Tuyệt tác thiên nhiên Cổng trời Đông Giang bị xâm hại: Chủ đầu tư và các chuyên gia nói gì?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi đăng tải bài viết “Quảng Nam: Cổng trời Đông Giang - kỳ quan bị biến dạng bởi sự tàn phá thiên nhiên”, VietTimes đã nhận được nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.
Danh thắng hang Gợp được mệnh danh là "tuyệt tác thiên nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn" tại khu du lịch Cổng trời Đông Giang (Quảng Nam)
Danh thắng hang Gợp được mệnh danh là "tuyệt tác thiên nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn" tại khu du lịch Cổng trời Đông Giang (Quảng Nam)

Ghi nhận những quan điểm đa chiều, VietTimes xin được đăng tải các ý kiến của chủ đầu tư cũng như các chuyên gia về sự việc.

Chủ đầu tư: Chỉ xây dựng 10%

Trả lời báo giới, đại diện chủ đầu tư, bà Nguyễn Thị Hương - Giám đốc Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang - cho biết, trong những ngày qua, lượt tìm kiếm và thông tin về khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang được săn đón, tìm kiếm và bình luận chia sẻ trên các diễn đàn, hội nhóm du lịch.

Bà Hương cũng khẳng định: “Việc đưa vào vận hành một khu du lịch thì chắc chắn phải có tỉ lệ bê tông hóa nhất định để phục vụ nhu cầu đi lại, ăn ngủ nghỉ của du khách, nhưng tỉ lệ xây dựng của Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang chỉ chưa tới 10% so với tổng diện tích của toàn khu, trong khi tỉ lệ cho phép là 25%. Hơn 90% diện tích còn lại đơn vị đầu tư cố gắng giữ nguyên trạng tỉ lệ phủ xanh cho dự án. Đây không chỉ là chủ kiến của đơn vị đầu tư, mà còn là chỉ đạo từ phía chính quyền tỉnh Quảng Nam và chủ đầu tư hoàn toàn ủng hộ điều đó”.

Một góc khu du lịch Cổng trời Đông Giang do Tập đoàn FVG đầu tư
Một góc khu du lịch Cổng trời Đông Giang do Tập đoàn FVG đầu tư

Bà Hương một mặt khẳng định chủ đầu tư tuân thủ các quy định về mật độ xây dựng, mặt khác, bà Hương cũng thừa nhận: “Thực tế luôn có độ vênh nhất định so với kế hoạch và quyết định xây dựng, kè hoá bê tông 2 bên bờ suối vì tác động của mưa lũ tại đây”.

Đại diện chủ đầu tư cho biết: “Đây là thời gian chúng tôi lắng nghe ý kiến đến từ du khách, để tâm đến từng trải nghiệm của họ. Bên cạnh ý kiến khen ngợi, cũng có những ý kiến trái chiều và chúng tôi đều tôn trọng, vì như vậy là mọi người thực sự quan tâm đến Khu du lịch Cổng Trời Đông Giang. Khi làm dự án, đơn vị luôn để tâm đến tỉ lệ hợp lý của công trình sao cho phù hợp với tiêu chí của khu du lịch, cũng như đúng theo yêu cầu của luật pháp, chứ không thể muốn làm gì cũng được”.

Chuyên gia nói gì?

Bên cạnh ý kiến của chủ đầu tư, VietTimes xin đăng một số ý kiến phản biện của các chuyên gia hàng đầu về kiến trúc ở Việt Nam trước cách ứng xử của chủ đầu tư đối với danh thắng Cổng trời (còn gọi là Hang Gợp).

Ông Dương Việt Hùng – Tổng Giám đốc đại diện HUNI Architectes tại Việt Nam:

Trong lĩnh vực thiết kế của chúng tôi, việc tôn trọng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, địa hình tự nhiên và văn hoá địa phương là tiêu chí cốt lõi và bền vững. Việc đi ngược lại hoàn toàn các tiêu chí đó của dự án Khu du lịch Cổng trời Đông Giang mới được khánh thành vào dịp lễ 30/4 này như một minh chứng cho việc thiếu đầu tư chất xám và tư duy, thiếu ý thức và văn hoá.

