Vai trò của Ban An toàn Thực phẩm TP.HCM thế nào khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc rượu ở TP.HCM, khiến nhiều người phải cấp cứu, trong đó có người thiệt mạng, có người qua khỏi nhưng để lại di chứng nặng nề. 

Bệnh nhân ngộ độc Methanol nhập viện vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC
Bệnh nhân ngộ độc Methanol nhập viện vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: BVCC

Trả lời câu hỏi “nóng” của VietTimes với Ban An toàn Vệ sinh Thực phẩm (Ban ATVSTP) về sự cố hàng chục người phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu, thậm chí một số người đã thiệt mạng, tại cuộc họp báo chiều nay, 18/8, ông Lê Minh Hải - Phó Trưởng Ban Quản lý Ban ATVSTP TP.HCM - cho hay: “Gần đây, trên địa bàn TP.HCM liên tiếp xảy ra nhiều vụ ngộ độc rượu gây chết người. Qua điều tra, phân tích, nguyên nhân chính là do người dân sử dụng rượu không an toàn, không có nguồn gốc. Cũng có trường hợp người dân vô tình sử dụng cồn sát khuẩn pha nhầm vào bình rượu ngâm, dẫn đến ngộ độc Methanol, gây tử vong”.

Thông tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM cho biết, nữ bệnh nhân T.T.G.M (1 trong số 8 nạn nhân trong vụ ngộ độc rượu chứa Methanol, khiến 2 người tử vong xảy ra trước đó), đã xuất viện hôm 16/8. Tuy nhiên, bệnh nhân T.T.G.M khi nhập viện nồng độ Methanol là 123.98 mg/dL, toan chuyển hoá, nên được các bác sĩ cho đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu. Sau khi được điều trị tích cực và lọc máu liên tục, nồng độ Methanol giảm xuống còn 36 mg/dL.

Theo TS.BS Huỳnh Văn Ân - Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định - kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, bệnh nhân M bị tổn thương lan toả cả hai bên bán cầu não, tình trạng rất nặng, nhưng các bác sĩ kiên trì điều trị tích cực với hy vọng cứu sống bệnh nhân. Sau hơn 1 tuần điều trị, người bệnh đã không còn phải thở máy và đã được rút nội khí quản, đáp ứng điều trị tốt. Hiện tại, bệnh nhân M tỉnh, tiếp xúc chậm, cử động tay chân bình thường, không yếu liệt. Tổn thương não có hồi phục nhưng sẽ để lại một số di chứng.

Ngoài ra, còn những vụ ngộ độc rượu khác nữa với hàng chục bệnh nhân nhập viện cùng lúc trong tình trạng nghiêm trọng. Từ thực tế những vụ ngộ độc rượu diễn ra khiến nhiều người tử vong gần đây, những băn khoăn đã được đặt ra khi Ban An toàn VSTP TP.HCM hầu như không có biện pháp gì để hạn chế tình trạng này mà luôn phải “chạy theo” giải quyết những sự vụ “nóng”.

Liệu có phải từ những vụ ngộ độc rượu gây chết người gần đây mới khiến Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM triển khai đợt kiểm tra cao điểm mặt hàng rượu bia và đồ uống có cồn?

Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Ban ATVSTP trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 18/8. Ảnh: Hòa Bình
Ông Lê Minh Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Ban ATVSTP trả lời báo chí tại cuộc họp báo chiều 18/8. Ảnh: Hòa Bình

Trả lời câu hỏi này, Phó Trưởng Ban Quản lý Ban ATVSTP TP.HCM khẳng định: “Chúng tôi và lực lượng thanh tra đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp. Để tránh chồng chéo, chúng tôi có kế hoạch sắp xếp để mỗi doanh nghiệp được kiểm tra một lần và không có doanh nghiệp nào không được kiểm tra.

"Công tác kiểm tra, thanh tra là không thể thiếu. Chúng tôi có 10 đội thanh tra, trong đó 8 đội phụ trách 22 quận, huyện, 2 đội phụ trách các chợ đầu mối để đảm bảo theo sát các lĩnh vực và mọi hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp khi hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, trong đó có các sản phẩm rượu, từ doanh nghiệp đến hộ kinh doanh cá thể và các cơ sở kinh doanh đồ uống có cồn được kiểm tra liên tục. Trên cơ sở kiểm soát, chúng tôi hướng dẫn để doanh nghiệp nắm được, hiểu và thực hiện mọi quy định".

Ông Hải nhấn mạnh: "Tuy nhiên, tất cả các trường hợp mất an toàn nghiêm trọng khi ngộ độc rượu thời gian qua đều là do người dân tự ý sử dụng rượu không an toàn, hầu hết tại nhà riêng của họ chứ không phải tại cơ sở kinh doanh; thậm chí cơ quan Công an cũng khó khăn khi truy xuất nguồn gốc rượu mà các đương sự đã sử dụng”.

Theo ông Hải, Ban ATVSTP TP.HCM luôn khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có công bố sản phẩm đầy đủ; đồng thời, tuyên truyền cho cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh phải tuân thủ pháp luật, thực hiện đúng mọi quy định của Nhà nước và pháp luật. Xảy ra các sự cố ngoài ý muốn và bất khả kháng, tuy nhiên, chúng tôi vẫn có tham mưu về việc khắc phục sự cố, ngăn ngừa tái diễn, lập tức triển khai kế hoạch thanh tra tổng thể các cơ sở hoạt động sản xuất và kinh doanh rượu”.