Từ việc Thủy Tiên quyên góp được hơn 100 tỷ: Kêu gọi từ thiện là quyền chính đáng của mỗi người

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Luật sư Nguyễn Tiến Lập - thành viên Văn phòng NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - đã dành cho VietTimes những trao đổi về việc kêu gọi từ thiện và chức hoạt động từ thiện.
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Văn phòng NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)
Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Thành viên Văn phòng NHQuang và Cộng sự, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC)

Trước những quan điểm trái chiều liên quan đến ca sĩ Thuỷ Tiên và nhiều cá nhân trong giới showbiz kêu gọi làm từ thiện cho bà con vùng lũ, đã và đang diễn ra, VietTimes đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Tiến Lập về vấn đề này.

Kêu gọi từ thiện là quyền chính đáng của mỗi người

PV: Việc làm từ thiện của ca sĩ Thuỷ Tiên đang gây chú ý của cộng đồng với nhiều quan điểm trái chiều . Vậy ý kiến của luật sư như thế nào về việc giới nghệ sĩ đứng ra kêu gọi từ thiện?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết, theo kinh nghiệm của tôi, ở nước ngoài việc các nghệ sĩ, đặc biệt là ca sĩ, diễn viên điện ảnh, tham gia các hoạt động từ thiện không chỉ là chuyện bình thường, mà còn đặc biệt hiệu quả. Trong khi ở Việt Nam điều này còn khá mới.

Chính vì thế, câu chuyện ca sĩ Thuỷ Tiên làm từ thiện vừa qua rất thành công làm không ít người bất ngờ. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt giữa kêu gọi từ thiện và tổ chức hoạt động này. Nó bao gồm cả huy động, quản lý, phân phối, báo cáo và giải trình về sử dụng tiền từ thiện.

Nếu việc kêu gọi từ thiện là quyền chính đáng của mỗi người, hơn thế còn là nghĩa cử cao đẹp, thì khâu tổ chức đi sau đó lại khá phức tạp và vất vả. Việc này đòi hỏi những điều kiện nhất định, không chỉ là khả năng hành động của những người trong cuộc mà còn cả các yêu cầu pháp lý nữa.

Do đó, tôi hoan nghênh ca sĩ Thuỷ Tiên và các anh, chị em nghệ sĩ Việt Nam tham gia hoạt động này. Ít nhất là ở mức độ kêu gọi từ thiện đã làm thức tỉnh lòng trắc ẩn, tình yêu thương đồng loại và sự sẻ chia cùng tinh thần đoàn kết.

Đây vốn là những giá trị đẹp đẽ nhất của con người và suy nghĩ, tư tưởng của nghệ sĩ đương nhiên đều hướng tới các giá trị này. Chính họ luôn luôn tôn thờ hay là hiện thân của cái đẹp.

PV: Trong khi Thuỷ Tiên cùng nhiều “sao” đứng ra kêu gọi từ thiện và được ủng hộ rất lớn, còn các tổ chức xã hội lại không mấy hiệu quả. Vậy có chăng vấn đề là niềm tin trong hoạt động từ thiện hay không, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Cần phải nói rằng, thông lệ cho tới nay, việc kêu gọi đóng góp, tài trợ cho mục đích từ thiện chủ yếu do các cơ quan, tổ chức nhà nước thực hiện. Và tôi không thể đánh giá rằng nó không hiệu quả, bởi phải có đủ đối chứng để so sánh và đối chứng đó có thể là trường hợp của Thuỷ Tiên.

Nhưng rõ ràng chúng ta hay ít nhất cá nhân tôi nhận thấy ba điều thú vị với chữ “rất”.

Thứ nhất là cách làm khá âm thầm, giản dị nhưng sức lan toả rất nhanh. Thứ hai là số lượng tiền huy động tính trên một hoạt động rất lớn. Và thứ ba cũng là điều đáng để ý nhất, đó là số tiền đóng góp của từng người tuy nhỏ nhưng số lượng tham gia lại rất đông.

Về lý thuyết, đó mới chính là bản chất của công việc thiện nguyện. Thiện nguyện không phải là nghĩa vụ mà là quyền được yêu thương đồng loại, nó biểu hiện qua lòng trắc ẩn (là cái cần có để tôi sẵn sàng cho đi) và niềm tin (là cái cần có để tôi lựa chọn ai để cho hay đưa tiền).

Trong khi đó, một khi Nhà nước tham gia vào với vai trò là người khởi xướng và tổ chức thì nhiều hay ít, theo lẽ tự nhiên, công việc này sẽ có màu sắc nghĩa vụ. Cho dù có gọi là “nghĩa vụ tự nguyện” chăng nữa.

Đó là điều chúng ta vẫn thấy trên truyền hình, khi các cơ quan, đoàn thể tổ chức cho cán bộ, nhân viên đóng góp bằng ngày lương của mình. Xin thưa, thiện nguyện đích thực chính là hoạt động hàng ngày mà không phải là sự kiện hay phong trào, và càng ít công khai càng tốt.

Ví dụ như người dân Mỹ có truyền thống làm từ thiện từ rất lâu. Mỗi người lặng lẽ đóng góp 5 hay 10 USD mỗi tháng, vậy mà người ta thu được tới trên 300 tỉ USD một năm.

Cho nên, nếu bỏ qua hiện tượng nhiều người không còn tin vào các kênh tổ chức của Nhà nước hay đoàn thể do tình trạng quan liêu và tham nhũng chung đã làm cho hoạt động này bị ảnh hưởng, hoặc vạ lây, thì còn có thực tế khác đơn giản là nhiều người không thích như vậy.

Tóm lại, không thể bắt ai phải lý giải tại sao mình lại yêu, thích và tin cô Thuỷ Tiên được. Đó là tình cảm tự nhiên của con người và chúng ta phải tôn trọng điều đó. Và chỉ có thế thì làm điều thiện mới mang đến hạnh phúc cho cả người cho và người nhận.

PV: Nếu so sánh giữa việc vận động mang tính cá nhân của các "sao" và các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước ,thì theo ông có phải người dân không tin vào các tổ chức này? Hay còn lý do nào khác?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Để có một đánh giá thì không thể chỉ nhìn vào hiện tượng bên ngoài, như số lượng người tham gia hay số tiền quyên góp được, mà cần cả thông tin về thành phần tham gia nữa.

Xét về khía cạnh tâm lý, nếu là người dân bình thường, đặc biệt các bạn trẻ, là những người vốn biết và yêu thích chị Thuỷ Tiên hay anh Công Vinh. Hay rộng hơn các ca sĩ, nghệ sĩ nào đó thì họ chắc chắn sẽ lựa chọn những người này để đưa tiền, mà không phải là các tổ chức nhà nước, trừ khi đó là nghĩa vụ phải làm.

Trong khi đó, nếu là cán bộ, công chức nhà nước thì có lẽ họ sẽ ủng hộ kênh làm từ thiện của cơ quan, tổ chức của họ hơn. Như vậy, câu chuyện niềm tin rất khó, nó tuỳ thuộc vào từng người, từng việc và từng hoàn cảnh.

Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng có hai yếu tố có ý nghĩa tác động tâm lý rất cao. Đó là các hiện tượng tư túi, bớt xén, phân phối không công bằng và lạm dụng tiền từ thiện trong khu vực nhà nước đã từng diễn ra khiến người dân mất tin tưởng.

Thứ nữa là sẽ rất hiếm trường hợp nào thông qua truyền thông xã hội, người dân chứng được kiến trực tiếp người nhận tiền như chị Thuỷ Tiên lặn lội vất vả đến từng nơi, từng nhà ở vùng lũ lụt để phát cho bà con như thế.

Ở đây, tôi muốn nói đến các giới hạn khi cơ quan, tổ chức nhà nước làm từ thiện thì khó vượt qua được. Đó là sự cồng kềnh, phức tạp hay không thể hành động nhanh nhạy, linh hoạt của bộ máy hành chính quan liêu và điều này cho thấy vai trò của các nhà từ thiện tư nhân rất quan trọng, không thể thiếu để bù đắp các khiếm khuyết này.

