8 xu hướng thanh toán số hàng đầu năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Việc số hóa các phương thức thanh toán là một bước tiến lớn trong mục tiêu làm thế nào để mọi người có thể thanh toán dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và an toàn hơn.
Các phương thức thanh toán hiện đại được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến là minh chứng cho những thành tựu công nghệ của chúng ta ngày nay. Ảnh: Didi Pay
Các phương thức thanh toán hiện đại được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến là minh chứng cho những thành tựu công nghệ của chúng ta ngày nay. Ảnh: Didi Pay

Kinh tế, tiền bạc và cách con người thanh toán, trao đổi đã trải qua rất nhiều thay đổi kể từ thời kỳ đồ đá. Theo một phương diện nào đó, tất cả những điều này chính là những chỉ số quan trọng cho thấy sự tiến triển của chúng ta với tư cách là một loài.

Các phương pháp cổ xưa tiết lộ cách sống nguyên thủy của chúng ta. Tương tự, các phương thức thanh toán hiện đại được hỗ trợ bởi những công nghệ tiên tiến là minh chứng cho những thành tựu công nghệ của chúng ta ngày nay.

Việc số hóa các phương thức thanh toán là một bước tiến lớn trong mục tiêu làm thế nào để mọi người có thể thanh toán dễ dàng, thuận tiện, nhanh chóng và an toàn. Có thể khẳng định rằng, chúng ta đã và đang đạt được những điều đó.

Các phương thức thanh toán số đã có những bước phát triển lớn trong khoảng thời gian 4-5 năm trở lại đây và chúng ta có thể sẽ còn thấy nhiều thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.

Theo Finaria.it, ngành công nghiệp thanh toán số toàn cầu dự kiến ​​sẽ đạt giá trị 6,6 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Lĩnh vực này được định giá 5,4 triệu USD vào năm 2020. Trước đại dịch Covid-19, ngành này đã tăng trưởng 16% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến tốc độ tăng trưởng lĩnh vực thanh toán số lên hơn 22%.

Trong 4 năm tới, thị trường thanh toán số được dự đoán sẽ đạt giá trị 10,5 triệu USD. Sự tăng trưởng ổn định này là kết quả của nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với việc áp dụng những tiến bộ về công nghệ.

Dưới đây là những xu hướng chính trong lĩnh vực thanh toán số đã và đang tạo ra giá trị lớn vào năm 2021.

1. Xác thực sinh trắc học

Xác thực sinh trắc học đang là một lựa chọn đáng tin cậy và an toàn cho tất cả các khoản thanh toán số diễn ra trong năm 2021. Ảnh: Rec Faces

Xác thực sinh trắc học đang là một lựa chọn đáng tin cậy và an toàn cho tất cả các khoản thanh toán số diễn ra trong năm 2021. Ảnh: Rec Faces

Xác thực sinh trắc học (Biometric Authentication) là một trong những xu hướng thanh toán số mới xuất hiện sớm nhất trong năm 2021. Đây là một phương pháp xác minh liên quan đến các đặc điểm sinh học và cấu trúc của mỗi cá nhân. Các phương pháp xác minh này bao gồm máy quét dấu vân tay; nhận dạng khuôn mặt, mống mắt; phân tích nhịp tim và lập bản đồ tĩnh mạch.

Trước sự gia tăng của các vấn đề đánh cắp và gian lận danh tính, xác thực sinh trắc học trở thành một lựa chọn đáng tin cậy và an toàn cho tất cả các khoản thanh toán số diễn ra trong năm 2021. Ngay cả các số liệu thống kê cũng cho thấy điều tương tự. Theo trang BiometricUpdate.com dự đoán, có khoảng 2,5 triệu thẻ thanh toán số sẽ được phát hành vào năm 2021.

Xác thực sinh trắc học là một phương thức thanh toán quan trọng và độc nhất bởi nó có sự hợp nhất, cung cấp độ chính xác, hiệu quả và bảo mật trong một khối duy nhất. Đây cũng là một phương pháp bảo mật cao vì nó liên quan đến các đặc điểm riêng của một cá nhân. Yếu tố này cũng giúp xây dựng lòng trung thành và sự tin tưởng của khách hàng.

