăng cao giữa hai cường quốc đứng đầu về kinh tế thế giới đã châm ngòi cho những tranh cãi và sự không chắc chắn về định hướng tương lai của mối quan hệ Mỹ-Trung, đồng thời chắc chắn sẽ tạo ra những ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế toàn cầu.
Không giống như Liên Xô trước đây, Trung Quốc đã rất nỗ lực để kết hợp bản thân vào hệ thống quốc tế hiện tại bằng cách thừa nhận về thực tế Mỹ đang nắm quyến tối cao. Hơn nữa, việc Trung Quốc hợp nhất với hệ thống toàn cầu cũng khiến Trung Quốc trở thành một bên được hưởng lợi.
Trung Quốc cam kết đấu tranh cho một nền kinh tế thế giới mở và một chế độ thương mại đa phương vì sự phát triển toàn cầu vẫn thất thường dù đang có những dấu hiệu phục hồi. Bắc Kinh kêu gọi những nỗ lực phối hợp để tạo thuận lợi cho việc nuôi dưỡng những yếu tố kích thích phát triển, ủng hộ một sự phát triển toàn diện hơn và cải thiện việc quản lý kinh tế toàn cầu.
Tôi tin rằng cuối cùng cần khôi phục lại một mối quan hệ bạn bè thân thiện và phối hợp hơn. Nhưng mối quan hệ Trung-Mỹ đang hướng tới một con đường gập ghềnh trước khi tốt đẹp hơn.
Robert Sutter, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học George Washington và là tác của sách Quan hệ quốc tế Mỹ-Trung: Quá khứ hiểm nguy, hiện tại thực dụng:
Tự cho mình là trung tâm và ngày càng mạnh hơn, Trung Quốc tham vọng đang âm thầm và công khai chống lại những lợi ích của Mỹ và ảnh hưởng của Mỹ trong nội địa cũng như ở nước ngoài. Chủ nghĩa dân túy đang bộc phát trong nền chính trị Mỹ đòi hỏi ưu tiên cao hơn cho những lợi ích của Mỹ. Kết quả là có sự thay đổi tiêu cực nhất về chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong 50 năm qua.
Chính quyền của tổng thống Trump và các quan chức quốc hội cho thấy sự giận dữ rõ ràng và mối lo đang tăng lên về cách mà trong nhiều năm Trung Quốc đã chiếm lợi thế không công bằng trong nền kinh tế mở của Mỹ và điều khiển tình hình để gia tăng sức mạnh của Trung Quốc chống lại lãnh đạo của Mỹ. Ngày nay, hậu quả còn nghiêm trọng hơn bởi Trung Quốc được coi như một đối thủ ngang hàng và tìm mọi cách hòng thay đổi cán cân quyền lực Mỹ-Trung nghiêng về hướng có lợi cho Bắc Kinh.
Ông Robert Sutter cho rằng Mỹ đang quan ngại vì Trung Quốc sử dụng những lợi thế từ chính nước Mỹ để làm mạnh mình lên và khiến Mỹ yếu đi.
|
Quân đội, tình báo và an ninh nội địa mới đang thực thi những chiến lược quản lý tập trung vào Trung Quốc như một nước lợi dụng và theo chủ nghĩa xét lại, tìm cách để chiếm quyền thống trị. Họ được quốc hội ủng hộ rộng rãi. Mỹ có mối quan ngại lâu dài với sự thách thức về mặt quân sự đang lớn lên từ phía Trung Quốc kết hợp với mối lo mới về những nỗ lực của Bắc Kinh để thâm nhập và ảnh hưởng tới dư luận và chính trị của Mỹ. Việc Trung Quốc đang khai thác trật tự kinh tế quốc tế do Mỹ chống lưng để làm suy yếu Mỹ và tăng khả năng của nền kinh tế Trung Quốc giờ đang tạo ra một thách thức đáng ngại cho sự lãnh đạo của Mỹ trong nền kinh tế hiện đại.
Những chính sách về thương mại và đầu tư của chính quyền tổng thống Trump đang xung đột lẫn nhau. Sự trừng phạt về mặt thuế quan vừa qua rất tốn kém và gây tranh cãi. Truyền thông nội địa Mỹ và dư luận quần chúng bắt đầu nhận thức được sự thay đổi dữ dằn hơn về mặt tổng thổ trong những chính sách của chính phủ Mỹ chống lại Trung Quốc, nhưng không rõ họ sẽ ủng hộ tới mức nào sự chuyển đổi cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc vốn mang tính tích cực trong quá khứ. Người Mỹ đã tìm cách thích nghi Bắc Kinh và thỏa hiệp với Trung Quốc sẽ kết thúc bởi cách Trung Quốc đã lợi dụng những cách tiếp cận tích cực của Mỹ để khiến Bắc Kinh mạnh hơn và Mỹ suy yếu đi.
Trung Quốc kiên quyết theo đuổi đường đi hiện tại. Tình trạng bế tắc sẽ tiếp tục phát triển. Hiện tại, cả hai bên đều không muốn có xung đột hay chiến tranh, nhưng hai phe đều chuẩn bị để thử thách phía bên kia trong những lĩnh vực nhạy cảm như cải thiện quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan và việc Trung Quốc mở rộng các hoạt động tình báo và thao túng dư luận Mỹ. Những cam kết và đảm bảo của Trung Quốc có rất ít giá trị. Một thách thức lớn hay sự suy vi trong việc lĩnh hội quyền lực của Trung Quốc sẽ giúp thay đổi những lo lắng của Mỹ về viễn cảnh thống trị của Trung Quốc, có thể giúp hai bên cùng chung sống hòa thuận hơn.
Đào Giải, giáo sư trường Anh ngữ và nghiên cứu quốc tế tại Đại học ngoại ngữ Bắc Kinh, tác giả của sách Sống chung với rồng: Dư luận Mỹ nhìn sự trỗi dậy của Trung Quốc thế nào:
Các lãnh đạo Trung Quốc luôn hoan nghênh hợp tác kinh tế là một "sự cân bằng" và "thúc đẩy" mối quan hệ Mỹ-Trung. Hiện tại, khi hai nước đang có một cuộc chiến thương mại trị giá trăm tỷ USD, liệu con thuyền của những mối quan hệ song phương có bị nhấn chìm?
Không nhất thiết. Bởi không có phản kháng chống lại Mỹ kể từ khi tổng thống Trump khởi động cuộc chiến thương mại vào ngày 6.7. Việc thiếu vắng những cuộc biểu tình hàm ý rằng những người dân thường Trung Quốc không quá lo ngại với những hành động không thân thiện của ông Trump. Và có một lý do hợp lý để họ cảm giác như vậy vì với những nhượng bộ ban đầu của Bắc Kinh - giảm thuế nhập khẩu có nghĩa là những sản phẩm và dịch vụ nước ngoài sẽ rẻ hơn với những người tiêu dùng trung bình của Trung Quốc. Vì thế, dân chúng Trung Quốc không cảm thấy mình đang ở trạng thái của sự suy thoái mạnh mẽ trong mối quan hệ kinh tế song phương.
Ông Đào Giải nghĩ rằng đang có một sự đồng lòng mới tại Washington do những mối quan ngại đang gia tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các xã hội phương Tây.
|
Hơn nữa, với việc chính phủ Trung Quốc kiểm soát mạnh mẽ các cuộc biểu tình mang màu sắc chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc, việc thiếu đi những phản ứng của công chúng là tín hiệu mạnh mẽ của việc Bắc Kinh vẫn muốn tìm cách thỏa hiệp với Washington. Vì một lý do, một cuộc chiến như vậy sẽ có thể gây nguy hại với nền kinh tế Trung Quốc nhiều hơn là với kinh tế Mỹ. Sau cùng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc và không có lựa chọn thay thế cho một thị trường lớn và sinh lời như Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington có thể trả đũa bằng cách ngăn chặn mạnh mẽ việc Trung Quốc tiếp cận công nghệ cao của Mỹ. Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc vận động chính bằng xuất khẩu và đầu tư mà không phải là sáng tạo. Số phận của ZTE - một công ty truyền thông lớn của Trung Quốc bị trừng phạt bởi bộ thương mại Mỹ phản ánh sự phụ thuộc nặng nề của Trung Quốc vào công nghệ Mỹ. Ít nhất trong lĩnh vực công nghệ cao, Mỹ là không thể thiếu với Trung Quốc.
Nếu những phân tích trên là đúng thì cuộc chiến thương mại sẽ sớm kết thúc. Nhưng ý định thỏa hiệp của Trung Quốc không nên được hiểu là một dấu hiệu của sự yếu đuối để khiến Mỹ "nặng tay" hơn với Trung Quốc. Phải thừa nhận, việc thẳng tay hơn với Trung Quốc là một sự đồng lòng mới tại Washington do những mối quan ngại đang gia tăng về ảnh hưởng của Trung Quốc trong các xã hội phương Tây (còn gọi là quyền lực mềm) cũng như nhận thức về sự thất bại của Bắc Kinh trong việc đi theo đường lối dân chủ, áp dụng kinh tế thị trường và chiều theo sự lãnh đạo của Mỹ.
Tính nguy hiểm của sự đồng lòng trên sẽ làm gia tăng mạnh mẽ quyền lực của những người ở Bắc Kinh đang chống lại việc cải cách sâu sắc về chính trị và kinh tế. Mạnh tay với Trung Quốc cũng có thể khiến Trung Quốc cứng rắn hơn nữa khi không thấy có lựa chọn nào khác mà phải đối đầu dữ dội và toàn diện hơn trong các lĩnh vực địa chính trị, kinh tế và hệ tư tưởng với Washington. Nhưng liệu Mỹ đã sẵn sàng cho một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới?