Trong báo cáo mới nhất phát hành ngày 9.12, Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho biết VAMC đã mua 94.000 tỉ đồng nợ xấu và phát hành 86.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt.
Trong khi đó, VAMC đã xử lý được tổng cộng 12.000 tỉ đồng nợ xấu. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào quý 3/2014, VAMC đã phát hành 192.000 tỉ đồng trái phiếu đặc biệt để mua 220.000 tỉ đồng nợ xấu và xử lý được 17.000 tỉ đồng nợ xấu, tương đương 7,7% tổng số nợ xấu đã mua.
Trong quý 3/2015, VAMC đã mua thêm hơn 43.000 tỉ đồng nợ xấu và xử lý thêm gần 5.000 tỉ đồng nợ xấu (217,3 triệu USD). Cũng theo báo cáo này, VAMC đã mua nợ xấu từ 39 tổ chức tín dụng, 1 công ty tài chính và 1 công ty cho thuê tài chính bằng trái phiếu đặc biệt.
Theo nhận định của HSC, quý 3/2015 là quý cuối cùng VAMC đẩy mạnh mua nợ xấu trước khi cơ quan này chuyển trọng tâm sang xử lý nợ xấu đã mua thay vì tập trung mua thêm nợ xấu. Tuy nhiên, cho đến nay, VAMC vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý nợ xấu.
Cụ thể, khó khăn được nhắc đến là thiếu hành lang pháp lý rõ ràng liên quan đến quyền sở hữu tài sản đảm bảo. Trong khi đó, việc tăng tỷ lệ nợ xấu được xử lý trên tổng nợ xấu đã mua sẽ là một nhiệm vụ nặng nề đối với VAMC kể từ năm sau trở đi.
HSC cho rằng hiện có 2 cách là tự xử lý hoặc bán nợ xấu. Cách tự xử lý nợ xấu sẽ mất 2-3 năm trong trường hợp quyền sở hữu đơn giản và được tòa án ủng hộ.
Ngoài ra, có thể bán nợ xấu cùng với tài sản đảm bảo đi kèm. Ở đây, ngoài những vướng mắc về mặt pháp lý thì VAMC còn phải được sự đồng ý của ít nhất là ngân hàng bán nợ xấu. Điều này phụ thuộc nhiều vào tốc độ trích lập dự phòng của chính các ngân hàng.
“Nếu các ngân hàng đã trích lập đáng kể thì việc bán nợ xấu (với giá thấp hơn giá trị sổ sách) là có thể khả thi”, HSC nhận định.
Theo Một thế giới