|
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO (Ảnh: Guancha). |
Ủng hộ Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga
Ông Andrei Yermak, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng thống Ukraine, ngày 14/9 nói, Nga đã sử dụng pháo binh và máy bay không người lái để tiến hành các cuộc tấn công quy mô lớn hơn vào Ukraine. Ông nói: “Các cuộc tấn công của Nga bắt nguồn từ các kho vũ khí, sân bay và căn cứ quân sự ở Liên bang Nga; cho phép chúng tôi tấn công sâu vào Nga sẽ đẩy nhanh việc giải quyết vấn đề".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết hơn 70 máy bay không người lái của Nga đã tấn công các cơ sở ở Ukraine vào đêm hôm trước. Ông đăng trên mạng xã hội: "Chúng tôi cần tăng cường khả năng phòng không và tấn công tầm xa để bảo vệ người dân của mình. Chúng tôi đang nỗ lực hợp tác với tất cả các đối tác của Ukraine".
Hãng tin AP cho biết giới chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi các nước phương Tây cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công các mục tiêu ở sâu lãnh thổ Nga, nhưng cho đến nay, chính phủ Mỹ chỉ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ sản xuất ở một khu vực hạn chế trên biên giới Nga-Ukraine.
Tại hội nghị của cơ quan chỉ đạo quân sự tối cao của NATO là Ủy ban Quân sự NATO (NATO Military Committee), tổ chức tại Praha hôm 14/9, Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch ủy ban (Chair of the NATO Military Committee, hay CMC), đã nói rằng các luật liên quan đến xung đột vũ trang trao cho một quốc gia quyền tự vệ, và quyền này không không giới hạn ở biên giới của họ.
Đồng thời, ông cho rằng các quốc gia cung cấp vũ khí cũng có quyền đặt ra các hạn chế trong việc sử dụng vũ khí.
“Từ góc độ quân sự, bạn phát động (cuộc tấn công) nhằm cố gắng làm suy yếu kẻ thù đang tấn công, bạn không chỉ cần bắn hạ không chỉ những mũi tên đang hướng tới bạn mà còn phải nhắm vào cung thủ đang bắn những mũi tên đó”, ông Bauer nói.
Ông nói thêm: “Vì vậy, từ góc độ quân sự, có những lý do chính đáng để làm điều này; nhằm làm suy yếu kẻ thù, làm suy yếu các tuyến tiếp tế cũng như nhiên liệu và đạn dược được gửi đến tiền tuyến”.
Ông Bauer cho biết NATO hy vọng sẽ tiếp tục sử dụng vũ khí do Mỹ và các đồng minh cung cấp cũng như vũ khí do chính Ukraine sản xuất để giúp Ukraine giành chiến thắng. Nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng các nước NATO có quyền hạn chế việc Ukraine sử dụng vũ khí đã viện trợ cho Ukraine.
Bauer lưu ý rằng mặt khác của cuộc thảo luận là chính trị, vì các quốc gia cung cấp vũ khí có thể cảm thấy phải chịu trách nhiệm về việc sử dụng chúng trong khi các cuộc đàm phán chính trị đó vẫn tiếp tục.
Nga cảnh báo xung đột trực tiếp với phương Tây
Tổng thống Zelensky đã yêu cầu các đồng minh cho phép Ukraine sử dụng tên lửa phương Tây, bao gồm Hệ thống tên lửa chiến thuật tầm xa Lục quân (ATACMS) của Mỹ và tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh, để ngăn chặn khả năng tiến hành một cuộc tấn công của Nga.
Tuy nhiên, Nga đã nhiều lần đưa ra cảnh báo tới các nước phương Tây, nói các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga sẽ dẫn đến xung đột leo thang. Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/9 nói rằng nếu phương Tây cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa do phương Tây sản xuất, điều đó có nghĩa là tuyên chiến trực tiếp với Nga.
Ông Putin cho rằng việc lập kế hoạch thực tế về đường bay của tên lửa cần phải do quân nhân NATO thực hiện vì bản thân lính Ukraine không có khả năng này.
Ông Putin cam kết sẽ có "phản ứng thích đáng" nhưng không nêu rõ các biện pháp cụ thể.
Mặc dù quyết định cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để thực hiện các cuộc tấn công vào đất liền chưa được công bố chính thức nhưng Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố rằng quyết định này đã được đưa ra và Ukraine đã được thông báo, Nga phải có hành động tương ứng.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 13/9 cũng nói với truyền thông Nga rằng Mỹ và Anh đang thúc đẩy "leo thang không kiểm soát" cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng các nước phương Tây đã đánh giá thấp sự nguy hiểm của "trò chơi" mà họ đang tiến hành. Ông nói: "Tổng thống Putin đã nói rõ vấn đề này... Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ và sự đáp trả của chúng ta sẽ khiến họ gặp rắc rối".
Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia, cho rằng phương Tây đang thử thách sự kiên nhẫn của Nga, nhưng sự kiên nhẫn là có hạn.
Ông Medvedev nói rằng việc Ukraine xâm nhập khu vực Kursk của Nga đã tạo ra lý do chính đáng cho việc Nga sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình. Ông cho rằng Nga cuối cùng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc sử dụng một số vũ khí phi hạt nhân mới có tính sát thương cao để thực hiện tấn công quy mô lớn.
Thủ tướng Đức giữ vững quan điểm về hạn chế vũ khí tầm xa cho Ukraine
Cựu Tổng thống Nga: Moscow có lý do sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng đang kiềm chế
Đại sứ Nga nói Mỹ không thể né tránh khỏi một cuộc chiến tranh hạt nhân
Theo Guancha, Sina