|
Ông Narayana Murthy - Nhà sáng lập Infosys, người được coi là “Bill Gates của Ấn Độ”. |
Chiều 20/5, lần đầu tiên người được mệnh danh là “Bill Gates của Ấn Độ” Narayana Murthy - nhà sáng lập Infosys, top 3 công ty dịch vụ CNTT thế giới với giá trị vốn hóa trên 70 tỷ USD, hơn 320.000 nhân viên - đã đến Việt Nam và có lịch trình làm việc dày đặc trong 4 ngày, từ 19 - 23/5.
Tại cuộc đối thoại với các doanh nghiệp, chuyên gia và sinh viên Việt Nam với sự dẫn dắt của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình vào chiều nay, ông Narayana Murthy chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, quản trị, xây dựng văn hóa doanh nghiệp… giúp ông và cộng sự đưa Infosys trở thành huyền thoại của ngành CNTT Ấn Độ.
Nói về tinh thần doanh nhân, ông Narayana Murthy cho rằng mỗi doanh nghiệp đều được sáng lập bởi một doanh nhân. Đó chính là người có nỗ lực biến các ý tưởng thành việc làm, đóng góp cho sự phát triển đất nước. Họ có tinh thần khởi nghiệp, dám ước mơ, dám mơ mộng.
Tuy vậy, khác với suy nghĩ của nhiều người, tinh thần doanh nhân không phải là yếu tố thừa hưởng từ người thân hay gia đình, không mang tính di truyền qua các thế hệ.
Dẫn thực tế về nhiều mô hình doanh nghiệp gia đình hoạt động theo cách cha truyền con nối thành công, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp phá sản, vị tỷ phú Ấn Độ nêu quan điểm rằng “Tinh thần doanh nhân là sản phẩm của sự khát vọng trong mỗi con người, khi tìm kiếm các cơ hội tiến tới tương lai, để hiện thực hóa giấc mơ của mình”.
"Việt Nam sẽ sớm trở thành quốc gia phát triển hàng đầu châu Á"
Nhà sáng lập Infosys khẳng định gần đây Việt Nam nổi lên như một điểm đến công nghệ toàn cầu, phản ánh cam kết và đầu tư của đất nước. Ông cũng đề cao lòng dũng cảm, sự chăm chỉ, tính kỷ luật, sự sáng tạo và hoài bão của nhiều thế hệ người Việt Nam.
Ông dự đoán, nhờ những phẩm chất này, trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ sớm trở thành một trong những quốc gia phát triển hàng đầu châu Á và là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
“GDP của Việt Nam hiện đã đạt mức 4.300 USD bình quân đầu người và sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tôi tin Việt Nam sẽ mang lại sự thịnh vượng cho người dân nhanh hơn hầu hết các nước”, ông nói.
Narayana Murthy cho biết ông tôn trọng sự dũng cảm, chăm chỉ, tính kỷ luật cũng như tham vọng của nhiều thế hệ người Việt, và “nhiều quốc gia trên thế giới cần phải học hỏi sự sáng tạo của người Việt”. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh về giá trị của việc trao đổi ý tưởng với người khác.
“Tiến sỹ Bình (Chủ tịch FPT Trương Gia Bình) đã chứng minh cho tôi thấy giá trị của sự cởi mở, trao đổi ý tưởng với mọi người, giá trị của ý tưởng, không chỉ hữu dụng với ông Bình mà còn cả cho người khác. Từ những ý tưởng đó, có thể triển khai thành sản phẩm”, tỷ phú Narayana Murthy nói.
Trao đổi với ông Narayana Murthy, ông Trương Gia Bình cho biết Ấn Độ, Infosys đã truyền cảm hứng cho FPT, cho Việt Nam. 24 năm trước, FPT đã đến Ấn Độ để học hỏi cách đưa Việt Nam trở thành cường quốc về phần mềm.
“Và chính Narayana Murthy đã truyền cảm hứng cho chúng tôi với một sự tin tưởng tuyệt đối, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt và Việt Nam có thể phát triển được phần mềm cho thế giới”, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nói.
Ba điều quan trọng để doanh nghiệp thành công
Từ chính kinh nghiệm thực tiễn của Infosys, nhà sáng lập Infosys Narayana Murthy cho rằng, để thành công cùng với việc chọn những lĩnh vực có nhu cầu cao, thì để thành công doanh nghiệp cần đảm bảo ba yếu tố quan trọng đó là bán hàng, kiểm soát tài chính và nhân lực.
“Nếu chúng ta không bán được hàng thì công ty sẽ không có doanh thu mà không có doanh thu thì công ty không thể hoạt động được. Khi chúng ta có doanh thu rồi thì phải đảm bảo mọi chi phí đều được kiểm soát. Hãy cố gắng chi ít hơn số tiền công ty có. Và một điều quan trọng khác là để đảm bảo hoạt động của tất cả các bộ phận trong công ty, chúng ta cần có đội ngũ nhân sự tốt”, nhà sáng lập Infosys nói.
Cũng theo ông Narayana Murthy, điều quan trọng nhất với công ty không phải là tạo ra lợi nhuận mà là tạo ra việc làm. Ông tin rằng, khi tạo ra nhiều việc làm thì doanh số, lợi nhuận sẽ tự đến, bởi đấy mới là gốc rễ của kinh doanh, còn doanh số và lợi nhuận chỉ là hệ quả.
Cùng chung quan điểm với Nhà sáng lập Infosys, ông Trương Gia Bình cho rằng, FPT cũng đang làm như vậy, FPT đang hướng tới việc tạo ra nhiều việc làm hơn để thay đổi cuộc sống của giới trẻ và hướng tới cột mốc 1 triệu nhân viên vào năm 2035.
Sự xuất hiện của Nhà sáng lập Infosys khẳng định vị thế của Việt Nam
Phát biểu tại toạ đàm, ông Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết ngành công nghệ Việt Nam trong 10 năm qua đều tăng trưởng 15-20%, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài cũng đã có mặt tại Việt Nam và Việt Nam cũng có những tập đoàn lớn đủ sức cạnh tranh nước ngoài như FPT, VNPT…
Để có thành công trên, Việt Nam đã ban hành hàng loạt chính sách năng động sáng tạo, như chính sách phát triển các khu công nghệ thông tin tập trung. Ngoài ra, Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách ưu đãi trong lĩnh vực hoạt động sản xuất phần mềm, hỗ trợ doanh nghiệp FDI ở Việt Nam.
Bên cạnh đó là các chiến lược như chính sách phát triển AI đến 2030, mục tiêu đưa AI thành lĩnh vực quan trọng của Việt Nam, hướng đến trung tâm đổi mới sáng tạo ...
Thứ trưởng Phương cho biết trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, dự kiến tới năm 2025 sẽ ban hành luật công nghiệp công nghệ số nhằm thúc đẩy lĩnh vực này.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, Việt Nam hoan nghênh chào đón các doanh nhân, tập đoàn lớn sang thăm và đầu tư tại Việt Nam. Sự xuất hiện của ông Murthy đã khẳng định sự quan tâm, vị thế của Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế.