Trong bối cảnh này, Tướng Mỹ lại kêu gọi dốc sức hậu thuẫn cho Kiev còn Nga lên tiếng kêu gọi Đức, Pháp ra tay để bảo đảm hòa bình ở Ukraine .
Người ta có thể nghe thấy những tiếng nổ váng trời do đạn pháo gây ra lúc khoảng 9h sáng qua theo giờ địa phương (tức 4h chiều qua theo giờ Hà Nội). Dường như những quả đạn pháo được bắn ra từ khu vực xung quanh sân bay Donetsk – nơi từng là chiến trường ác liệt nhất, đẫm máu nhất trong cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng quả ở miền đông Ukraine. Những cuộc bắn phá rộ trở lại ở khu vực bất chấp thỏa thuận ngừng bắn được ký kết hồi tháng 3 đang được thực thi và đang giúp giảm rõ rệt tình trạng giao tranh, bạo lực ở phần lớn miền đông Ukraine.
Quân đội Ukraine cáo buộc, lực lượng ly khai đóng gần sân bay đã sử dụng ũ khishangj nhẹ, đạn súng cối cỡ nòng 82mm và lựu đạn tự đẩy để tấn công quân chính phủ suốt đêm ngày 21/3. Kiev cho biết, 3 người của họ đã bị thương nhưng không có ai thiệt mạng.
Ở thành trì khác của lực lượng ly khai – Luhansk, quân đội cũng tuyên bố họ bị tấn công từ vũ khí hạng nhẹ và những quả đạn pháo từ súng cối có cỡ nòng lớn hơn ở Donetsk (120mm), một tuyên bố chính thức của Kiev đã nói như vậy.
Tình trạng giao tranh, đụng độ ở miền đông Ukraine đã giảm mạnh kể từ khi thỏa thuận hòa bình được ký kết. Theo thỏa thuận được Đức, Pháp và Nga thúc đẩy và làm trung gian, Kiev và quân ly khai phải ngừng bắn và rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.
Tuy nhiên, những cuộc giao tranh rải rác bằng vũ khí hạng nhẹ và đạn pháo vẫn tiếp tục xảy ra gần như hàng ngày ở những điểm nóng, trong đó có khu vực sân bay và xung quanh thành phố cảng quan trọng đang nằm trong sự kiểm soát của quân chính phủ -Mariupol.
Theo quân đội, lực lượng ly khai đã bắn đạn súng cối có cỡ nòng 120mm trong các cuộc tấn công vào buổi đêm ở làng Shyrokyne, cách thành phố Mariupol về phía đông chỉ khoảng 20km.
Kiev lo sợ rằng, Mariupol – trung tâm của ngành công nghiệp sản xuất thép và là thành phố lớn nhất ở vùng chiến sự còn nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Ukraine – có thể trở thành mục tiêu mới của chiến dịch tấn công của quân ly khai nhằm mở một hành lang nối giữa vùng lãnh thổ của họ với bán đảo Crimea được Nga sáp nhập vào hồi đầu năm ngoái.
Ngoài ra, quân Kiev còn tố cáo rằng họ đã phát hiện 9 lần xuất hiện của máy bay do thám không người lái của lực lượng ly khai trong 24 giờ qua, phát ngôn viên quân đội - ông Andriy Lysenko hôm qua cho biết. Ông này cáo buộc lực lượng ly khai đã 2 lần sử dụng đạn pháo bị cấm theo thỏa thuận hòa bình ở ngồi làng gần Avdiivka, phía bắc Donetsk .
Theo thỏa thuận ngừng bắn, 2 bên đối địch nhau phải rút vũ khí ra khỏi vùng chiến sự để tạo vùng đệm an toàn rộng từ 50km đến 140km, phụ thuộc vào tầm bắn của vũ khí.
Cả Kiev và quân ly khai đều đã tuyên bố rút vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự nhưng Kiev vẫn cáo buộc quân ly khai tiếp tục sử dụng vũ khí hạng nặng bị cấm. Hôm 20/3, chính quyền Ukraine cáo buộc quân ly khai lần đầu tiên trong một tháng nay đã sử dụng tên lửa Grad ở gần Shyrokyne.
Trước đó, Moscow hôm 21/3 cáo buộc Kiev nói dối về việc rút vũ khí. Tuy nhiên, Tổng thống Petro Poroshenko khăng khăng khẳng định Kiev đã tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn.
Việc Kiev và quân ly khai đổ lỗi, cáo buộc lẫn nhau là điều thường xuyên xảy ra trong thời gian qua.
Tướng NATO đòi hậu thuẫn Kiev , Nga kêu gọi Pháp, Đức ra tay
Trong bối cảnh trên, một vị tướng hàng đầu của NATO lại tiếp tục thúc giục phương Tây cân nhắc khả năng sử dụng mọi công cụ để giúp đỡ Kiev, trong đó có việc cung cấp vũ khí sát thương.
"Tôi nghĩ rằng không nên loại trừ bất kỳ công cụ nào của Mỹ và các nước phương Tây khác” để giúp Kiev, Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove đã phát biểu như vậy tại một hội nghị ở Brussels khi được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev.
Không đề cập trực tiếp đến cái tên Nga, ông Breedlove cáo buộc, các chiến thuật kinh tế, quân sự, thông tin và ngoại giao đều đang được sử dụng để chống lại Ukraine. "Và vì thế, tôi cho rằng, phương Tây nên xem xét khả năng dùng mọi công cụ để giúp đỡ. Liệu điều đó có gây bất ổn? Câu trả lời là có. Tuy nhiên, không hành động cũng sẽ gây bất ổn”, Tướng Breedlove - người đang nắm giữ chức Chỉ huy Tối cao của quân NATO ở Châu Âu, cho biết.
Phản ứng trước diễn biến trên, Nga đã lên tiếng kêu gọi Pháp và Đức ra tay để đảm bảo việc Kiev không tìm cách gây bạo lực ở miền đông Ukraine nhằm khích động Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho họ.
Paris và Berlin đã giúp đem đến thỏa thuận hòa bình Minsk hôm 12/2 trong một nỗ lực nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ở miền đông Ukraine .
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, ông lo ngại Kiev có thể tung ra những hành động “khiêu khích” nhằm thuyết phục Mỹ cung cấp vũ khí sát thương cho họ. “Tôi tin rằng Berlin và Paris – hai người chơi quan trọng nhất, nên ngăn chặn tình trạng đó”.
Theo: VnMedia