Ukraine kêu gọi các đồng minh tiếp tục gây sức ép với Nga sau khi không đạt thỏa thuận ngừng bắn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa Nga và Ukraine kể từ 2022 kết thúc mà không đạt ngừng bắn. Kiev kêu gọi trừng phạt mạnh hơn, trong khi Tổng thống Trump thúc đẩy lệnh ngừng bắn 30 ngày.

Phái đoàn đàm phán Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5. Ảnh: Reuters.
Phái đoàn đàm phán Nga tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 16/5. Ảnh: Reuters.

Ukraine đã huy động sự ủng hộ từ các đồng minh phương Tây trong hôm 16/5, sau khi Kiev và Moscow không đạt được thỏa thuận ngừng bắn trong cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên sau 3 năm. Nga đưa ra các điều kiện mà một nguồn tin từ phái đoàn Ukraine gọi là “không thể chấp nhận”.

Dưới áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II, các phái đoàn từ hai quốc gia đối đầu đã gặp nhau lần đầu kể từ tháng 3/2022.

Cuộc đàm phán, diễn ra tại một cung điện ở Istanbul, kéo dài chưa đầy hai giờ và không có tuyên bố tức thì nào về việc liệu hai bên có tiếp tục gặp lại hay không.

Nga bày tỏ sự hài lòng với cuộc đàm phán, và cả hai nước cho biết đã nhất trí về việc trao đổi 1.000 tù binh từ mỗi bên.

Tuy nhiên, Ukraine – nước muốn phương Tây áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nếu Moscow không chấp nhận đề xuất ngừng bắn 30 ngày từ ông Trump – đã nhanh chóng vận động các đồng minh hành động cứng rắn hơn.

Ngay sau khi cuộc đàm phán kết thúc, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có cuộc điện đàm với ông Trump và các lãnh đạo Pháp, Đức và Ba Lan, theo người phát ngôn của ông.

Ông Zelensky nhấn mạnh rằng các lệnh trừng phạt mạnh mẽ hơn nên được đưa ra nếu Nga từ chối ngừng bắn.

Các yêu cầu của Nga "tách biệt hoàn toàn với thực tế và vượt xa mọi điều từng được thảo luận trước đây", một nguồn tin trong phái đoàn Ukraine nói với Reuters.

Nguồn tin này, yêu cầu giấu tên, cho biết Moscow đã đưa ra các tối hậu thư buộc Ukraine phải rút khỏi một phần lãnh thổ của mình để đổi lấy lệnh ngừng bắn, cùng với nhiều điều kiện “không khả thi và không mang tính xây dựng” khác.

Thủ tướng Anh Keir Starmer tuyên bố lập trường của Nga là “không thể chấp nhận”, đồng thời cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu, Ukraine và Mỹ đang “phối hợp chặt chẽ” các phản ứng.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định EU đang soạn thảo một gói trừng phạt mới nhằm vào Moscow.

Trưởng đoàn đàm phán Nga, ông Vladimir Medinsky, nói với báo giới rằng phái đoàn Nga đã “ghi nhận” yêu cầu từ phía Ukraine về một cuộc đối thoại trực tiếp giữa Tổng thống Zelensky và Tổng thống Vladimir Putin. Tuy nhiên, sau khi đề xuất cuộc gặp này, ông Putin từ chối lời đề nghị gặp trực tiếp từ phía Ukraine.

“Chúng tôi đã đồng ý rằng mỗi bên sẽ trình bày quan điểm về một lệnh ngừng bắn khả thi trong tương lai và giải thích chi tiết. Sau khi cả hai bên đều đưa ra quan điểm, chúng tôi cho rằng phù hợp để tiếp tục đàm phán”, ông Medinsky cho biết.

