Ứng dụng AI hot nhất Trung Quốc: Trình tạo ảnh chân dung với mức phí 1,4 USD

VietTimes – Ra mắt vào 17/7 Miaoya, là công cụ tạo ảnh AI phổ biến nhất trên WeChat và luôn nằm trong xu hướng tìm kiếm.
Ảnh: SCMP

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hot nhất ở Trung Quốc hiện nay là một trình tạo ảnh chân dung với mức phí chỉ 1,4 USD mỗi lượt sử dụng. Ứng dụng này phổ biến đến mức nhu cầu của người dùng đã khiến các máy chủ bị quá tải, một số người dùng thậm chí phải chờ hơn 24 tiếng để nhận được kết quả.

Ra mắt vào 17/7, Miaoya là công cụ tạo ảnh AI phổ biến nhất trên WeChat và luôn nằm trong xu hướng tìm kiếm. Miaoya cho phép người dùng tải lên ảnh chụp khuôn mặt ban đầu, sau đó là một bộ 20 ảnh được chụp gần nhất. AI sẽ xử lý thành ảnh chân dung tiêu chuẩn (ảnh thẻ) cùng ảnh chân dung phong cách studio. Sự phổ biến của dịch vụ này thậm chí còn dấy lên hy vọng rằng sẽ có nhiều cách để kiếm lợi từ các công nghệ AI ở Trung Quốc nhờ sức hút khổng lồ của công nghệ này.

AI đã trở thành một trong những chủ đề phổ biến nhất ở Trung Quốc trong năm nay, nổi lên nhờ cơn sốt ChatGPT, bot đàm thoại được OpenAI có trụ sở tại San Francisco ra mắt vào tháng 11 năm ngoái. Các công ty Big Tech của Trung Quốc như Alibaba Group Holding, Baidu và JD.com đều đã nhảy vào thị trường đầy tiềm năng này, tin rằng AI sẽ giúp nâng cấp các dịch vụ hiện tại của họ.

Zhang Dingding, một nhà bình luận ngành công nghiệp internet và là cựu giám đốc của công ty nghiên cứu Sootoo Institute có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết đây là sản phẩm AI tiêu dùng phổ biến đầu tiên ở Trung Quốc kể từ khi ChatGPT ra đời. “Thật khó để nói sự phổ biến sẽ kéo dài bao lâu, nhưng điều chắc chắn là trong tương lai gần thị trường sẽ xuất hiện nhiều sản phẩm tương tự”, ông nói.

Nhà phát triển của Miaoya là một công ty không mấy nổi tiếng tên là Weixu Internet Technology, sử dụng liên hệ email từ Youku, nền tảng video thuộc sở hữu của Alibaba, theo thông tin trên trang web thông tin tín dụng doanh nghiệp trên Qixin.com.

Các dịch vụ hỗ trợ AI tương tự đã dần xuất hiện. 45ai, một dịch vụ khác đã ra mắt vào tuần trước, cũng đã đạt được lưu lượng truy cập khổng lồ sau khi phát hành. Theo đó, dịch vụ này cung cấp bộ lọc (filter) biến mặt người thành búp bê Barbie dựa trên ý tưởng bộ phim của Mattel.

Trong một bài đăng trên Xiaohongshu vào ngày 25 tháng 7, 45ai cho biết họ đang gặp một số vấn đề kỹ thuật do lưu lượng truy cập quá cao và đưa ra một số giải pháp cho người dùng.

Tuy nhiên, một câu hỏi lớn là liệu sự phổ biến của những sản phẩm như vậy có thể đạt được lợi nhuận bền vững hay đây chỉ là một "đốm sáng" nhanh chóng lụi tàn.

Theo SCMP, một số người tiêu dùng không mấy ấn tượng với những sản phẩm như vậy

"Tôi chi 9,9 nhân dân tệ và đợi trong 11 tiếng để nhận được bức ảnh với cánh tay to, xương đòn không đối xứng, mí mắt bên cao bên thấp", một người dùng mạng xã hội Xiaohongshu viết trên trang cá nhân.

Lucy Liu, 27 tuổi, sống tại Thượng Hải, đã thử chụp ảnh theo phong cách Barbie của 45ai sau khi bạn cô giới thiệu phần mềm này. Sau hơn 24 giờ chờ đợi, cô không hài lòng với kết quả mình nhận được. “Tôi gần như không còn biết mình là ai nữa. Tôi có cảm giác rằng mình đang nhìn người khác”, cô nói.

“Tôi thích những bức ảnh sống động và gần gũi với cuộc sống. Tôi không cần một bức ảnh trông giả tạo”, Lucy Liu nói thêm.

Quyền riêng tư cũng là một vấn đề quan trọng của những phần mềm này. Thỏa thuận quyền riêng tư ban đầu của Miaoya cho biết họ có thể sử dụng nội dung “dưới mọi hình thức, trên mọi phương tiện hoặc công nghệ (hiện tại và trong tương lai)”. Tuy nhiên, công ty sau đó đã thay đổi thỏa thuận, nói rằng các bức ảnh sẽ chỉ được sử dụng để tạo ra hình ảnh cho người dùng.

Zhang Yichang, sống ở tỉnh Chiết Giang, cho biết cô đã tải lên 20 bức ảnh của chính mình để trải nghiệm Miaoya. “Tôi nghĩ kết quả rất giống với chụp ảnh tại studio. Tuy nhiên, mục đích chính của tôi chỉ là trải nghiệm công nghệ mới. Một mặt, tôi vẫn lo lắng về vấn đề bảo mật, mặt khác, đó không phải là ảnh thật nên tôi sẽ không sử dụng nó vào những dịp quan trọng”, cô nói.

Theo SCMP