Ông Esfahani nói rằng, Iran không muốn phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ và sự lưu hành của nó trên thế giới.
Quan chức cao cấp của Iran giải thích thêm rằng, vì một vài lý do Iran không có lợi khi bán dầu mỏ bằng đô la Mỹ.
Vậy, quyết định từ chối thanh toán cho dầu bằng đô la của Iran có thể mang lại kết quà gì?
Trao đổi với Sputnik, chuyên gia độc lập Mohsen Maksudi, người Iran đang sống ở Đức, nói lên ý kiến như sau:
“Trước tiên, tôi cho rằng, việc Iran quyết định bỏ sử dụng đồng USD trong các hoạt động thanh toán dầu mỏ, là một động thái nặng tính chất chính trị hơn là một động lực kinh tế có cơ sở.
Một số nhà phân tích vội vàng tuyên bố rằng, bước đi này của Iran là một nỗ lực nhằm phá vỡ hệ thống thanh toán bằng đô la Mỹ đang tồn tại ở khu vực Trung Đông. Nhưng, theo tôi, vấn đề này sâu sắc hơn nhiều.
Iran đã phải chịu nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt. Các tài sản quan trọng nhất mà nước này tích lũy được thông qua việc bán dầu, đã bị phong tỏa.
Vì vậy, quyết định từ bỏ USD là một nỗ lực nhằm bảo vệ tài sản của Iran khỏi lệnh trừng phạt mới của Mỹ. Ngoài ra, cũng không nên quên rằng, các khách hàng quan trọng nhất mua dầu mỏ của Iran là Trung Quốc và châu Âu.
Do đó, việc chuyển sang thanh toán bằng đồng euro và nhân dân tệ là rất có lợi cho Iran. Tuy nhiên, USD là đơn vị tiền tệ quốc tế, cơ sở của các quỹ dự trữ ở nhiều nước, ví dụ, ở Trung Quốc.
Bộ Dầu mỏ Iran đã tuyên bố rằng, nước này dự định tăng sản lượng khai thác dầu mỏ thêm 1 triệu thùng/ngày. Song, việc tìm kiếm khách hàng cho khối lượng dầu lớn như vậy laị không phải là chuyện dễ dàng. Và việc chuyển sang thanh toán bằng đồng euro chỉ có thể làm phức tạp thêm nhiệm vụ đó.
Trong trường hợp này, một số nước có thể có thể sẽ từ bỏ việc mua dầu của Iran. Vì vậy, Iran nên thông qua quyết định cùng với các đồng minh của mình trên thị trường dầu mỏ.
Ví dụ, nếu kho dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được tính bằng đô la, thì phải xem: thanh toán bằng nhân dân tệ sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không?
Nên mời các nhà kinh tế và chuyên gia Trung Quốc để họ phân tích và nói lên dự đoán. Trong mọi trường hợp, quyết định chuyển sang thanh toán bằng đồng tiền khác trong các giao dịch với dầu mỏ nên có lợi cho tất cả các bên tham gia”.
Đây là nhận xét của chuyên gia độc lập Mohsen Maksudi, người Iran đang sống ở Đức, về kế hoạch của Iran từ bỏ đồng USD khi thanh toán về dầu xuất khẩu.
Được biết, trung tuần tháng 1/2016 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Obama đã ký sắc lệnh thu hồi các lệnh trừng phạt được áp dụng 20 năm qua với Iran sau khi Tehran đã thực hiện toàn bộ các điều khoản được quy định trong thỏa thuận hồi tháng 7/2015 giữa nhà nước Cộng hòa Hồi giáo với nhóm P5+1.
Việc tổng thống Mỹ ký lệnh xóa bỏ các biện pháp trừng phạt với Iran giúp Tehran dỡ bỏ được phong tỏa tài sản của chính phủ trong hệ thống tài chính quốc tế. Theo ước tính, Tehran sẽ nhận lại số tiền từ 50 tới 150 tỷ USD đang bị phong tỏa.
Nhược Sơn (Theo Sputnik)