Mới đây, Samsung đã thông báo ngừng sản xuất vĩnh viễn dòng smartphone Galaxy Note 7 sau các sự cố chập cháy được báo cáo là gây ra bởi sản phẩm này. Bên cạnh đó, Samsung, Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Mỹ (CPSC) và cả Bộ Công thương Việt Nam còn khuyến cáo tất cả mọi người tắt nguồn Note 7 và đổi lấy một chiếc điện thoại mới thuộc dòng khác của hãng hoặc nhận lại tiền.
Nhưng có một thực tế, dù bạn đang sử dụng iPhone, điện thoại Android hay thậm chí là một chiếc BlackBerry cũ thì điện thoại của bạn sử dụng pin lithium-ion có nguy cơ bị cháy. Điều tương tự cũng có thể xảy ra với hầu hết các loại máy tính bảng, laptop và các thiết bị cầm tay khác.
Mặc dù theo thống kê, khả năng này là không cao, ngay cả với những chiếc Note 7 trước khi thay thế nhưng cũng không phải là không có cơ sở để chúng ta lo lắng cho sự an toàn của điện thoại của mình.
Theo trang tin Cnet, tháng trước, một nhân viên giấu tên của Samsung cho biết chỉ có 0,01% trong số tất cả những chiếc Note 7 được bán ra (khoảng 1.000 trên 1 triệu chiếc) là có lỗi pin trong lần thu hồi đầu tiên.
Tất nhiên, đến nay số liệu này đã thay đổi nhưng nếu bạn loại trừ những chiếc Note 7 có vấn đề thì tỷ lệ trên chỉ còn 1 trên 10 triệu chiếc pin lithium-ion có thể sẽ gây cháy nổ, theo chuyên gia về pin Brian M.Barnett chia sẻ. Đây thực sự là một tỷ lệ vô cùng nhỏ, chỉ tương đương với nguy cơ bị sét đánh.
Vậy tại sao chúng ta lại quan tâm và lo lắng đến vậy? Đơn giản là vì có vô vàn những vật dụng hàng ngày sử dụng pin lithium-ion đang hiện diện xung quanh chúng ta: công cụ điện tử, máy trợ thính, máy tính xách tay, máy tính bảng, loa Bluetooth và tất nhiên là cả smartphone.
Trước Note 7, lần cuối cùng bạn nghe tin tức về điện thoại cháy nổ là khi nào? Chắc chắn là không nhiều. Một vài trường hợp có thể kể đến là tháng Tám vừa qua, Intel đã tiến hành thu hồi đồng hồ Basis Peak vì có thể gây bỏng và năm ngoái, Nvidia cũng làm điều tương tự với Shield Tablet do lỗi pin bị quá nhiệt. Bên cạnh đó, theo một số báo cáo khác, tỷ lệ lỗi pin ở dòng máy tính xách tay của Sony là 1 trên 200.000 và ở dòng điện thoại đã thu hồi của Nokia là 3 phần triệu.
John Drengenburg, Giám đốc phụ trách vấn đề an toàn của người tiêu dùng của tổ chức hợp tác giữa các phòng thí nghiệm Underwriters Laboratories cho biết: "Không ai mong muốn và có thể lường trước được việc pin điện thoại gây rắc rối nhưng rõ ràng là điều này rất hiếm và một khi nó xảy ra thì thường có tác động không mấy tích cực đến tâm lý của chúng ta".
Ngoài ra, Note 7 có thể không phải là chiếc điện thoại duy nhất gây sự cố trong tháng Mười này khi đã có hai trường hợp iPhone 6 Plus phát nổ tại New Jersey và California, Mỹ.
Scott Wolfson, phát ngôn viên của CPSC cho biết: "Khi so sánh hàng trăm triệu chiếc điện thoại, máy tính xách tay, hoverboard và những sản phẩm tiêu dùng khác trên thị trường với số ít các sự cố, có thể nói rằng những vụ cháy pin lithium-ion là hiếm, tuy nhiên chúng lại có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng".
Liệu chúng ta có thể ngừng sử dụng smartphone hay laptop để quay trở lại với điện thoại và máy tính để bàn cố định hay không? Thậm chí đường ống dẫn khí ga trong nhà của bạn cũng có thể phát nổ hay đi ô tô cũng có thể gặp tai nạn và thiệt mạng. Tuy nhiên, dù sợ những thứ này không an toàn nhưng chúng ta sẽ vẫn tiếp tục sử dụng bởi khả năng chúng gây ra sự cố cũng thấp như tỷ lệ pin lithium-ion phát nổ mà thôi.
Nếu lo lắng về vấn đề pin lithium-ion gây cháy nổ ở những thiết bị khác thì bạn hoàn toàn có thể yên tâm. Còn nếu vẫn đang sở hữu Samsung Galaxy Note 7 thì tốt hơn hết bạn hãy tắt nguồn và mang đi đổi lấy một sản phẩm khác khiến bạn an tâm hơn.
Theo Vnreview