Chia sẻ tại Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam của tôi - Điểm đến đầu tư của bạn”, tỷ phú Mỹ Wibur L. Ross, người có tài sản trên 3 tỷ USD, xếp thứ 200 tại Mỹ và 600 trên toàn cầu cho rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư vào thị trường chứng khoán (TTCK) và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cổ phần hóa.
“Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên là năm 2001, khi đó, các gia đình ở đây chủ yếu đi bằng xe đạp. Vừa qua, tôi có dịp đến thăm Việt Nam và nhận thấy, nhiều gia đình ở đây sở hữu ô tô, thậm chí cả những khách sạn rất lớn. Rõ ràng, Việt Nam có các bước tăng trưởng kinh tế ấn tượng và trong cảm nhận của tôi, đây là quốc gia an toàn nhất thế giới”, tỷ phú Wibur L. Ross chia sẻ.
Ông Wibur L. Ross cho rằng, nhà đầu tư Mỹ đang quan tâm về nỗ lực cải cách nền kinh tế của Việt Nam, trong đó có việc cải cách chính sách thuế và nới "room" cho nhà đầu tư ngoại đã được Chính phủ Việt Nam thực hiện mạnh mẽ. Vị tỷ phú này cũng cho rằng, những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, bất động sản sẽ phát triển mạnh và đáng quan tâm đầu tư.
Chia sẻ tại hội nghị, Chủ tịch Quỹ Harbinger, ông Philip A Falcone nói: “8 năm trước, nhiều người hỏi tôi, tại sao chọn Việt Nam, một đất nước xa xôi và có sự khác biệt về kinh tế, văn hóa kinh doanh so với Mỹ? Tôi chọn Việt Nam vì chúng tôi tin vào sự phát triển của một nền kinh tế với gần 90 triệu dân, chủ yếu là dân số trẻ, nhiệt huyết và chăm chỉ vượt khó”.
Ông Philip A Falcone chia sẻ, ông rất hạnh phúc là người Mỹ tiên phong đầu tư lớn vào ngành du lịch, nghỉ dưỡng tại Việt Nam. "Dù trải qua nhiều thăng trầm trong 8 năm qua nhưng tôi luôn tin rằng, tôi đã chọn đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng chỗ", ông nói.
Phó chủ tịch Manulife, ông Peter F. Wikinson, người phụ trách quan hệ với Chính phủ và cơ quan quản lý cho biết: "16 năm trước, Manulife đến Việt Nam vì nhận ra môi trường kinh doanh ở đây có nhiều lợi thế. Chúng tôi đã có trải nghiệm đầu tư ở nhiều quốc gia và nhận thấy tương lai tươi sáng ở Việt Nam và mong muốn đầu tư nhiều hơn nữa vào đất nước này”.
Mỹ hiện đang đứng thứ 7 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với 729 dự án, tổng vốn đầu tư khoảng 11 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, mảng thị trường vốn còn rất nhiều dư địa mới cho hợp tác hai nước và còn nhiều tiềm năng cho nhà đầu tư Mỹ. Hiện đầu tư gián tiếp của Mỹ vào Việt Nam còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của nhà đầu tư Mỹ cũng như khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng cũng khẳng định, Việt Nam, với mức tăng trưởng thuộc top 3 nước châu Á trong 10 năm qua (6,4%/năm), sự kiên định phát triển nền kinh tế theo cơ chế thị trường, đồng thời hướng tới một Chính phủ hiện đại qua việc cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và cam kết đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
"Đến nay, Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA với nhiều nước và khu vực lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và tới đây là Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương TPP, cơ hội mở ra rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam và các nhà đầu tư quan tâm đến Việt Nam", Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng Dũng, Việt Nam sẽ cổ phần hoá 289 DNNN trong năm nay, hơn 300 doanh nghiệp cũng được thoái vốn trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô rất lớn, tổng giá trị các DNNN sẽ cổ phần hóa ước tính khoảng 25 tỷ USD với số lượng cổ phần chào bán ra bên ngoài khoảng 3,75 tỷ USD.
Bên cạnh đó, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, chính thức nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu không hạn chế theo cam kết WTO là những thông tin được các nhà đầu tư Mỹ đón nhận với những phản hồi tích cực.
Theo Dân trí