Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2023 với doanh thu hoạt động đạt 557,9 tỉ đồng, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) của ACBS đạt 300,2 tỉ đồng, tăng gấp 9,5 lần so với cùng kỳ quý 3/2022. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 101,2 tỉ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, ACBS còn ghi nhận 104,3 tỉ đồng doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán, tăng 54,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Trừ đi chi phí, ACBS báo lãi ròng quý 3/2023 ở mức 119,5 tỉ đồng, tăng gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của ACBS đạt 324,5 tỉ đồng, gấp 24,5 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Trên bảng cân đối, tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của ACBS đạt 9.006,4 tỉ đồng, tăng 59,4% so với đầu năm. Trong đó, tính đến cuối quý 3/2023, dư nợ các khoản cho vay (chủ yếu là cho vay margin) của ACBS đạt mức 4.217,8 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm.
Hoạt động tự doanh cũng được ACBS đẩy mạnh trong quý 3. Tại ngày 30/9, công ty chứng khoán này nắm giữ 4.440,2 tỉ đồng tài sản tài chính, tăng hơn 1.400 tỉ đồng so với đầu năm, chủ yếu là các khoản đầu tư vào cổ phiếu và tài sản tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn (phần lớn là tiền gửi ngân hàng). Tính đến cuối quý 3/2023, giá trị hợp lý của các khoản đầu tư này ở mức 4.347 tỉ đồng.
Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, trong quý vừa qua, tự doanh ACBS đã rót thêm 737,9 tỉ đồng vào cổ phiếu và 103,4 tỉ đồng vào trái phiếu. Tại ngày 30/9/2023, các khoản đầu tư vào cổ phiếu của ACBS có giá trị sổ sách ở mức 1.570,2 tỉ đồng, tăng gấp 2,3 lần so với đầu năm.
Ngoài ra, ACBS cho biết đã phát hành lượng chứng chỉ tiền gửi có giá trị sổ sách ở mức 210,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, giá trị thị trường của các chứng quyền này chỉ ở mức 180,5 tỉ đồng./.