2. Thế hệ Z: thế hệ am hiểu công nghệ

Ảnh: Maryville University Online

Ảnh: Maryville University Online

Trước khi tìm hiểu các xu hướng công nghệ tiếp theo, chúng ta hãy tìm hiểu thế hệ Z là gì. Thuật ngữ “thế hệ Z” hay “Gen Z” được sử dụng để chỉ những người sinh năm 1999-2012. Nói một cách đơn giản, tất cả những người ở độ tuổi 20-27 tuổi thuộc thế hệ Z, cũng là thế hệ sinh ra trong kỷ nguyên số.

Theo Tạp chí Forbes, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 31% dân số toàn cầu vào năm 2021. Sự thay đổi dân số này sẽ có ý nghĩa rất lớn bởi nó chỉ ra rằng phần lớn dân số vào năm 2021 sẽ là thệ hệ am hiểu công nghệ hoặc tiếp xúc nhiều với công nghệ.

Thế hệ Z sẽ có sự phụ thuộc cao hơn vào các công nghệ và dịch vụ tiên tiến, tự động hoá nhanh hơn và hiệu quả hơn. Do đó, nhu cầu về hệ thống thanh toán số được dự đoán sẽ tăng nhanh trong những năm tới.

3. Công nghệ EMV

Công nghệ EMV được biết đến với việc sử dụng các mã thay đổi mỗi khi khách hàng thực hiện giao dịch. Ảnh: Credit Cards

Công nghệ EMV được biết đến với việc sử dụng các mã thay đổi mỗi khi khách hàng thực hiện giao dịch. Ảnh: Credit Cards

Ban đầu, các tài khoản ngân hàng được nhận dạng đơn giản bằng sự kết hợp ngẫu nhiên của các chữ số duy nhất có trên thẻ. Tuy nhiên, công nghệ EMV (viết tắt của Europay, MasterCard, VISA - ba tổ chức đã phát triển và thiết lập EMV thành tiêu chuẩn toàn cầu cho các giao dịch tín dụng và ghi nợ dựa trên công nghệ chip) đã dần được các ngân hàng công nhận và giới thiệu cho khách hàng bởi đây là một cơ chế thanh toán được máy tính hóa và có khả năng bảo mật cao hơn.

Công nghệ EMV được biết đến với việc sử dụng các mã thay đổi mỗi khi khách hàng thực hiện giao dịch. Việc sử dụng các mã tạm thời này giúp tăng cường bảo mật trong các tài khoản ngân hàng. Ví dụ này cho chúng ta thấy cách các mã có thể định hình lại việc chúng ta quản lý hệ thống tài khoản ngân hàng.

Không những vậy, tương lai của các thẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các dịch vụ thanh toán tiên tiến, cung cấp các phương thức chuyển tiền và lưu trữ thuận tiện, liền mạch hơn.

4. Nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị thanh toán thẻ mPOS

mPOS (từ viết tắt của Mobile Point of Sale) là một loại máy chấp nhận thẻ thanh toán, cho phép đơn vị chấp nhận thẻ sử dụng điện thoại thông minh kết hợp thiết bị thanh toán đi kèm nhằm thanh toán hàng hóa, dịch vụ cho khách hàng.

mPOS là một công nghệ mang tính cách mạng vì nó giải phóng người bán hàng khỏi các địa điểm thực tế và khách hàng cũng không nhất thiết phải thanh toán tại cửa hàng của họ. Điểm đặc biệt của phương pháp này là khách hàng sẽ quẹt thẻ tại thiết bị đi kèm điện thoại thông minh. Do đó, khách hàng có thể thoải mái thanh toán ở bất kỳ địa điểm nào như buổi hòa nhạc, triển lãm thương mại, trung tâm thương mại…

Không dừng lại ở đó, công nghệ mPOS còn tạo ra sự khác biệt lớn trong quy trình thanh toán của một cửa hàng thông qua việc làm cho nó trở nên hợp lý và linh hoạt hơn, đó là việc thay thế các khu vực thanh toán trung tâm bằng các nhân viên bán hàng được trang bị thiết bị mPOS.

mPOS đang trở thành một phương thức thanh toán số thịnh hành. Các số liệu thống kế đã chứng mình điều này. Theo Global Market Insights - nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và nghiên cứu thị trường toàn cầu, mPOS sẽ có tốc độ tăng trưởng hằng năm kép (CAGR) là khoảng 19% từ năm 2020 đến năm 2026.