Ghi nhận nỗ lực của ông Trump và các quan chức Mỹ, ông Kirill Dmitriev – đặc phái viên đầu tư của ông Putin – viết trên mạng xã hội X rằng các cuộc đàm phán đã mang lại “kết quả tốt… 1. Trao đổi tù binh lớn nhất, 2. Các phương án ngừng bắn có thể khả thi, 3. Hiểu biết lẫn nhau và tiếp tục đối thoại”.

Nga muốn đàm phán thêm trước khi ngừng bắn

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha viết trên X rằng ông và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas đã nhất trí rằng “phải gia tăng áp lực lên Moscow để đạt được một lệnh ngừng bắn đầy đủ và bền vững”.

Viết riêng trên Facebook, ông Sybiha nói rằng cuộc đàm phán là tích cực, dù chỉ vì viễn cảnh các tù binh có thể được trở về nhà.

Tổng thống Zelensky khẳng định ưu tiên hàng đầu của Kiev là “một lệnh ngừng bắn đầy đủ, vô điều kiện và trung thực…để chấm dứt đổ máu và tạo nền tảng vững chắc cho con đường ngoại giao”.

Hai bên chủ yếu nhắc lại các lập trường đã biết từ trước. Phía Ukraine muốn ngừng bắn ngay lập tức để tiến hành đàm phán, trong khi phía Nga yêu cầu tổ chức thêm các vòng đàm phán trước khi đồng ý ngừng bắn.

“Nếu muốn đàm phán nghiêm túc, súng cần phải im tiếng trước”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine, ông Heorhii Tykhyi, nói với phóng viên.

Kỳ vọng về một đột phá lớn vốn đã thấp, càng bị giáng đòn thêm vào hôm 15/5 khi ông Trump – trong chặng cuối chuyến công du Trung Đông – nói rằng sẽ không có tiến triển nào nếu chưa diễn ra cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Nga nói rằng họ muốn kết thúc chiến tranh bằng biện pháp ngoại giao và sẵn sàng thảo luận về lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên, Moscow đã nêu ra một loạt câu hỏi và quan ngại, cho rằng Ukraine có thể lợi dụng khoảng ngừng bắn để củng cố lực lượng, huy động thêm quân và nhận thêm vũ khí từ phương Tây.

Ukraine và các đồng minh cáo buộc ông Putin trì hoãn và không nghiêm túc trong mong muốn hòa bình.

Không khí đàm phán điềm tĩnh

Các phái đoàn ngồi đối diện nhau ở hai bên bàn hình chữ U, phái đoàn Nga mặc vest còn khoảng một nửa số đại biểu Ukraine mặc quân phục.

Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cho biết không khí trong cuộc đàm phán là điềm tĩnh. Tuy nhiên, chưa có thời gian hay địa điểm cụ thể nào được thống nhất cho vòng đàm phán tiếp theo, vì cả hai bên cần báo cáo lại cho lãnh đạo trước.

Nguồn tin Ukraine cho biết các đại biểu Ukraine sử dụng tiếng mẹ đẻ và có phiên dịch, mặc dù tiếng Nga vẫn được sử dụng rộng rãi tại Ukraine.

Một nguồn tin từ Ukraine và một nguồn từ châu Âu nói rằng Nga đã từ chối yêu cầu của Ukraine về việc cho phép các đại diện Mỹ tham gia trực tiếp vào phòng họp.

Reuters dẫn hai nguồn tin nắm rõ diễn biến cuộc họp cho biết ông Medinsky đã nói rằng Nga sẵn sàng chiến đấu “bao lâu cũng được”, và đưa ra so sánh lịch sử với các cuộc chiến của Sa hoàng Peter Đại đế chống Thụy Điển kéo dài 21 năm hồi đầu thế kỷ 18.

“Chúng tôi không muốn chiến tranh, nhưng chúng tôi sẵn sàng chiến đấu một năm, hai năm, ba năm – bao lâu mà các vị muốn”, một nguồn tin dẫn lời ông Medinsky nói.

Theo CNA, Reuters