Ung thư đại trực tràng – phát hiện sớm, điều trị kịp thời sẽ không còn là “án tử”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ung thư đại trực tràng – một trong những bệnh ung thư phổ biến và có tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh này diễn tiến âm thầm và đang có xu hướng trẻ hóa. Nhưng nếu được phát hiện sớm, việc điều trị sẽ hiệu quả cao và chi phí thấp.

Tại buổi tọa đàm “Chiến lược sàng lọc, chẩn đoán và điều trị ung thư đại trực tràng (UTĐTT) tại Việt Nam” do Viện Công nghệ Phacogen và Báo Nhân Dân tổ chức sáng nay, 11/5, các chuyên gia đều nhấn mạnh việc cần chủ động tầm soát để phát hiện sớm UTĐTT.

UTĐTT đang trẻ hoá

PGS.TS Vũ Văn Khiên - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam - cho biết nhiều bệnh nhân UTĐTT được phát hiện tình cờ vì không có biểu hiện gì. “Điều chúng tôi trăn trở là xu hướng “trẻ hóa” của UTĐTT, khi nhiều bệnh nhân mới 30-40, thậm chí 20 tuổi, cũng mắc”- ông Khiên thông tin.

Theo thống kê của WHO, số ca mắc UTĐTT tại Việt Nam không ngừng gia tăng trong những năm gần đây, đặc biệt là ở người dưới 50 tuổi tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua.

1a.jpg
Toạ đàm về thực trạng và giải pháp giảm gánh nặng do UTĐTT

Từ thực tế điều trị, PGS.TS Phạm Cẩm Phương - Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu Bệnh viện Bạch Mai - nhất trí rằng UTĐTT đang trẻ hoá và việc sàng lọc để phát hiện sớm là cần thiết. Khoảng 5 – 10 năm trở lại đây, số bệnh nhân đến khám vì nghi ngờ UTĐTT ngày càng tăng và trẻ hoá, nhưng đa phần đều đến khi đã ở giai đoạn muộn, do không có thói quen tầm soát định kỳ.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, việc tầm soát sớm qua nội soi và các xét nghiệm khác đã giúp phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn polyp, tăng khả năng chữa khỏi.

Do đó, PGS Phương lưu ý những người trên 50 tuổi và người có yếu tố nguy cơ việc sàng lọc rất quan trọng. UTĐTT mang tính chất gia đình, nên tuỳ yếu tố nguy cơ, có người 40 tuổi đã nên đi nội soi đại trực tràng để được tư vấn kịp thời.

Phơng.jpg
PGS.TS Phạm Cẩm Phương: Sàng lọc UTDTT là cần thiết nhưng không nên lạm dụng

Nhiều kỹ thuật hiện đại điều trị UTĐTT

Bệnh UTĐTT giai đoạn muộn thường có tỷ lệ sống thấp, nhưng với sự tiến bộ trong y học, nhiều bệnh nhân vẫn có thể kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống nhờ các phương pháp điều trị hiện đại: điều trị đích, miễn dịch, hóa trị và xạ trị giúp kiểm soát triệu chứng và giảm đau.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các phác đồ điều trị cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn được áp dụng linh hoạt dựa trên chẩn đoán cá thể hóa điều trị, bao gồm các phương pháp như xạ phẫu, điều trị đích và liệu pháp miễn dịch. Bệnh viện cũng áp dụng điều trị giảm nhẹ để cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân.

Với bệnh nhân UTĐTT, phẫu thuật là phương pháp điều trị cơ bản, nhưng nếu bệnh đã di căn, việc hóa trị và điều trị đích sẽ được áp dụng. Tỷ lệ sống thêm 5 năm ở những bệnh nhân phát hiện sớm có thể lên đến 93%. Đây chính là lý do tầm soát là “tấm khiên” quan trọng nhất. Sàng lọc phát hiện sớm sẽ điều trị khỏi và chi phí thấp.

Khien 1.jpg
PGS.TS Vũ Văn Khiên lo lắng vì UTĐTT đang trẻ hoá

Ông Khiên nhấn mạnh việc điều trị UTĐTT cần phải được tiếp cận toàn diện và đa phương thức. Điều trị hiện nay bao gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị và điều trị nhắm mục tiêu. Sự kết hợp của các phương pháp này sẽ giúp tăng khả năng sống sót của bệnh nhân.

Theo ông Khiên, việc điều trị UTĐTT phải tùy theo giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Việc phát hiện bệnh sớm giúp cho khả năng điều trị hiệu quả cao hơn, giảm thiểu biến chứng và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

PGS Khiên cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân sau phẫu thuật. "Bệnh nhân ung thư cần được hỗ trợ không chỉ về mặt thể chất mà còn về mặt tinh thần. Hỗ trợ tâm lý giúp bệnh nhân cảm thấy lạc quan hơn trong quá trình điều trị và phục hồi," ông chia sẻ.

Tại buổi toạ đàm, PGS Phạm Cẩm Phương cũng nêu vấn đề sàng lọc UTĐTT là cần thiết nhưng cũng cần tránh lạm dụng. Các bệnh viện tuyến đầu thường có các gói sàng lọc, tập trung vào một số bệnh ung thư như tuyến giáp, UTĐTT... Bác sĩ đánh giá nguy cơ để tư vấn, khuyến cáo.

Hoàng.jpg

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ĐBQH khoá XV – đồng ý với quan điểm không nên lạm dụng sàng lọc UTĐTT, đặc biệt là người nghèo. Do đó, bác sĩ phải dựa trên dấu hiệu để chỉ định sàng lọc.

Các chuyên gia đều nhất trí UTĐTT là một bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, do đó sàng lọc và nâng cao nhận thức cộng đồng là chìa khóa để giảm tỷ lệ mắc và tử vong, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao và tại các bệnh viện tuyến dưới.