Vác khối u khổng lồ trên mặt, cô gái phải ăn cháo suốt 5 năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vì khối u “khủng” chiếm gần hết khuôn mặt, cô gái 24 tuổi phải ăn cháo suốt 5 năm, ra ngoài lúc nào cũng phải đeo khăn che kín mặt.
Cô gái có khối u khủng trên mặt (Ảnh - BVCC)
Cô gái có khối u khủng trên mặt (Ảnh - BVCC)

Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 vừa tiếp nhận một cô gái trẻ bị khối u chiếm gần hết khuôn mặt, ăn uống khó khăn, phải ăn cháo suốt 5 năm.

Cô gái này tên là T., 24 tuổi, nhập viện trong tình trạng sức khỏe yếu, khối u vùng xương hàm lớn, gây biến dạng xương hàm dưới và mặt, há miệng hạn chế. Khối u quá lớn trên khuôn mặt đã đẩy phồng xương hàm dưới vùng ngách tiền đình khiến các răng của chị T. bị xô lệch, không lung lay. Khối u lớn, phát triển nhanh khiến chị luôn đau nhức, mệt mỏi, khó thở.

Chị T. tâm sự: “Khi tròn 19 tuổi, khối u của tôi bắt đầu xuất hiện với kích thước nhỏ như hạt gạo bắt đầu, dần dần to hơn nhưng chưa đi khám lần nào. Khối u quá to khiến việc ăn uống của tôi gặp khó khăn, ăn cơm nghẹn, chỉ ăn cháo. Tôi không thể nằm nghiêng vì khối u đè nặng, đánh răng cũng khó khăn. Tôi đã mua một cái khăn, bịt kín từ trên xuống dưới hàm để che khối u này. Lúc nào tôi cũng cảm thấy không tự tin. Khi ra ngoài, mọi người đều nhìn vào tôi. Mong ước lớn nhất của tôi là khối u được loại bỏ, không phụ thuộc vào chiếc khăn này nữa”.

Các bác sĩ khám, xác định khối u cần phẫu thuật của bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

Các bác sĩ khám, xác định khối u cần phẫu thuật của bệnh nhân (Ảnh - BVCC)

PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm – Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật sọ mặt và tạo hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết: “Có rất nhiều khó khăn đặt ra với trường hợp của chị T. Trước hết, khối u phát triển to, gần bằng vùng đầu với hệ thống mạch máu rất giàu, phong phú. Vì thế, khi bác sĩ cắt khối u sẽ gây chảy máu. Ngoài ra, khi cắt khối u rồi, việc tạo hình lại phần xương bị khuyết sẽ phải thực hiện cẩn thận. Vì thế, tôi cũng ê kíp phẫu thuật đã sử dụng xương ở cẳng chân – gọi là xương mác để thay thế phần xương hàm dưới bị mất đoạn, là việc làm thường xuyên và hiệu quả”.

Tuy nhiên, xương chân của chị T. rất nhỏ, khối u lớn gây tổn thương mạch máu nên nếu các bác sĩ sử dụng vạt vi phẫu nối mạch máu thì phải xác định được việc sử dụng mạch máu như thế nào cho phù hợp. Ngoài ra, thể trạng của bệnh nhân rất yếu, chưa được 40kg.

Để phẫu thuật loại bỏ khối u “khủng” cho chị T., các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã hội chẩn, đánh giá tình trạng của bệnh nhân. Trước phẫu thuật, bệnh nhân được nuôi dưỡng, chăm sóc đặc biệt để đủ điều kiện tiến hành cuộc mổ.

Sau phẫu thuật, khối u của bệnh nhân đã được loại bỏ thành công (Ảnh - BVCC)

Sau phẫu thuật, khối u của bệnh nhân đã được loại bỏ thành công (Ảnh - BVCC)

Ca phẫu thuật diễn ra gần 8 tiếng đồng hồ với 2 kíp. Cụ thể: kíp thứ nhất phẫu thuật tổn thương, xử lý mạch máu do PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm là phẫu thuật viên chính; kíp thứ hai tạo hình vạt xương mác do phẫu thuật viên chính là TS. Nguyễn Quang Đức.

Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Lâm, khi kiểm soát được tình trạng chảy máu, các bác sĩ đã cắt bỏ khối u. Lượng máu bù khá nhiều so với một phẫu thuật thông thường, khoảng 3 lít máu. Tuy nhiên, cắt một khối u như vậy cũng là giới hạn khá tốt, cho phép tiếp tục phẫu thuật tạo hình phần khuyết xương. Bệnh nhân T. được phẫu thuật một thì là cắt bỏ khối u và tạo hình phần khuyết xương.

Sau phẫu thuật, chị T. chia sẻ: “Tôi thấy sức khỏe bình thường, ổn hơn, ăn được nhiều hơn và thấy nhẹ nhõm hơn, không còn nặng nề như trước, nhất là tôi không còn phải bịt khăn che mặt nữa”.