5. Thanh toán qua loa thông minh

Ảnh: Alacriti
Ảnh: Alacriti

Nền tảng tự động hóa ngôi nhà (Home assistants) hoặc loa thông minh cho phép người dùng ra điều khiển bằng giọng nói và nhận lại phản hồi cũng bằng giọng nói. Loa thông minh chủ yếu được dùng để nghe nhạc, tin tức, đặt báo thức, nhắc nhở, gọi xe, quản lý danh sách mua sắm, điều khiển các thiết bị nhà thông minh như đèn và bộ ổn nhiệt.

Nhiều “ông lớn” công nghệ đã đầu tư vào việc sản xuất loa thông minh. Amazon đã phát hành loa thông minh đầu tiên của hãng vào năm 2014. Google và Apple cũng lần lượt lấn sân sang thị trường này vào năm 2016 và 2017.

Những chiếc loa thông minh được phát triển như một trợ lý thông minh về bản chất vẫn còn khá sơ khai bởi chúng bị giới hạn chỉ với các thiết bị điện thoại di động. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của tự động hóa ngôi nhà, loa thông minh cũng bắt đầu trở thành xu hướng chủ đạo.

Theo Statista, 35% người dùng sử dụng loa thông minh để mua các sản phẩm như chăm sóc gia đình, đồ tạp hóa và quần áo.

Điều bất ngờ là có khoảng 28% người sử dụng loa thông minh để gửi tiền hoặc thanh toán trực tiếp. Đây không phải là một con số quá lớn bởi ngày càng có ít người lựa chọn thanh toán qua loa thông minh vì lý do bảo mật.

Mối lo ngại về bảo mật này trở nên phổ biến hơn khi một thông cáo báo chí từ TNS cho thấy có khoảng 74% người dùng lo ngại về bảo mật khi thực hiện thanh toán qua trợ lý giọng nói. Hơn nữa, họ cũng cho biết họ có thể ngừng thanh toán do sự lo ngại này.

Tuy nhiên, loa thông minh vẫn có một tương lai đầy hứa hẹn khi các tên tuổi lớn như Amazon, Google và Apple đang đẩy mạnh đầu tư để xây dựng các thế hệ loa thông minh mới tiên tiến của họ.

Business Insider đã ước tính rằng việc sử dụng loa thông minh sẽ tăng mạnh mẽ từ 18,4 triệu người dùng vào năm 2017 lên con số 77,9 triệu vào năm 2022.

6. Tập trung vào bảo mật nhiều hơn

Bảo mật được coi là yếu tố quan trọng nhất khi nói đến thanh toán. Mọi người luôn muốn sử dụng phương thức thanh toán có tính bảo mật cao. Đó là lý do tại sao các công nghệ thanh toán sẽ không thế tồn tại nều không phát triển một hệ thống bảo mật cấp cao nhất.

Các ngân hàng nhận được rất nhiều thông tin chi tiết về khách hàng và dữ liệu thanh toán mỗi ngày. Để phát hiện tất cả mối đe dọa có thể xảy ra chỉ trong vòng vài giây, các ngân hàng hiện đang sử dụng sự trở giúp của máy học (machine learning).

Máy học là bước đầu tiên bạn cần tiến hành để sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI). Các ngân hàng liên tục cung cấp các phần mềm của họ với các giao dịch mới và khác nhau.

Phần mềm có chứa một tập hợp các giao dịch được giới hạn và học cách phát hiện các giao dịch gian lận trong thời gian thực. Khi phần mềm ngày càng nhận được nhiều giao dịch hơn, nó có thể phát hiện các giao dịch gian lận tốt hơn.

Một ví dụ điển hình cho xu hướng này là khi bạn nhận được tin nhắn từ ngân hàng với câu hỏi rằng liệu một giao dịch nào đó có phải do bạn thực hiện hay là gian lận.

Thông báo cảnh cáo này giúp người dùng và ngân hàng tránh được các sự cố, sai lầm lớn tiềm tàng. Không ai gửi cho bạn những tin nhắn này. Công nghệ máy học sẽ là phần mềm gửi tất cả các nội dung này cho bạn.

7. Thanh toán không tiếp xúc

Thanh toán không tiếp xúc (Contactless payments) là một phương thức thanh toán hoàn toàn khác đang phát triển nhanh chóng trong năm 2021.

