Theo bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), sau động thái nâng giá bán USD của NHNN, tỷ giá USD/VND tiếp tục có xu hướng tăng.
Cụ thể, trên thị trường liên ngân hàng, USD/VND tăng 0,34% (lên 23.358 đồng) và tỷ giá niêm yết tại các NHTM tăng 60 đồng, kết tuần ở mức VND 23.190/23.500 – mức cao nhất kể từ đầu tháng 5. Tỷ giá trên thị trường tự do tăng 90 đồng, và hiện giao dịch ở 24.030/24.060 và chênh lệch giữa 2 thị trường vẫn đang ở mức cao.
Nếu so với cuối năm 2021, tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đã tăng 2,3% và tỷ giá niêm yết tăng khoảng 2,5% - mức tăng giá mạnh nhất trong vòng 4 năm trở lại đây.
Tuy nhiên, nếu so với cuối năm 2019 (trước Covid-19), tỷ giá USD/VND mới chỉ tăng 0,8% trong khi nhiều đồng tiền của các nước trong khu vực Đông Nam Á bị mất giá mạnh so với USD. Điều này cho thấy sức mạnh của đồng VND nhờ nguồn cung ngoại tệ tích cực trong vòng 3 năm qua.
Động thái nâng giá bán USD của NHNN diễn ra trong bối cảnh đồng bạc xanh vẫn ở mức cao trong tuần qua, với chỉ số DXY tăng 1,18%. Các đồng tiền chủ chốt như EUR, GBP hay JPY đều giảm giá đáng kể, lần lượt ở mức 2,2%; 0,5% và 0,66%.
Trước đó, Fed đã công bố biên bản cuộc họp tháng 6/2022, với dự báo lạm phát sẽ tăng 5% trong năm 2022, sau đó sẽ giảm tốc còn 2,4% vào năm 2023 và còn 2,0% vào năm 2024. Do đó, Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) quyết định tăng lãi suất 5 điểm cơ bản, lên 1,5 – 1,75% trong tháng 6 và thảo luận việc lựa chọn tăng 50 điểm hay 75 điểm trong cuộc họp tiếp theo ngày 26 – 27/7.
Trên thực tế, theo thống kê của CME Group, tại thời điểm 11/7, 93% thị trường đã đặt cược Fed tăng lãi suất 75 điểm trong kỳ họp 7 tháng và thậm chí có 7% đặt cược cho việc Fed sẽ tăng 100 điểm cơ bản trong kỳ họp này.
Điểm mấu chốt cho góc nhìn chính sách tiền tệ của Fed trong giai đoạn cuối 2022 và năm 2023 nhiều khả năng là cuộc họp tháng 9, khi những thông tin về tăng trưởng kinh tế cùng thị trường lao động của Mỹ sẽ phản ánh rõ nét về áp lực lạm phát./.