Quảng Nam: Cổng trời Đông Giang - kỳ quan bị biến dạng bởi sự tàn phá thiên nhiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Địa danh Cổng trời Đông Giang vốn được ví như tuyệt tác thiên nhiên giữa đại ngàn Trường Sơn với khung cảnh hoang sơ quyến rũ, nhưng với sự can thiệp của chủ đầu tư FVG, lại khiến du khách thất vọng tràn trề.
Cổng trời hay còn gọi là Hang Gợp tại khu du lịch Cổng trời Đông Giang (Quảng Nam) trước khi được đầu tư (ảnh nhỏ) và hiện tại
Cổng trời hay còn gọi là Hang Gợp tại khu du lịch Cổng trời Đông Giang (Quảng Nam) trước khi được đầu tư (ảnh nhỏ) và hiện tại

Bê tông hoá thiên nhiên, kiến trúc ngoại lai

Cổng trời Đông Giang nằm ở vùng núi Tây Bắc Quảng Nam, khí hậu mát mẻ quanh năm, với vẻ đẹp kỳ thú, độc đáo của những tán rừng hùng vĩ cùng hệ thống thác nước, hang động kỳ vĩ, những vòm thạch nhũ tự nhiên. "Viên ngọc" thiên nhiên này vừa được xây dựng thành Khu du lịch sinh thái.

Sau 4 năm thi công, dự án Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang (xã Ma Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) có diện tích hơn 120 ha, do Công ty CP Du lịch Hang Gợp (thuộc Tập đoàn FVG) điều hành và đầu tư với tổng vốn hơn 2.600 tỉ đồng, đã được đưa vào khai thác trong dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua.

Tuy nhiên, trái với sự kỳ vọng của nhiều người về một khu du lịch đúng nghĩa sinh thái, thì những gì hiện diện đã cho thấy hệ sinh thái đa dạng, độc đáo nơi đây đã bị xâm phạm một cách thô bạo, với những công trình bê tông hoá, cùng các khối kiến trúc ngoại lai, dị biệt, từ công trình xây dựng cho đến tên gọi.

Một góc khu du lịch Cổng trời Đông Giang nhìn từ trên cao

Một góc khu du lịch Cổng trời Đông Giang nhìn từ trên cao

Dễ nhận thấy nhất đó là hệ thống khách sạn 200 phòng nghỉ kiến trúc theo lối nhà cổ Hội An sơn vôi vàng, xa lạ với văn hoá của người Cơ Tu nơi đây. Tại Hang Chín tầng (người Cơ Tu gọi là hang Prazoong), thay vì giữ nguyên tên gọi mang đặc trưng riêng của vùng miền, thì chủ đầu tư đã gắn thêm một loạt hạng mục nhân tạo và đổi tên thành hang Ngọc Đế, động Tiên Cung.

“Cổng trời” hay “Hang Gợp” là cái tên ngàn đời của người dân địa phương dành cho vòm núi đá vôi khổng lồ được kiến tạo từ những ngọn thạch nhũ có tuổi đời cả trăm triệu năm nằm giữa đại ngàn hoang sơ, phía dưới cổng có dòng suối Bhơm Lom chảy ngang qua, được ví như cánh cổng vào rừng, chốn bồng lai… thì nay, bị một con đường bê tông xám xịt xuyên thẳng vào cảnh quan.

Dòng suối Bhơm Lom chảy ngang qua danh thắng Cổng trời bị thu hẹp, đục ngầu, nhường chỗ cho con đường bê tông đâm thẳng vào hang

Dòng suối Bhơm Lom chảy ngang qua danh thắng Cổng trời bị thu hẹp, đục ngầu, nhường chỗ cho con đường bê tông đâm thẳng vào hang

Đây từng là nơi diễn ra các lễ hội của người dân địa phương khi chưa có sự can thiệp của bàn tay con người

Đây từng là nơi diễn ra các lễ hội của người dân địa phương khi chưa có sự can thiệp của bàn tay con người

Không chỉ thế, dòng suối Bhơm Lom trong vắt, thơ mộng giữa những tán cây rợp bóng, giờ đây đã bị thu hẹp và biến dạng bởi những khối bê tông và còn bị đổi tên thành sông Ngân. Hệ thống tường thành bê tông dựng đứng, cùng 7 cây cầu có kiến trúc không ăn nhập với cảnh quan, chia cắt dòng suối Bhơm Lom và được đặt những tên gọi lạ lẫm với người bản địa như: cầu Đại Đế, cầu Ô Thước, cầu Thác Tiên, cầu Kiều…

Trả lời báo giới, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - cho biết, chủ trương của địa phương là tập trung phát triển du lịch ở vùng Tây Quảng Nam để kéo giãn du lịch phía Đông lên phía Tây, đồng thời tạo sinh kế cho đồng bào miền núi. Mặc dù vậy, địa phương không ưu tiên thu hút đầu tư bằng mọi giá, mà phải kiểm soát chặt mục đích chuyển đổi đất rừng, nhất là rừng tự nhiên; bảo vệ sự đa dạng, sự nguyên vẹn về văn hóa, lịch sử của đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, vách núi đá vôi sừng sững, minh chứng của hàng triệu năm tích tụ giữa thiên nhiên hùng vĩ, giờ đã bị khoét sâu để lấy chỗ "ngự" cho những bức tượng dị biệt, những hạng mục kỳ quái.

"Sự xâm hại thô bạo đến thiên nhiên nơi đây khiến du khách phải xót xa không hiểu chuyện gì đã xảy ra với “Cổng Trời - Đông Giang đây khi trái với kỳ vọng về một khu du lịch thiên nhiên thân thiện, thì lại là một mớ hỗn độn về kiến trúc, không gian. Nghĩ thương cho sự nghiệp khai thác du lịch quá”- chị Kim Em, nguyên Trưởng VP Báo Tuổi Trẻ tại Đà Nẵng chia sẻ.

“Vết dao thô bạo” chém vào thiên nhiên và văn hoá bản địa

Đồng ý rằng, việc xây dựng một điểm tham quan du lịch là cần thiết, việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư như sự gọt giũa để viên ngọc sáng hơn, có giá trị hơn. Nhưng những gì đang diễn ra tại đây đã khiến không ít người thất vọng.

Thay vì tôn tạo, gìn giữ thiên nhiên và vun đắp văn hoá người dân bản địa thành sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, thì chủ đầu tư lại ứng xử thô bạo với thiên nhiên bằng những công trình bê tông, xâm phạm cảnh quan thiên nhiên cũng như văn hoá cư dân bản địa.

Những khối bê tông khô cứng cùng lối kiến trúc xa lạ với văn hoá bản địa giữa đại ngàn Trường Sơn

Những khối bê tông khô cứng cùng lối kiến trúc xa lạ với văn hoá bản địa giữa đại ngàn Trường Sơn

Khối nhà lưu trú mang dáng dấp kiến trúc nhà cổ Hội An

Khối nhà lưu trú mang dáng dấp kiến trúc nhà cổ Hội An

Lối kiến trúc chùa chiền xa lạ với người Cơ Tu

Lối kiến trúc chùa chiền xa lạ với người Cơ Tu

Tâm điểm của lối hành xử này là một loạt công trình đồ sộ với lối kiến trúc hổ lốn, vụn vặt, thô kệch, vụng về trong tạo hình, gia công trang trí thiếu giá trị nghệ thuật, kiến trúc điêu khắc mang đậm tính ngoại lai… mọc dày đặc lên hai bên bờ suối Bhơm Lom.

Khối khách sạn lưu trú mang phong cách nhà cổ Hội An sơn vàng choé, chẳng ăn nhập gì giữa đại ngàn, là một ví dụ. Hạng mục bậc cấp với 4.000 bậc dẫn đến ngôi đền do chủ đầu tư dựng lên, mang tên Lâm Cung Thánh Mẫu được chủ đầu tư dẫn tích là con gái của Ngọc Hoàng được giao trọng trách cai quản rừng xanh hay còn gọi là Bà Chúa thượng ngàn, cũng là một điển hình. Hay khối toà tháp 7 tầng cao ngất ngưỡng thường thấy ở kiến trúc chùa chiền lại bất ngờ xuất hiện tại khu du lịch khiến, không ít người nghĩ đến hơi hướm của khu văn hoá tâm linh đâu đó dưới xuôi.

Chưa dừng lại, những cái tên mang đậm văn hoá Trung Hoa được chủ đầu tư đặt cho các công trình nhân tạo nơi đây, như: hang Ngọc Đế, hang Tiên Cung, cầu Đại Đế, cầu Ô Thước…; hay khu làng văn hoá Cơ Tu với tiêu chí bảo tồn văn hoá bản địa lại đưa những hoạ tiết rồng phun nước vào nhà sàn của người Cơ Tu… khiến không ít người quan ngại về việc làm sai lệch văn hoá, gây hiểu lầm cho du khách đến tham quan.

Đặc biệt, trên thân Hang Gợp, khối đá vôi hình thành từ hàng triệu năm bồi tích cũng bị đục khoét không thương tiếc và thay những cây xanh nguyên bản, rợp bóng mát bằng bức phù điêu hình rồng kệch cỡm với chiếc lưỡi xanh lè liếm quanh ngay cổng dẫn vào khu du lịch.

Dòng suối tự nhiên bị biến thành con kênh với những khối bê tông xấu xí

Dòng suối tự nhiên bị biến thành con kênh với những khối bê tông xấu xí

Tất cả những thứ hỗn tạp này được giới kiến trúc, yêu thiên nhiên ví như sự “ngây ngô”, “thiển cận” của những người làm du lịch khi không khai thác đặc trưng văn hóa kiến trúc độc đáo của người đồng bào Cơ Tu cũng như những khác biệt mà thiên nhiên nơi đây trao tặng.

“Dường như các doanh nghiệp du lịch của ta đang đi ngược lại xu thế du lịch của các nước: giữ thiên nhiên để tồn tại lâu dài, chú trọng thỏa mãn du khách để lấy lòng họ sẽ quay lại như một điểm hẹn. Còn đây là ăn xổi, ăn nhanh… sau này thế nào cũng mặc đó là tự thít cổ doanh nghiệp du lịch mình”- một du khách chia sẻ.

Làng văn hoá Cơ Tu, nơi được chủ đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hoá độc đáo của người Cơ Tu.

Làng văn hoá Cơ Tu, nơi được chủ đầu tư xây dựng nhằm bảo tồn và quảng bá bản sắc văn hoá độc đáo của người Cơ Tu.

Phải chăng khi đầu tư phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại đây, chủ đầu tư đã quên rằng các đặc trưng văn hóa bản địa và đặc tính thiên nhiên là giá trị cốt lõi của sản phẩm du lịch. Đó không chỉ góp phần tạo nên sự khác biệt, tính hấp dẫn cho khu du lịch nghỉ dưỡng, mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống địa phương, gìn giữ và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên.

Dẫu biết để cải tạo thiên nhiên đem lại giá trị kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của địa phương rất cần có bàn tay tác động của con người, những gì đã diễn ra tại khu du lịch Cổng Trời Đông Giang là vết thương khó lành đối với thiên nhiên và văn hoá bản địa nơi đây.

Theo tập đoàn FVG, Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang là tuyệt tác thiên nhiên giữa Đại ngàn Trường Sơn. Dự án khu du lịch này được xây dựng trên diện tích khoảng 120ha đất rừng, trong đó có gần 20ha đất rừng tự nhiên và rừng phòng hộ.

Dự án bao gồm các hạng mục: nơi đón tiếp, nhà điều hành, quảng trường cây xanh, địa điểm bán vé, nhà bia di tích lịch sử, chòi nghỉ chân, đài vọng cảnh, khu xử lý nước thải… Trung tâm dự án: khu dịch vụ sinh thái, khu dịch vụ du lịch văn hóa, lưu trú khách sạn, nhà hàng… Đây sẽ là khu du lịch sinh thái, lưu trú khoảng 100.000 khách/năm; tầng cao xây dựng từ 1-5 tầng; riêng 3 tháp vọng cảnh có tầng cao là 9, 10 và 13 (chiều cao tối đa 42m)… với tổng mức đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng.

Khu du lịch được xây dựng với tiêu chí trở thành tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí kết hợp với bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu.