UBND tỉnh Bình Dương lên tiếng về vụ Protrade Corp bán rẻ 43ha đất cho tư nhân

VietTimes -- Thương vụ chuyển nhượng 43 ha đất (tại phường Hòa Phú, tỉnh Bình Dương) của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) đã góp thêm một ví dụ về nguy cơ chảy máu tài sản công trong việc hợp tác, liên doanh của các doanh nghiệp nhà nước với tư nhân theo công thức 30 - 70, mà trong đó các doanh nghiệp nhà nước - bên sở hữu đất vàng - lại chỉ chiếm cổ phần thứ yếu.
Phối cảnh Khu Đô thị Thương mại - Dịch vụ Tân Phú được quảng bá trên một số trang mua bán bất động sản (Ảnh: Internet)
Phối cảnh Khu Đô thị Thương mại - Dịch vụ Tân Phú được quảng bá trên một số trang mua bán bất động sản (Ảnh: Internet)

Liên doanh bằng tiền hay bằng đất?

Sáng nay 19/11, một lãnh đạo của UBND tỉnh Bình Dương đã xuất hiện tại một buổi giao ban báo chí thường kỳ được tổ chức tại Hà Nội, để cung cấp thông tin về việc góp vốn và chuyển nhượng vốn góp của Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (Protrade Corp) tại Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú (Tân Phú).

Vụ việc đang nhận được sự quan tâm lớn của dự luận, khi Protrade Corp (mới được cổ phần hóa vào cuối năm 2018 nhưng vẫn cơ bản là một doanh nghiệp nhà nước khi UBND tỉnh Bình Dương vẫn sở hữu 61% vốn điều lệ) được cho là đã bán rẻ 43ha đất công, gây thất thoát tài sản nhà nước.

Điểm lại quá trình hợp tác, liên doanh và chuyển nhượng vốn góp tại dự án này, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cho biết: Ngày 21/7/2010, Protrade Corp có văn bản đề nghị Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương để hợp tác với CTCP Bất động sản Âu Lạc (Âu Lạc) thành lập công ty liên doanh có tên gọi là Công ty TNHH Đầu tư - Xây dựng Tân Phú (Tân Phú).

Mục đích nhằm đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án bất động sản có tên gọi là Khu Đô thị Thương mại - Dịch vụ Tân Phú ở khu đất rộng 43 ha có địa chỉ tại Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, phường Hòa Phú, Tp. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương (khu đất 43 ha). Trong đó, Protrade Corp dự kiến sẽ góp tối đa 60 tỷ đồng và nắm giữ 30% vốn điều lệ của Tân Phú. 

Đề xuất này sau đó đã được Thường trực Tỉnh ủy đồng ý về mặt chủ trương.

Trích tài liệu của Protrade.
Trích tài liệu của Protrade.

Tới ngày 8/12/2016, Protrade Corp đã ký hợp đồng chuyển nhượng sử dụng khu đất 43 ha cho Tân Phú. Tổng giá trị chuyển nhượng, theo tìm hiểu của VietTimes, là hơn 250,11 tỷ đồng, tương ứng với 581.000 đồng/m2.

Chỉ 4 ngày sau, tổng công ty này tiến hành lập biên bản bàn giao cọc mốc và ranh địa chính cho Tân Phú. Doanh thu và giá vốn phát sinh từ việc chuyển nhượng lô đất được Protrade Corp ghi nhận vào kết quả kinh doanh của năm 2016.

Đến ngày 13/3/2017, Protrade Corp tiếp tục có văn bản xin chủ trương của chính quyền tỉnh Bình Dương nhưng lần này là đề xuất “chuyển nhượng lại” 30% vốn góp tại Tân Phú cho đối tác Âu Lạc. Thương vụ dường như cũng được Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý thông qua khi Protrade Corp cho biết đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn góp tại Tân Phú tại thời điểm cuối năm 2017.

Trong một diễn biến “lạ”, vào ngày 10/10/2018, Protrade Corp bất ngờ có công văn xin điều chỉnh phương án sử dụng đất, cho biết việc góp vốn với Âu Lạc để thành lập liên doanh là bằng quyền sử dụng đất mà không phải góp vốn bằng tiền.

Cho rằng Protrade Corp chưa thực hiện nghiêm túc chủ trương góp vốn xuyên suốt là chỉ cho “liên doanh góp vốn bằng tiền với đối tác chứ không cho góp vốn bằng quyền sử dụng đất”, ngay trong ngày 10/10/2018, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Thông báo số 512/TB-TU thu hồi chủ trương cho tổng công ty chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú để kiểm tra làm rõ.

Mức tiền tối đa 60 tỷ đồng mà Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho phép cũng chưa thể giúp Protrade sở hữu 30% vốn tại liên doanh Cty Tân Phú khi nguồn vốn yêu cầu lên tới 63,5 tỷ đồng (Nguồn: Protrade Corp)
Mức tiền tối đa 60 tỷ đồng mà Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương cho phép cũng chưa thể giúp Protrade sở hữu 30% vốn tại liên doanh Cty Tân Phú khi nguồn vốn yêu cầu lên tới 63,5 tỷ đồng (Nguồn: Protrade Corp)

Băn khoăn về công thức liên doanh 30 - 70

Xoay quanh thương vụ chuyển nhượng đất công của Protrade Corp, có một vấn đề khác phát sinh ngay từ đầu. Đó là việc tỉnh Bình Dương đã cho phép tổng công ty này hợp tác với Âu Lạc để thành lập công ty liên doanh Tân Phú nhằm đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại khu đất có diện tích 43 ha. 

Khi ấy, Bình Dương đã chấp thuận cho Protrade Corp góp vốn tối đa là 60 tỷ đồng và tỷ lệ chiếm giữ trong vốn điều lệ của công ty liên doanh tối đa là 30%, trong khi 70% vốn còn lại do cổ đông tư nhân nắm giữ.

Với cấu trúc sở hữu như vậy, việc Protrade Corp có chuyển nhượng nốt 30% vốn tại Tân Phú cho Âu Lạc thực ra cũng không quá ảnh hưởng đến quyền biểu quyết trong việc ban ban hành các quyết định quan trọng của doanh nghiệp dự án.

Như vậy, ngay từ lúc ra văn bản chấp thuận chủ trương, chính quyền Bình Dương đã đồng ý cho tư nhân giữ quyền chi phối trong việc phát triển dự án liên doanh, hay nói cách khác là định đoạt số phận dự án trên khu đất 43 ha mà báo chí đã đề cập.

Bởi lẽ, tỷ lệ sở hữu 30% của Protrade Corp tại Tân Phú là không đủ để doanh nghiệp do UBND tỉnh Bình Dương chi phối vốn có tiếng nói quyết định trong pháp nhân chủ đầu tư dự án. Ngược lại, tỷ lệ sở hữu 70% lại quá đủ để đối tác tư nhân chi phối và giữ quyền lấn át.

Không chỉ riêng trường hợp của Protrade Corp, “công thức liên doanh 30 - 70” (hoặc tăng tự như 25 - 75; 26 - 74) cũng rất phổ biến trong các thương vụ hợp tác giữa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và các đơn vị tư nhân. Chẳng hạn như các thương vụ mà VietTimes đã đề cập ở dự án 152 Trần Phú của Vinataba; dự án 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng của Sabeco;... 

Công thức này tiềm ẩn kẽ hở khiến “chảy máu” đất công, gây thất thoát tài sản của nhà nước, vì vậy cần được đánh giá và xem xét một cách cụ thể thấu đáo.

Trong câu chuyện của Protrade Corp, UBND tỉnh Bình Dương xem xét trách nhiệm của tổng công ty này trong 2 vụ việc: (1) việc chuyển nhượng khu đất 43ha; (2) Việc chuyển nhượng 30% vốn tại Công ty Tân Phú.

Và cả hai vụ việc đều cho thấy những vấn đề. "Qua kết quả thanh tra cho thấy việc chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và việc chuyển nhượng 30% vốn góp cho Công ty cổ phần Âu Lạc của Tổng công ty có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật, đã làm thất thoát ngân sách của Nhà nước", UBND tỉnh Bình Dương cho biết.

Do nội dung vi phạm vượt quá thẩm quyền của Đoàn Thanh tra nên Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã thống nhất chủ trương cho chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Bình Dương để tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ rai phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo Bình Dương, không chỉ khu đất 43 ha nêu trên, tỉnh này còn đang làm rõ trách nhiệm của Protrade Corp tại một dự án khác.

"Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát công tác cổ phần hóa, công tác quản lý đất đai, trong đố có khu đất 145ha mà Tổng công ty liên doanh để thực hiện dự án "Câu lạc bộ sân golf và khu nghỉ dưỡng Đảo Hồ Điệp" tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một", thông cáo viết và khẳng định sau khi có kết quả rà soát, điều tra, xử lý, sẽ báo cáo các cơ quan có thẩm quyền theo quy định và thông tin cho các cơ quan báo chí được rõ./.