Từ vụ BN 1342: Bộ Y tế sẽ rà soát lại quy định cách ly tiếp viên, phi công của các hãng hàng không

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc nam tiếp viên Vietnam Airlines mắc COVID-19 lây bệnh cho người khác trong thời gian cách ly tại nhà đã khiến dư luận dậy sóng. Vì thế, không ít người thắc mắc khi cách ly tại nhà, đối tượng cách ly phải tuân thủ quy định gì?

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân mắc COVID-19 (Ảnh: Minh Thuý)

Không được ăn, ngủ chung với gia đình khi đang cách ly

Từ trường hợp của bệnh nhân 1342 không tuân thủ quy định cách ly tại nhà làm lây bệnh COVID-19 cho bệnh nhân 1347 – giáo viên dạy tiếng Anh, ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - nhấn mạnh: Cơ quan chức năng sẽ phải rà soát lại các quy định liên quan đến cách ly tiếp viên, phi công của các hãng hàng không.

“Tiếp viên hàng không là các trường hợp đặc biệt nên khi có kết quả xét nghiệm hai lần âm tính sẽ được cho về cách ly tại nhà. Tuy nhiên, họ vẫn phải tiếp tục cách ly theo quy định, tuyệt đối không tiếp xúc, giao lưu với người khác.” – ông Tấn cho hay.

Bệnh nhân 1342 khi cách ly tại nhà có tiếp xúc với người khác là vi phạm quy định cách ly phòng chống dịch COVID-19. Đây là lý do virus SARS-CoV-2 lây sang bệnh nhân 1347, gây ra nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Ông Đặng Quang Tấn - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Theo hướng dẫn về cách ly tại nhà, nơi lưu trú để phòng, chống bệnh COVID-19 của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, người được cách ly phải chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m.

Đáng chú ý, người được cách ly không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú và không ăn, ngủ chung với người trong gia đình. Cùng với đó, người được cách ly phải thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần, vào buổi sáng và chiều, về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân; thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở; tự thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.

Nhân viên y tế phun khử khuẩn (Ảnh: Minh Thuý)

Nhân viên y tế phun khử khuẩn (Ảnh: Minh Thuý)

Hàng ngày, người được cách ly phải hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác; tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.

Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, những đơn vị chịu trách nhiệm phải thường xuyên kiểm tra việc thực hiện cách ly tại khu vực cách ly tập trung, cách ly tại nhà và nơi lưu trú. Các cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm, làm dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng phải bị xử lý nghiêm.

Dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp

Dự đoán về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam giai đoạn tới, PGS. TS. Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế - cho rằng dịch bệnh có thể khốc liệt hơn vào mùa đông. Lý do là bởi dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp, trung bình 1 ngày có gần 600.000 ca nhiễm mới, nguy cơ lây nhiễm sang Việt Nam là rất lớn.

PGS. TS. Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

PGS. TS. Nguyễn Huy Nga – nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế (Ảnh: Minh Thuý)

Bên cạnh đó, ở điều kiện thời tiết lạnh, virus sẽ tồn lại trong môi trường, không khí lâu hơn, khả năng lây lan cao hơn. Nguyên lý này có ở rất nhiều bệnh cúm khác, không chỉ riêng COVID-19.

Số bệnh nhân tới khám do các bệnh cúm thông thường tăng trong mùa đông cũng có thể khiến ngành y tế vất vả hơn trong việc phân loại, cách ly, phân luồng để không bỏ sót người mang mầm bệnh COVID-19.

“Năng lực kiểm soát dịch bệnh và điều trị của chúng ta không phải là vô hạn, bởi vậy nếu để dịch bùng phát, tình hình sẽ rất khó khăn” – ông Nga nhấn mạnh.