Tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị

VietTimes – Tỷ suất tử vong trẻ em Việt Nam dưới 5 tuổi là 20,5‰ và ở trẻ dưới 1 tuổi là 13,6 ‰. Bình quân, mỗi ngày có 39 em bé dưới 5 tuổi tử vong.
Việt Nam đã có chiến lược chăm sóc trẻ em miền núi, vùng cao ngày một tốt hơn

Những con số này vừa được ông Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) - đưa ra tại hội thảo về vấn đề sức khỏe bà mẹ - trẻ em diễn ra tại Hà Nội hôm nay, 28/7.

Đây là con số đáng phải lưu tâm nếu so với ở Nhật Bản chỉ còn khoảng 2‰, song đã giảm đáng kể so với con số 58‰ trẻ dưới 5 tuổi và 44‰ trẻ dưới 1 tuổi tử vong trong những năm 1990 ở Việt Nam.

Cũng theo TS. Trần Đăng Khoa, mặc dù những năm qua, Chính phủ và ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, để kéo giảm tỉ suất tử vong trẻ em ở mức thấp nhất, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức, tác động đến vấn đề chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nhất là sự chênh lệch giữa các vùng miền và nhóm dân tộc.

TS. Trần Đăng Khoa – Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Theo ước tính của 4 tổ chức Liên Hiệp Quốc, tỷ suất tử vong sơ sinh trên 1.000 trẻ đẻ sống tại Việt Nam là 9,96‰. Còn theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, hiện, tử vong sơ sinh ở Việt Nam còn cao, chiếm đến 70 - 80% tử vong trẻ dưới 1 tuổi, 50-60% tử vong dưới 5 tuổi.

Đáng lưu ý khi tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở nông thôn cao gấp đôi thành thị. Khoảng cách về tử vong trẻ em dưới 1 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số và vùng dân tộc Kinh ngày càng tăng (năm 2006 là 1,35 lần; năm 2014 là 4,3 lần).

Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cũng cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15,0% và 21% so với 8,5%).

Không chỉ thế, tỷ lệ tử vong mẹ ở vùng 3 cao gấp 3,5 lần so với vùng 1, đặc biệt, tỷ lệ tử vong mẹ ở dân tộc H'Mong cao gấp 7 - 8 lần so với dân tộc Kinh, Tày.

Lý giải thực trạng này, TS. Khoa chỉ ra một số nguyên nhân: Ở các vùng núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu cán bộ chuyên môn sản, nhi, gây mê hồi sức; 30% bác sĩ đa khoa làm công tác chăm sóc sản khoa, nhi khoa tại tuyến huyện); thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện vô khuẩn kém và quá tải. Năng lực về cấp cứu sản khoa, sơ sinh trong việc sàng lọc, phát hiện dấu hiệu nguy hiểm, chuyển tuyến, chẩn đoán, tiên lượng và xử trí ở các khu vực khó khăn còn hạn chế.

Những thông tin mới nhất về tình hình sức khỏe bà mẹ -trẻ em ở Việt Nam được đưa ra tại hội thảo

Đặc biệt, việc duy trì đội ngũ cô đỡ thôn bản gặp khó khăn do lực lượng này không còn được hưởng phụ cấp từ ngân sách, gây khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở vùng dân tộc thiểu số.

Sự khác biệt giữa các vùng miền và nhóm dân tộc về tình trạng sức khỏe, sinh dưỡng, tử vong, khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ giữa đồng bằng và miền núi - vùng dân tộc thiểu số được chỉ ra là nguyên nhân của tình hình tử vong trẻ ở nước ta. Việc tìm ra nguyên nhân sẽ là yếu tố căn bản để hy vọng từ đó, chúng ta sẽ có các chính sách y tế đồng bộ, phù hợp với các vùng miền, nhằm giảm thấp nhất tỉ lệ trẻ tử vong.