Gần 20.000 lính đánh thuê nước ngoài đang mong muốn chiến đấu cùng với quân đội Ukraine, theo Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba. Trong hôm 6/2, chính quyền Kiev tuyên bố mở một website dành cho những tay lính đánh thuê đang muốn “giúp Ukraine”. Đây là động thái mới nhất trong chiến dịch của Ukraine nhằm biến các chiến binh nước ngoài thành cái mà họ gọi là những người “bảo vệ đất mẹ”.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu lính đánh thuê đã tới Ukraine. Trong hôm thứ Sáu tuần trước, Cơ quan Tình báo nước ngoài của Nga cảnh báo trong một tuyên bố rằng “các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh trong những tuần gần đây đã biến lãnh thổ Ba Lan thành một “trung tâm trung chuyển” để cung cấp vũ khí và chiến binh” – trong đó có cả những kẻ khủng bố IS đến từ Syria được cho là đã được huấn luyện ở căn cứ quân sự Al-Tanf.
Ba Lan đã trở thành một trong những trung tâm trung chuyển để các nước ở châu Âu tuồn vũ khí vào, từ đó lượng vũ khí sẽ được chuyển tiếp sang cho quân đội Ukraine. Tuy nhiên, dòng chảy lính đánh thuê và vũ khí đang tuồn vào Ukraine hiện vẫn chưa có thông tin rõ ràng. Đây là một hiện tượng mới xảy ra sau khi chính quyền Ukraine tạm thời nới lỏng quy định về thị thực đối với các chiến binh nước ngoài.
Trong hôm 6/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công khai khuyến khích chính quyền Ba Lan, nói với kênh CNN rằng Mỹ ủng hộ Ba Lan “rất nhiều” trong lúc nước này “cung cấp chiến đấu cơ MiG, Su, máy bay mà người Ukraine có thể vận hành, cho người Ukraine”. Nhưng ít nhất là cho tới lúc này, Ba Lan vẫn tỏ ra do dự.
Chỉ vài giờ sau khi phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Igor Knashenkov, tuyên bố rằng bất cứ nước láng giềng nào của Ukraine sử dụng sân bay của họ để hỗ trợ chính quyền Kiev “có thể bị xem là một bên tham gia vào cuộc xung đột vũ trang”, Bộ Ngoại giao Ba Lan đã gạt phăng khả năng đó, cho rằng đây là “thông tin giả” mà hãng tin Nexta có quan điểm chống Nga, được Mỹ rót vốn, tung ra.
“Thật không may, Nexta lại đang phát tán thông tin giả” – Bộ Ngoại giao Ba Lan cho hay – “Ba Lan sẽ không cử chiến đấu cơ tới Ukraine”, và thêm rằng cũng không cho phép các nước láng giềng “sử dụng các sân bay” của họ.
Ba Lan bác bỏ thông tin cho rằng họ triển khai chiến đấu cơ tới Ukraine (Ảnh: Twitter) |
Nhưng Ba Lan không phải là quốc gia duy nhất trở thành điểm kết nối chiến binh nước ngoài tới Ukraine. Một số lượng lính đánh thuê đã nghe theo lời chiêu mộ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đáng chú ý là những lính đánh thuê đến từ Mỹ, Canada và Nhật Bản sẵn sàng ghi danh chiến đấu với mức lương mà một số hãng tin cho là lên tới 60.000 USD/tháng.
Nhưng không phải ai cũng hài lòng với nỗ lực kêu gọi công dân về nước chiến đấu của Ukraine.
Algeria đã đề nghị Đại sứ quán Ukraine ở nước này gỡ ngay bài quảng cáo chiêu mộ “công dân ở nước ngoài” về nước chiến đấu chống lực lượng Nga, trên trang Facebook của họ. Một nguồn tin thân với Bộ Ngoại giao Algeria đã nói với hãng tin TSA của nước này rằng, bài đăng trên đã “vi phạm các điều khoản của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao giữa các nước”.
Senegal cũng buộc phải đưa ra quan điểm phản đối tương tự, sau khi Đại sứ quán Ukraine ở nước này kêu gọi lính đánh thuê. Chính quyền Senegal yêu cầu phía Ukraine “lập tức rút lại” lời kêu gọi này và khẳng định rằng “mọi quy trình ghi danh người Senegal hay công dân nước ngoài” tham gia chiến đấu ở Ukraine cần phải ngừng ngay lập tức.
Ngay cả Anh – một trong những nước ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất hiện nay – cũng tỏ ra do dự trước lời kêu gọi chiến binh của Ukraine. Trong hôm 6/2, người đứng đầu các lực lượng vũ trang Anh, Tony Radakin, tuyên bố rằng việc công dân Anh tham gia chiến đấu chống Nga ở Ukraine là “phi pháp và không có tác dụng”.
Theo Sputnik