Vai trò quan trọng của lưu trữ dữ liệu trong chuyển đổi số

VietTimes – Chuyển đổi số và quản trị dữ liệu đang là một trong những từ được sử dụng nhiều nhất trong mảng IT của các doanh nghiệp vào thời điểm hiện tại.
Ảnh: Enterprise Storage Forum

Mọi thứ từ tự động hóa tiếp cận bằng email (email outreach - một kỹ thuật sử dụng email để tiếp cận một mục tiêu (người) nào đó) đến thiết lập cấu hình các nền tảng an ninh mạng được hỗ trợ bởi AI đều được gọi là “chuyển đổi số” trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ở cấp độ cơ bản nhất, chuyển đổi số doanh nghiệp có thể được hiểu một cách khá đơn giản - đó là quá trình tích hợp công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp.

Theo nghĩa rộng này, có thể thấy rằng bất kỳ quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp nào đều dựa trên một số yếu tố chính:

Một là kiến thức chuyên môn có sẵn để thiết kế các hệ thống kỹ thuật số.

Hai là các tài nguyên sử dụng điện toán đám mây có sẵn.

Cuối cùng, đối với hầu hết các tổ chức, điều quan trọng nhất là kiểu và dung lượng lưu trữ dữ liệu cho doanh nghiệp.

Tại sao chuyển đổi số không thể tách rời lưu trữ dữ liệu? Lý do là vì hầu hết tất cả các hệ thống và quy trình liên quan đến chuyển đổi số dù ở mức độ cao hay thấp đều dựa vào việc lưu trữ dữ liệu.

Ở cấp độ đơn giản, nó chỉ yêu cầu bạn phải tăng dung lượng lưu trữ có sẵn cho doanh nghiệp. Trong khi ở cấp độ cao hơn, lưu trữ dữ liệu đòi hỏi sự phát triển của các kiến trúc lưu trữ mới như kết cấu dữ liệu (data fabric - một kiến trúc và nhóm các dịch vụ dữ liệu cung cấp các khả năng nhất quán dựa trên sự lựa chọn của các điểm cuối như thiết bị đầu cuối, máy tính chủ trong một môi trường đám mây lai và đám mây hỗn hợp).

Trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét lần lượt từng công nghệ này và phân tích ý nghĩa của chúng đối với hệ thống lưu trữ dữ liệu.

1. Kiến trúc biên (Edge Architectures)

Nếu bạn chưa hiểu việc triển khai các “hệ thống biên” trong doanh nghiệp của mình thì bạn nên chuẩn bị cho nó trong tương lai gần.

Kiến trúc biên là một kiến ​​trúc điện toán phân tán bao gồm các thành phần hoạt động trong tính toán biên từ tất cả các thiết bị, cảm biến, máy chủ, đám mây…, tại bất cứ nơi nào dữ liệu được xử lý hoặc sử dụng ở phạm vi xa của hệ thống.

Yếu tố cốt lõi của kiến trúc biên chính là điện toán biên. Nhiều loại giao diện mới và đặc biệt là các hệ thống hoạt động bằng giọng nói, xử lý liên tục lượng dữ liệu khổng lồ đỏi hỏi dữ liệu được lưu trữ và xử lý gần với nơi chúng được tạo ra và sử dụng.

Quá trình xử lý, tính toán dữ liệu tại vùng biên - nơi gần với nguồn phát sinh dữ liệu và nhận yêu cầu xử lý nhất (các thiết bị IoT) được gọi là điện toán biên.

Về cơ bản, điện toán biên là toàn bộ quá trình quản lý lưu trữ dữ liệu. Việc chỉ tạo ra không gian lưu trữ đủ gần với vị trí trung tâm dữ liệu có thể là một thách thức và việc quản lý chúng để tránh sự trùng lặp quá mức cũng không hề đơn giản.

Vì lý do này, điều quan trọng là các tổ chức phải có cơ sở hạ tầng lưu trữ chặt chẽ, chính xác trước khi họ chuyển sang điện toán biên.

2. Đám mây lai (Hybrid Cloud)

Đám mây lai là sự kết hợp giữa các nền tảng điện toán đám mây, bao gồm một hay nhiều nhà cung cấp dịch vụ đám mây công cộng (ví dự như Amazon hay Google) với một nền tảng đám mây nội bộ được thiết kế riêng cho một tổ chức hoặc một cơ sở hạ tầng IT của tư nhân, trong khi đám mây công cộng và đám mây nội bộ hoạt động độc lập với nhau và giao tiếp thông qua kết nối được mã hóa để truyền tải dữ liệu và ứng dụng.

Mặc dù các đám mây lai thường được coi là một cách tích hợp các hệ thống, nhưng nếu không có sự quản lý cẩn thận, chúng có thể phản tác dụng.

Ở cấp độ cơ bản nhất, các đám mây lai phân chia các bộ lưu trữ liệu với nhau và phân mảnh dữ liệu doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao cùng với đám mây lai, có sự gia tăng của hệ thống lưu trữ bằng phần mềm (software-defined storage, viết tắt là SDS, là một phần mềm quản lý lưu trữ dữ liệu, không phụ thuộc vào lớp phần cứng lưu trữ vật lý).

Đây cũng là một hình thức ẩn đi sự phức tạp của các mô hình đám mây lai đối với những người dùng không cần tới quyền truy cập vào hoạt động bên trong của kiến trúc dữ liệu.

3. Dữ liệu phi cấu trúc (Unstructured Data)

Dữ liệu phi cấu trúc luôn tạo nhiều thách thức cho các kỹ sư phần mềm và điều này có xu hướng ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Lượng dữ liệu phi cấu trúc mà các tổ chức cần lưu trữ ngày càng lớn.

Nguyên nhân là do sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào các nền tảng truyền thông xã hội cũng như dung lượng lớn của các nội dung trên trang web và phương tiện truyền thông.

Điều này có nghĩa là ngay cả các bản sao lưu trang web hiện nay cũng chứa một lượng lớn nội dung hình ảnh, âm thanh và video không thể được sắp xếp gọn gàng vào trong một cơ sở dữ liệu.

Để giải quyết những thách thức này, một trong những tính năng mới nhất và hiệu quả nhất là lưu trữ đối tượng (object storage). Đây là một mô hình lưu trữ tìm cách giữ lại các mối quan hệ giữa các thành phần trong cấu trúc dữ liệu của doanh nghiệp, đồng thời, cung cấp cho doanh nghiệp sự linh hoạt để di chuyển dữ liệu theo yêu cầu.

Do đó, việc chuyển sang cách tiếp cận lưu trữ đối tượng có ý nghĩa rất lớn đối với các công ty đang tìm cách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của họ.

4. Chức năng sao lưu

Khi các quá trình chuyển đổi số tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ngay cả các ý tưởng về sao lưu cũng đang thay đổi.

5 năm trước, hầu hết các công ty đều coi việc sao lưu của họ như một chính sách bảo đảm ngăn chặn những sự cố mất dữ liệu khó lường trước hoặc các cuộc tấn công ransomware.

Quá trình sao lưu này có bao gồm việc sao chép nội dung của một đĩa cứng sang nhiều đĩa cứng khác và để chúng tại những vị trí an toàn trong các phòng máy chủ của công ty.

Hiện nay, giá trị của các bản sao lưu đã vượt ra ngoài việc giảm thiểu khả năng mất dữ liệu. Ví dụ, bạn có thể tiến hành phân tích trên những dữ liệu đã sao lưu của mình, trong khi kho dữ liệu chính của bạn đang được khách hàng và nhân viên của bạn sử dụng.

Điều này giúp cho các phân tích trở nên hiệu quả hơn nhiều. Tuy nhiên, chỉ khi các cơ sở hạ tầng về sao lưu dữ liệu của bạn đủ mạnh, các bản sao lưu của bạn mới có thể phát huy tác dụng theo ý nghĩa này.

Nói một cách khác, các doanh nghiệp cần chuyển sang một hình thức sao lưu hiện đại hơn và bạn sẽ nhận ra rằng các bản sao lưu của mình không những an toàn hơn mà chúng còn có thể trở nên hữu ích hơn.

5. Hiệu suất

Về bản chất, hầu hết các quy trình chuyển đổi số đều yêu cầu quyền truy cập vào dữ liệu với tốc độ nhanh hơn so với các quy trình thủ công mà chúng đang dần thay thế.

Xuất phát từ lý do này, một trong những điều quan trọng nhất mà các tổ chức có thể thực hiện để chuẩn bị cho chuyển đổi số là nâng cấp cơ sở hạ tầng lưu trữ dữ liệu của họ trước khi bắt đầu lên kế hoạch chuyển đổi số.

Hiện nay, các doanh nghiệp có rất nhiều lựa chọn trong lĩnh vực này. Nếu các công ty không chủ động tìm hiểu các tùy chọn lưu trữ dữ liệu có sẵn trong một vài năm, họ có thể sẽ cảm thấy “tụt hậu” về mức độ phát triển của mọi thứ.

Ví dụ, nhiều công ty hiện đang xem xét việc mở rộng công nghệ lưu trữ flash NVMe (bộ nhớ cố định - một giao thức truyền dữ liệu mới được thiết kế cho bộ nhớ thể rắn), đôi khi, đó còn là sự thay thế hoàn toàn cho các loại ổ cứng truyền thống.

Điều quan trọng nhất, bất kỳ quá trình chuyển đổi số nào cũng sẽ dựa vào dung lượng lưu trữ dữ liệu mà doanh nghiệp của bạn có sở hữu. Điều này có nghĩa là việc chuyển đổi thành công sang các quy trình kỹ thuật số sẽ liên quan mật thiết đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng lưu trữ, tìm hiểu cách sử dụng phần mềm để lưu trữ và thậm chí là định hình lại về cách doanh nghiệp của bạn có thể lưu trữ dữ liệu.

Theo Enterprise Storage Forum