9 cách Big Data có thể cải thiện các doanh nghiệp nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trước cuộc cách mạng dữ liệu và ảnh hưởng của nó tới nền kinh tế số, các doanh nghiệp không thể bỏ qua Big Data nếu muốn tiếp tục tồn tại và tăng trưởng.
Ảnh: Analytics Insight
Ảnh: Analytics Insight

Quy mô của doanh nghiệp không ảnh hưởng đến khả năng sử dụng Dữ liệu lớn (Big Data). Ngay cả đối với các công ty có ngân sách eo hẹp và lực lượng lao động ít, một số công cụ và giải pháp dữ liệu lớn vẫn có thể phù hợp và hữu ích đối với nhu cầu, mục tiêu của họ.

Vai trò của dữ liệu lớn đối với các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ là như nhau. Đó là sự trang bị các thông tin sâu sắc để phục vụ cho việc tiếp thị, thiết kế và sản xuất các sản phẩm; đáp ứng nhu cầu cụ thể của từng doanh nghiệp; thúc đẩy doanh thu, hợp lý hóa các hoạt động, quản lý hàng tồn kho và đưa ra các dự báo chính xác.

Vậy, cụ thể, các doanh nghiệp nhỏ có thể tận dụng Dữ liệu lớn như thế nào để cạnh tranh thành công trên thị trường hiện nay?

1. Nâng cao hiệu quả làm việc của nhân viên

Hàng ngày, các nhân viên trong công ty đang tạo ra rất nhiều dữ liệu. Sử dụng công cụ theo dõi thời gian dựa trên đám mây, lãnh đạo doanh nghiệp có thể nhận được báo cáo chính xác về thời gian mà nhân viên của họ phân bổ cho các công việc hàng ngày như họp, nghỉ giải lao và các dự án… Điều này giúp nhà quản lý theo dõi năng suất của họ.

Khi bạn nhận thấy nhân viên mất nhiều thời gian hơn mức cần thiết để hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể, phần mềm quản lý tài nguyên như lập kế hoạch nguồn lực (resource rescheduling) có thể giúp bạn phân công nhiệm vụ tùy thuộc vào năng lực của nhân viên. Điều này giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả công việc từ đó, tạo ra năng suất cao hơn.

2. Tăng cường quản lý dự án (project management)

Để một dự án thành công, các nguồn lực như lực lượng lao động, thiết bị và cơ sở vật chất cần được quản lý đầy đủ để hoàn thành nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu ngân sách và tiến độ đã đặt ra trước đó. Nó yêu cầu việc phân bổ và lập kế hoạch các nguồn lực dựa trên tính sẵn có, khả năng, nỗ lực và quy mô dự án.

Việc lập kế hoạch nguồn lực hiệu quả giúp bạn tránh được các vấn đề phát sinh liên quan đến năng lực làm việc của nhân viên, khả năng sẵn có của các nguồn lực bằng cách cho phép tổ chức, phân phối nhiệm vụ một cách thông minh, phân tích dữ liệu trong thời gian thực và lập kế hoạch tốt hơn.

3. Giám sát sự cạnh tranh

Công nghệ dữ liệu lớn cho phép bạn nắm bắt tình hình đối thủ cạnh tranh mà không cần dựa vào tin đồn hay việc theo dõi trang web của họ. Với dữ liệu sẵn có, bạn có thể nhanh chóng biết được đối thủ cạnh tranh của mình là ai mà không cần phải rời khỏi văn phòng.

Thông qua việc sử dụng phân tích mạng xã hội (social media analysis - quá trình thu thập, phân tích và áp dụng dữ liệu và báo cáo liên quan đến nội dung được chia sẻ trên hồ sơ mạng xã hội của đối tượng nhắm mục tiêu) và Google Xu hướng (Google trends - một công cụ tìm kiếm trực tuyến cho phép người dùng xem tần suất các từ khóa, chủ đề và cụm từ cụ thể đã được truy vấn trong một khoảng thời gian cụ thể), bạn có thể biết được mức độ phổ biến của một sản phẩm, dịch vụ hoặc công ty.

Sau đó, bạn có thể dử dụng những thông tin đã thu thập được để đối sánh với thương hiệu của mình và xem xét những điểm doanh nghiệp của bạn cần cải thiện để luôn đi trước đối thủ.

Ngoài ra, hãy luôn cảnh giác rằng đối thủ cạnh tranh của bạn cũng có thể theo dõi doanh nghiệp của bạn. Việc luôn cập nhật những công nghệ dữ liệu lớn mới nhất có thể giúp bạn vượt qua đối thủ cạnh tranh một cách thông minh.

