|
Ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nhân Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức 248 - giới thiệu về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” |
Thông tin trên được ông Hồ Anh Tuấn - Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam, Trưởng ban tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” (gọi tắt là BTC 248) - cho biết tại buổi gặp mặt báo chí sáng nay, 28/7 về Diễn đàn “Văn hóa với doanh nghiệp” và khởi động chương trình “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam” năm 2023.
Ông Hồ Anh Tuấn cũng cho biết: Diễn đàn nhằm góp phần thúc đẩy xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) trong cộng đồng DN Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước hình thành những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
BTC Diễn đàn gồm: Ban Tuyên giáo TW; Bộ Công Thương; Bộ VHTT&DL; BTC 248; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; TW Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM.
Trên cơ sở nhiều DN đã thành công nhờ các tiêu chí văn hóa, từ năm nay, BTC 248 sẽ hướng tới không chỉ các DN nước ngoài ở Việt Nam, mà còn cả các DN Việt Nam đầu tư ở nước ngoài, nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa kinh doanh nói riêng và tiếp thu văn hóa kinh doanh của thế giới.
Theo ông Hồ Anh Tuấn: Việc xét chọn và công nhận các DN đạt tiêu chuẩn dựa trên Bộ tiêu chí Văn hoá kinh doanh Việt Nam đã được Thủ tướng phê duyệt, sau khi có sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của các nhà khoa học, chuyên gia, DN và báo chí. Ngoài việc các DN đăng ký tham gia chương trình xét đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh Việt Nam, chúng tôi còn tiến hành thực hiện việc phát hiện để tôn vinh. Các DN tham gia, không chỉ DN lớn mà cả DN vừa và nhỏ, đều không phải đóng bất cứ một khoản kinh phí nào và BTC không nhận tài trợ từ các DN trên, để các DN tham gia đông đảo và danh hiệu của họ thật sự danh giá.
Ông Đinh Văn Thuần - Phó Vụ trưởng Vụ Văn hoá - Văn nghệ Ban Tuyên giáo TW - khẳng định vai trò của văn hóa DN khi nhiều DN chưa coi trọng văn hóa kinh doanh đã bị thất bại. Ban Tuyên giáo TW ghi nhận nỗ lực của BTC 248 trong việc đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa DN, triển khai ở nhiều cấp trong hệ thống chính trị thời gian qua, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển bền vững.
“Chúng tôi nhận thức rõ ràng về vai trò của văn hóa DN nên mới đồng hành cùng BTC 248” - Ông nhấn mạnh.
Ông Lê Doãn Hợp - Chủ tịch Hội đồng xét chọn DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam - nhấn mạnh việc phải quan tâm đến DN vì đây là lực lượng làm ra của cải cho xã hội.
Theo ông Lê Doãn Hợp, DN có văn hóa là làm người tử tế, mà trước hết, giám đốc DN phải tử tế, làm giàu chân chính, đi bằng 2 chân bền vững là văn hóa và môi trường. Có những DN giàu lên làm vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, nhưng có những DN giàu lên làm đất nước nghèo đi. “Vì thế, tôi sợ tôn vinh DN làm bất động sản” - Ông Hợp bày tỏ.
Ông Lê Doãn Hợp chia sẻ: Giá trị văn hóa là sáng tạo và trí tuệ. Không có DN có văn hóa nào mà giám đốc không có văn hóa. Tiêu chuẩn quyết đoán là quan trọng nhất, khi người lãnh đạo dám lấy ý kiến cá nhân để chứng minh cho tương lai, như ông Lữ Văn Thành - Giám đốc Misa - đã dám xây dựng công nghệ phần mềm từ khi Internet chưa vào Việt Nam, để nay, sản phẩm của Misa tràn ra thế giới và có mặt tại Mỹ.
Ông Hợp cũng kêu gọi báo chí ủng hộ các DN xây dựng văn hóa, trong bối cảnh “người làm chưa về, người chê đã đến”.
Tại buổi gặp gỡ báo chí, đại diện các DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh đã chia sẻ về những “bí quyết” của mình.
Bà Hà Thu Hương- Trưởng phòng Quản trị Thương hiệu của Viettel - cho biết DN cài đặt văn hóa trong quy trình làm việc và lãnh đạo phải làm gương. Viettel cũng chú trọng phát triển văn hóa qua các hoạt động sáng tạo, phát triển các sản phẩm, tuyển dụng vv…để nhân viên thực thi với yêu cầu hòa nhập thị trường quốc tế và khách hàng cũng cảm nhận được văn hóa Viettel trong từng dịch vụ.
Trong các dự án ở nước ngoài, văn hóa Việt Nam và văn hóa Viettel vẫn xuyên suốt, để không chỉ phát triển văn hóa Việt Nam ở trong nước mà còn trên quốc tế, trong bối cảnh Viettel từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trở thành nhà cung cấp dịch vụ số.
Đại diện các DN nước ngoài, ông Hong Sun - Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam - cho hay: Thành công của các tập đoàn lớn hàng đầu thế giới như Samsung cũng có giá trị cốt lõi là văn hóa kinh doanh và được lan tỏa. Do đó, nhiều DN Việt Nam nên áp dụng văn hóa kinh doanh của các DN thành công. Mỗi tập đoàn có một chủ đề để phát triển, Việt Nam nên nghiên cứu văn hóa DN của Hàn, nhất là các DN startup Việt Nam nên học hỏi.
“Các DN Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác, đồng hành với các DN Việt Nam để phát triển văn hóa kinh doanh, cũng như sẵn sàng giới thiệu, quảng bá để cộng đồng DN Hàn Quốc tham gia” - ông Hong Sun bày tỏ.
Buổi họp báo về Diễn đàn quốc gia thường niên “Văn hóa với DN ” có sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo TW, Bộ VHTT&DL, Bộ Công thương vv…
Diễn đàn dự kiến sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào Ngày văn hóa DN Việt Nam 18/11/2023 với 3 hoạt động chính: Hội thảo “Văn hóa kinh doanh – dòng chảy phát triển và hội nhập”, lễ trao chứng nhận DN đạt chuẩn văn hóa kinh doanh và đoàn đại biểu DN đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo Thành uỷ, UBND TP. Hồ Chí Minh.
Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung: Giải pháp giúp DN Việt Nam “hòa nhập nhưng không hòa tan” và cuộc cách mạng công nghệ, chuyển đổi số, và năng lực tận dụng công nghệ/chuyển đổi số cho sự phát triển văn hóa kinh doanh; Những giá trị “Được và mất” trong văn hóa giao thương Việt Nam qua các thời kỳ phát triển lịch sử”; Nhận diện và gọi tên bản sắc của văn hóa kinh doanh Việt Nam.
Lễ tôn vinh và trao chứng nhận “DN đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam” là sự kiện trọng tâm của Diễn đàn.