Giống như tên gọi của nó, công nghệ thanh toán không tiếp xúc cho phép bạn không cần quẹt thẻ, chỉ cần đặt gần hoặc vẫy nhẹ điện thoại thông minh/thẻ ngay trước đầu đọc của thiết bị thanh toán tại quầy thu ngân và giao dịch sẽ được thực hiện. Phương thức thanh toán này nhanh hơn và tiện lợi hơn rất nhiều so với cách quẹt thẻ.

Thanh toán không tiếp xúc cũng nhanh hơn và an toàn hơn so với công nghệ mã nhập mã pin vì nó chuyển dữ liệu được mã hóa đến thiết bị đọc thẻ thanh toán POS ngay lập tức.

Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Apple và Google đã có hệ thống thanh toán không tiếp xúc như Samsung Pay, Apple Pay và Google Pay tương ứng. Để thực hiện thanh toán, tất cả những gì khách hàng phải làm chỉ là tải ứng dụng thanh toán về máy, thêm thẻ của bạn bằng cách nhập chi tiết thẻ, sau đó, vẫy điện thoại qua bất kỳ đầu đọc thẻ của thiết bị thanh toán POS nào.

Thanh toán không tiếp xúc có nhiều điểm gần gũi với công nghệ NFC (là công nghệ cho phép giao tiếp, kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn). Đó là lý do tại sao chúng ta có thể gọi thanh toán không tiếp xúc là thanh toán NFC.

Thanh toán NFC hiện đang được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, nó được sử dụng như một phương thức thanh toán trong các phương tiện giao thông công cộng. Tương tự, tại London (Anh), thanh toán NFC được sử dụng trong các trạm xe buýt và tàu điện ngầm. Tại Nhật Bản, công nghệ này được sử dụng để cung cấp thông tin thẻ căn cước công dân.

UK Finance - một hiệp hội thương mại đại diện cho lĩnh vực dịch vụ tài chính và ngân hàng của Anh đã dự đoán rằng khoảng 36% tổng số tiền thanh toán sẽ được thực hiện thông qua các thẻ không tiếp xúc được hỗ trợ bởi công nghệ NFC vào năm 2027.

8. Sự thống trị của ví di động

Theo báo cáo của RetailDive, có khoảng 2,1 tỷ khách hàng đang sử dụng ví di động (mobile wallet) vào năm 2019, con số chắc chắn đã tăng không ít vào năm 2020.

Ví di động là ví ảo, lưu trữ thông tin của thẻ thanh toán trên thiết bị di động. Với sự trợ giúp của ví di động, bạn có thể gửi tiền cho người khác, nhận tiền từ người khác và lưu trữ chúng trong ví. Ngoài ra, người dùng còn có thể thanh toán hóa đơn điện nước, mua vé xem phim…

Theo Appventurez, khối lượng giao dịch trong các ví di động sẽ tăng ở mức 274,4 tỷ USD. Đó là lý do tại sao nhiều công ty lớn như Apple, Google và Samsung đã bắt đầu cung cấp ví di động để mã hóa giao dịch này.

Tuy nhiên, tất cả các ví đó đều thuộc sở hữu của những thương hiệu và công ty lớn. Trong những năm tới, nhiều công ty sẽ cố gắng tạo ra ví di động dành riêng cho thương hiệu của họ.

Các công ty có thể dễ dàng đánh giá mức độ sử dụng của khách hàng với sự trợ giúp của ví di động. Nói một cách dễ hiểu, ví di động bao gồm các thành phần khác nhau hoạt động cùng nhau để cung cấp các dịch vụ thanh toán một cách dễ dàng, nhanh chóng và không cần tới tiền mặt.

Thanh toán số chính là tương lai. Trong những năm tới, chúng ta có thể sẽ chứng kiến các phương thức thanh toán chuyển đổi từ tiền tệ vật chất (physical cash) sang các phương thức thanh toán số. Trước khi quá trình chuyển đổi kết thúc, nhiều xu hướng mới sẽ xuất hiện và cũng có thể sẽ biến mất. Những xu hướng này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các phương thức thanh toán trong tương lai của chúng ta. Một số xu hướng được đề cập ở trên cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình đó. Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới cho chúng ta biết quá trình đó sẽ diễn ra như thế nào.

Theo Digi Pay