Các sao giải trí Việt đi làm thừ thiện (ảnh Hoà Bình ghép)

Các sao giải trí Việt đi làm thừ thiện (ảnh Hoà Bình ghép)

Cần có cách tiếp cận mới và khác với hoạt động từ thiện

- Theo ông, Nhà nước cần làm gì để huy động nguồn lực cứu trợ từ các cá nhân trong việc tái thiết sinh kế cho người dân gặp nạn nói riêng và những vấn đề lớn khác của đất nước nói chung?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Bàn về lâu dài, chúng ta phải thấy rằng Việt Nam là một đất nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi cả thiên tai và biến đối khí hậu. Các hoạt động ứng phó đang diễn ra đã bộc lộ những hạn chế.

Thậm chí bộc lộ cả những giới hạn mà các cơ quan, tổ chức chuyên trách của Nhà nước khó có thể vượt qua. Do đó, theo tôi rất cần một cách tiếp cận mới và khác đối với hoạt động này.

Đó là phải tin và chủ động tạo điều kiện để các lực lượng xã hội ngoài nhà nước cùng tham gia làm thiện nguyện và cứu trợ, trong khi không làm giảm vai trò của Nhà nước.

Cụ thể, cần đầu tư, đào tạo, trang bị thật sự bài bản, chuyên nghiệp cho các lực lượng cứu hộ của Nhà nước và kết hợp với tổ chức, xây dựng mạng lưới các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tự nguyện của người dân. Tức là việc đầu tư này không chỉ tập trung vào lực lượng dân quân, tự vệ hay dân phòng để bảo vệ an ninh quốc phòng như hiện nay.

Ngoài ra, một khi xảy ra tình huống thiên tai, khủng hoảng, các cơ quan, tổ chức Nhà nước phải đóng vai trò chỉ đạo, điều phối và hỗ trợ mọi hoạt động cứu hộ, cứu trợ của các lực lượng khác nhau, chứ không phải độc quyền, làm thay hay làm riêng rẽ một mình.

- Một vấn đề nữa cần bàn đến là hành lang pháp lý cho hoạt động từ thiện của các cá nhân. Theo ông, Nhà nước cần làm gì để khuyến khích, huy động nguồn lực này, đồng thời, kiểm soát được những tiêu cực phía sau hoạt động vận động, cứu trợ?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Về khía cạnh này, dư luận vừa qua không chỉ quan ngại mà còn bức xúc với các rào cản cho hoạt động thiện nguyện của người dân bởi Nghị định 64/2008 của Chính phủ.

Theo đó, các hoạt động kêu gọi và tổ chức quyền góp cứu trợ của các tổ chức, cá nhân không được phép, hay không đăng ký đều bị coi là vi phạm. Tôi hiểu sự e ngại cũng có lý của người ban hành văn bản này về những sự tiêu cực, lạm dụng có thể có, nếu Nhà nước không kiểm soát hoạt động này.

Tuy nhiên, chúng ta đã có thực chứng sinh động về việc kiểm soát không hiệu quả ở phía các cơ quan, tổ chức chính thống, trong khi hoạt động tự nguyện, tự giác của người dân lại cho kết quả ngược lại.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý tới việc những hoạt động cứu trợ, cứu nạn cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các cá nhân tham gia, nên rất cần sự hỗ trợ, bảo vệ của Nhà nước.

Vậy thì chúng ta phải thay đổi, bắt đầu bằng việc sửa đổi, thay thế Nghị định 64/2008 đã lỗi thời như đã nói. Còn về lâu dài, tôi cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một đạo luật về các tổ chức và hoạt động phi lợi nhuận, đủ bao quát cả các hoạt động thiện nguyện và cứu trợ tự nguyện.

Nhìn sang thực tiễn các nước, có thể thấy ngay khoảng trống này trong hệ thống pháp luật nước ta. Bởi tuân theo bản chất tự nhiên của đời sống, rất cần một cấu trúc về thể chế để làm sao bên cạnh Nhà nước, luôn luôn có cả khu vực dân sự và tư nhân rộng lớn, năng động làm nền tảng vững vàng. Và cùng với khu vực lợi nhuận sẽ rất cần có khu vực phi lợi nhuận song hành.

PV: Xin cảm ơn ông đã trao đổi!