Với những gì đang diễn ra cho thấy chủ đầu tư không có tâm huyết và tầm nhìn.

Ông Dương Việt Hùng – Tổng Giám đốc đại diện HUNI Architectes tại Việt Nam
Ông Dương Việt Hùng – Tổng Giám đốc đại diện HUNI Architectes tại Việt Nam

Không những vậy, việc can thiệp một các thô bạo, không thương tiếc đối với thiên nhiên, vốn dĩ là một giá trị rất lớn cho khu du lịch sinh thái này, cho thấy sự thiển cận trong cách thức quy hoạch, kiến trúc và đầu tư. Trong khi đó, nền văn hoá đại ngàn của các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây sẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế - quy hoạch thực thụ…

Cách hành xử đang cho thấy khu du lịch này đã tàn phá và quay lưng lại với thiên nhiên, tự mình đã phá huỷ đi thế mạnh lớn nhất của mình, thêm vào đó là một mớ hổ lốn về kiến trúc, vật liệu lai căng, pha tạp một cách kệch cỡm. Đó là Hội An pha Pháp cổ điển, Tây Tàu lẫn lộn, chùa chiền hay phim trường vv... mà chúng tôi không thể hiểu nổi… Nên theo quan điểm cá nhân, đây là tổ hợp của các phiên bản ngoại lai bị lỗi.

Quan trọng hơn và đau lòng hơn, chính là sự thiển cận đó đã đưa vào hiện thực, sẽ làm thui chột, tác động tiêu cực đến gu thẩm mỹ và văn hoá của cả những thế hệ mai sau.

TS.KTS. Phan Bảo An – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng:

Năm 2015, lần đầu tiên được đặt chân đến Hang Gợp, cảnh rừng suối kỳ vỹ, đẹp đến nao lòng, lòng suối nhỏ trong vắt trải dài qua những ngọn cỏ, cành hoa dại ven suối, lãng đãng vài ngọn khói làm cảnh vật càng đẹp - một vẻ đẹp hoang sơ.

Nhưng gần đây, cách tiếp cận của nhà thiết kế và đầu tư đã biến Hang Gợp trở thành một hòn non bộ, cái hoang sơ kỳ vỹ không còn nữa, rất xót xa!

TS.KTS. Phan Bảo An – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng

TS.KTS. Phan Bảo An – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Đà Nẵng

Thiên nhiên Việt Nam, hay miền Trung rất đẹp, nhiều điểm đến làm mình choáng ngợp với bàn tay của mẹ thiên nhiên. Tuy nhiên, nguồn lợi kinh tế thu lại từ những điểm này không cao, do điều kiện kinh tế, giao thông và đời sống người dân còn khó khăn.

Với những gì đã diễn ra, chỉ có thể tự an ủi và mong rằng, mỗi hoạt động du lịch sẽ góp phần tạo việc làm, cùng chính quyền nâng cao đời sống kinh tế xã hội cho bà con vùng sâu vùng xa. Và mỗi sai lầm đều để lại bài học đáng giá, mỗi lần vấp ngã, đứng dậy sẽ trưởng thành hơn.

Mọi trả giá đều có giá trị. Tôi hy vọng tư duy khai thác du lịch sẽ chấp nhận ý kiến phản biện, xây dựng và phát huy tiềm năng đặc trưng của từng điểm đến, để sản phẩm du lịch không trở thành hàng chợ.

Để rộng đường dư luận, VietTimes rất mong nhận được những ý kiến phản biện đa chiều, mang tính khoa học về thái độ hành xử đối với danh thắng Cổng trời của chủ đầu tư.

VietTimes sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc…