Cựu Tổng thống Nga: Moscow có lý do sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng đang kiềm chế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của Moscow có giới hạn khi phương Tây cân nhắc cho phép Ukraine tấn công bằng tên lửa tầm xa.

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Sputnik)
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Sputnik)

Trong suốt cuộc xung đột Ukraine, Nga có nhiều lý do để sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng cho đến nay vẫn kiềm chế, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, ông Dmitry Medvedev, cho biết. Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng sự kiên nhẫn của Moscow không phải là vô hạn, cho thấy Nga có thể đáp trả gay gắt nếu các quốc gia phương Tây cho phép Kiev sử dụng tên lửa mà họ cung cấp để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Nga.

Kiev đã yêu cầu dỡ bỏ những hạn chế này ít nhất kể từ tháng 5. Một số phương tiện truyền thông gần đây cho rằng Washington và London sẽ sớm làm như vậy hoặc đã bí mật làm như vậy.

Trong một bài đăng trên kênh Telegram hôm 14/9, ông Medvedev viết rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đã đặt mình vào cảm giác an toàn sai lầm, cho rằng Moscow đang nói quá khi cảnh báo về những hậu quả thảm khốc nếu cho phép tấn công tên lửa tầm xa.

Ông Medvedev, Tổng thống Nga từ năm 2008 đến 2012, cho biết Nga hoàn toàn nhận thức được rằng tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân sẽ là một quyết định quan trọng.

“Chính vì điều này mà quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân…vẫn chưa được đưa ra cho đến nay”, ông Medvedev nhấn mạnh, thêm rằng “những điều kiện tiên quyết để đưa ra quyết định đó, có thể hiểu được đối với toàn bộ cộng đồng toàn cầu và được quy định bởi học thuyết ngăn chặn hạt nhân của chúng tôi, đã có rồi”. Ông lấy cuộc tấn công của Ukraine ở Vùng Kursk làm một ví dụ.

“Nga đang thể hiện sự kiên nhẫn”, ông nói, đồng thời cảnh báo rằng “sự kiên nhẫn luôn có giới hạn”.

Ông Medvedev tiếp tục gợi ý rằng Nga cũng có thể đáp trả sự leo thang của phương Tây bằng một số loại vũ khí mới – không nhất thiết phải là hạt nhân, nhưng vẫn có sức tàn phá khủng khiếp.

Phát biểu hôm thứ Năm trong tuần, Tổng thống Nga Vladimir Putin lập luận rằng quân đội Ukraine không có khả năng tự vận hành các hệ thống tầm xa của phương Tây mà cần thông tin tình báo từ các vệ tinh NATO và quân nhân phương Tây.

Vì lý do này, nếu phương Tây cho phép Kiev tấn công các mục tiêu sâu bên trong nước Nga, “điều này sẽ có nghĩa là các nước NATO, Mỹ và các nước châu Âu đang chiến đấu chống lại Nga”, ông Putin nói.