4. Hiểu được mối quan tâm và sở thích của khách hàng

Nhờ sử dụng phân tích dữ liệu lớn, bạn có thể có được bức tranh toàn cảnh về khách hàng của mình: điều gì khiến họ hào hứng, điều gì khiến họ mua hàng, họ sẽ mua gì tiếp theo, điều gì có thể khiến họ giới thiệu thương hiệu của bạn với những người khác, tại sao họ lại chọn mua hàng của đối thủ cạnh tranh của bạn, họ thích mua sắm theo cách nào…

Doanh nghiệp cũng có thể tương tác với khách hàng của mình trên phương tiện truyền thông xã hội, qua trang web, email và tin nhắn, sau đó, việc phân tích dữ liệu phản hồi sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện các sản phẩm và dịch vụ của mình. Điều đó cho phép bạn nâng cao trải nghiệm khách hàng cũng như tăng tỷ lệ giữ chân khách hàng.

5. Cắt giảm chi phí

Nhờ dữ liệu lớn, các doanh nghiệp có thể xác định các quy trình làm việc dư thừa hoặc tốn kém, không mang lại hiệu quả. Tùy thuộc vào kết quả, các công ty có thể tăng hoặc giảm quy mô, ảnh hưởng đến tình hình tài chính của họ trong dài hạn. Ví dụ: Dữ liệu lớn có thể giúp doanh nghiệp theo dõi các lỗi tài chính có thể xảy ra do khả năng lập hóa đơn kém. Tự động hóa quy trình lập hóa đơn có thể giúp bạn loại bỏ những sai sót, giúp tiết kiệm chi phí.

6. Tăng cường hoạt động

Khi các quy trình kinh doanh được kết nối và liên kết chặt chẽ với nhau, dữ liệu thời gian thực (dữ liệu thông tin được gửi ngay sau khi thu thập, không có sự chậm trễ về tính kịp thời của thông tin được cung cấp) sẽ được tạo ra. Sau đó, chủ doanh nghiệp có thể sử dụng dữ liệu này để cải tiến các quy trình hoạt động trong doanh nghiệp. Ví dụ, việc tích hợp dữ liệu vận chuyển trực tiếp trên các xe tải chở hàng sử dụng GPS và cảm biến giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng.

7. Tuyển dụng và quản lý nhân viên

Với nhiều hoạt động được chuyển sang hình thức kỹ thuật số, bạn có thể dễ dàng tìm thấy những dữ liệu có thể giúp doanh nghiệp tuyển dụng nhân tài, tìm được địa chỉ môi giới tuyển dụng tốt nhất. Bên cạnh đó, các dữ liệu được bộ phận nhân sự của công ty thu thập có thể giúp nhà quản lý theo dõi tình trạng vắng mặt, năng suất, cũng như mức độ hài lòng của nhân viên và đánh giá về sự phát triển của các cá nhân.

8. Tạo ra các chiến dịch tiếp thị tốt hơn

Dữ liệu lớn sẽ giúp bạn đưa ra các quyết định tiếp thị sáng suốt cho doanh nghiệp của mình. Nhờ dữ liệu lớn, bạn có thể xác định được các nhóm khách hàng mục tiêu khác nhau và dự kiến cách khách hàng đáp lại các chiến lược tiếp thị của bạn. Bạn cũng có thể xác định được những ai đang mua hàng của bạn, độ tuổi, vị trí của họ, nơi họ đi chơi, điều gì thúc đẩy quyết định mua hàng của họ và nhiều thông tin hữu ích khác.

Những thông tin này giúp bạn tạo nội dung nhắm mục tiêu tốt nhất đến từng nhóm khách hàng tiềm năng, do đó, nỗ lực tiếp thị của bạn sẽ không bị lãng phí. Dữ liệu lớn cũng cho phép bạn theo dõi các xu hướng tiếp thị mà bạn có thể kết hợp vào chiến lược của mình.

9. Xác định các xu hướng

Dữ liệu lớn giúp doanh nghiệp loại bớt được các phỏng đoán trong nhiều quy trình, giúp bạn phát hiện và theo dõi các trạng thái và mô hình kinh doanh của công ty. Từ đó, bạn có thể dự đoán được mọi thứ đang diễn một cách chính xác nhất có thể, bao gồm nhu cầu của khách hàng đối với thương hiệu của bạn sẽ bị ảnh hưởng như thế nào theo thời gian.

Thông qua việc xác định các chủ đề thịnh hành trên Facebook và Twitter, bạn có thể biết mọi người đang muốn gì. Điều này giúp doanh nghiệp của bạn điều chỉnh lại các sản phẩm và dịch vụ sao cho phù hợp với nhu cầu và yêu cầu của người tiêu dùng.

Khi các nguồn thông tin tiếp tục tăng lên, các doanh nghiệp có xu hướng chuyển dịch vụ, sản phẩm và bất kỳ dữ liệu nào khác của họ lên đám mây. Điều này sẽ giúp họ tận dụng được những lợi ích mà dữ liệu lớn mang lại cho doanh nghiệp.

Theo Analytics Insight