Ukraine biết máy bay của họ bị Iran bắn hạ ngay từ đầu nhưng quyết định giữ kín. Vì sao?

VietTimes -- Chỉ vài giờ sau khi Iran công khai thừa nhận bắn nhầm máy bay chở khách của Ukraine, chính quyền Kiev cũng đưa ra một công bố bất ngờ. Nước này đăng tải một số bức ảnh chụp chỉ 1 ngày trước đó, cho thấy một phần xác máy bay bên trên có nhiều lỗ nhỏ, cho thấy nó bị nhiều mảnh đạn găm.
Một mảnh vỡ từ xác máy bay của Ukraine (Ảnh: Washington Post)
Một mảnh vỡ từ xác máy bay của Ukraine (Ảnh: Washington Post)

“Ngay từ đầu họ (Iran) đã không thể bác bỏ tất cả những điều này” – Oleksiy Danilov, Thư ký Hội đồng An ninh và Quốc phòng quốc gia Ukraine, nói với tờ Washington Post.

Ngay sau khi máy bay gặp nạn, khiến toàn bộ 176 người trên khoang thiệt mạng, giới chức Mỹ cùng Canada và Anh đã nói với toàn thế giới rằng họ tin chiếc máy bay đã bị Iran bắn hạ. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề nghị các nước này chia sẻ thông tin với ông, nhưng lại không đưa ra kết luận chính thức sau đó. Theo ông Danilov, đó là một quyết định mang tính chiến lược.

“Chúng tôi đã đưa ra kết luận này (việc máy bay bị bắn hạ) từ trước cả người Mỹ và Canada” – ông Danilov nói.

Theo ông Danilov, Ukraine lúc bấy giờ muốn các nhà điều tra của họ thu thập thêm chứng cứ. Các quan chức Ukraine cũng tỏ ra rất thận trọng và muốn tránh đưa ra chỉ trích quá mạnh đối với Iran trong thời điểm đó nhằm đảm bảo sự hợp tác với họ trong quá trình điều tra.

Tổng thống Zelensky – người bị mắc kẹt giữa Mỹ và Iran sau vụ không kích sát hại tướng Qasem Soleimani – phải nhận một nhiệm vụ rất khó khăn là đảm bảo “quan hệ hợp tác giữa những bên ủng hộ phương Tây và Iran, cùng lúc không bị kéo vào phe nào trong cuộc xung đột Mỹ-Iran”; Katharine Quinn-Judge, chuyên gia phân tích thuộc tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) nhận định.

4 ngày kể từ khi máy bay Ukraine gặp nạn, Tổng thống Zelensky ra tuyên bố rằng ông cùng người đồng cấp Iran Hassan Rouhani  “đã nhất trí về hợp tác kỹ thuật và pháp lý toàn diện, trong đó bao gồm các vấn đề bồi thường” trong vụ việc.

“Một lần nữa, ông Zelensky đã phải “đi trên dây” để giữ cân bằng ngoại giao, và không để mất mặt” – Nina Jankowicz, một học giả thuộc Trung tâm Wilson, nhận định – “Đối với một người ít kinh nghiệm chính trị, ông ta khá nhạy cảm trong việc làm hài lòng các bên đối lập nhằm bảo vệ các lợi ích của Ukraine”.

Ukraine còn phàn nàn về việc bị Iran ngăn cản tiếp cận thông tin và hiện trường vụ rơi máy bay, điều mà họ chưa từng gặp kể từ sau vụ máy bay MH17 của hãng Malaysia Airlines bị bắn hạ vào tháng 7/2014 khiến 298 người thiệt mạng.

“Khi một chiếc máy bay rời khỏi châu Âu và gặp nạn cách đây hơn 5 năm, châu Âu đến nay vẫn chưa xong quá trình điều tra và không thể kết luận ai là bên có tội” – ông Danilov nói – “Trong trường hợp của chúng tôi, chúng tôi mất rất ít thời gian để hiểu được điều gì đã xảy ra”.

Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko phàn nàn về việc Iran hạn chế quyền tiếp cận của đội ngũ điều tra Ukraine tới hiện trường vụ máy bay rơi (Ảnh: Washington Post)
Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko phàn nàn về việc Iran hạn chế quyền tiếp cận của đội ngũ điều tra Ukraine tới hiện trường vụ máy bay rơi (Ảnh: Washington Post)

Một đội ngũ gồm 45 chuyên gia và chuyên viên tìm kiếm-cứu hộ của Ukraine – bao gồm cả những người có kinh nghiệm từ vụ MH17 – đã tới Tehran trong sáng hôm 9/1 để điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay và nhận dạng thi thể nạn nhân. Ngoại trưởng Ukraine Vadym Prystaiko nói trước báo giới trong hôm 10/1 rằng “trong vụ việc này, đội ngũ điều tra không hề vui vẻ chút nào”.

“Họ muốn thêm quyền tiếp cận, họ muốn quyền tiếp cận nhanh chóng hơn” – ông Prystaiko nói – “Họ muốn có thêm thông tin”.

Một số bức ảnh chụp hiện trường được đăng tải lên mạng xã hội cho thấy thứ mà một số người cho là mảnh vỡ của một tên lửa phóng từ tổ hợp phòng không Tor do Nga chế tạo, NATO định danh là SA-15 Gaunlet. Nga đã xuất khẩu hệ thống tên lửa đất-đối-không này sang một vài quốc gia, trong đó có Iran vào năm 2005. Tổ hợp này được thiết kế để bắn hạ các mục tiêu ở tầm ngắn và tầm trung.

Ông Danilov đã viết trên Facebook của ông trong hôm 9/1 rằng ông muốn các nhà điều tra “lật tung hiện trường” để làm rõ thông tin trên.

Nhưng vấn đề mà các nhà điều tra gặp phải là hiện trường vụ rơi máy bay được dọn dẹp rất nhanh chóng. Nhiều phần của xác máy bay đã được chuyển tới một kho chứa gần đó. Ukraine không được phép tiếp cận với “hộp đen” máy bay cho tới mãi hôm thứ Sáu tuần trước. Ngoại trưởng Prystaiko nói các nhà điều tra của họ chỉ được kiểm tra một số mảnh vỡ máy bay cùng dư chất hóa học trên đó, sau đó tới bệnh viện để “phân tích thi thể các nạn nhân”.

Tổng thống Zelensky cho hay mẫu DNA của thân nhân của 11 công dân Ukraine có mặt trên chuyến bay yểu mệnh đã được thu thập để giúp nhận diện nạn nhân.

“Công nghệ hiện đại, quá trình trao đổi thông tin nhanh chóng mặt, và hợp tác với các nguồn tin mà chúng ta có trên thế giới ngày nay – chúng cho phép ta tìm được câu trả lời cho những câu hỏi rất khó một cách nhanh chóng” – ông Danilov nói.

Tuy nhiên, đối với Tổng thống Zelensky, việc né tránh một cuộc xung đột quốc tế lại là điều quan trọng hơn. Còn nhớ, nhà lãnh đạo 41 tuổi từng bị kéo vào tiến trình luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump; cùng lúc phải đàm phán với cả Nga, Pháp và Đức về việc chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Trong một bài phát biểu qua hình ảnh trước người dân Ukraine hôm Chủ nhật vừa qua, Tổng thống Zelensky trông rất nghiêm nghị nhưng tỏ rõ vị thế của bên chiến thắng.

“Chúng ta đã làm việc một cách có hệ thống, không rối loạn, chỉ vì một điều: Để đạt được kết quả, để tìm ra sự thật về nguyên nhân gây ra vụ rơi máy bay” – ông nói.