Từ cuối bảng, Rúp Nga “lên ngôi” đồng tiền khởi sắc nhất thế giới

“Thực tế mới cho thấy có quá nhiều nhân tố tác động tới Rúp. Diễn biến của đồng tiền này là hoàn toàn không thể đoán trước”.
Từ cuối bảng, Rúp Nga “lên ngôi” đồng tiền khởi sắc nhất thế giới

Từ vị trí đồng tiền chuyển biến tệ hại nhất thế giới trong năm 2014, bản tệ Nga vươn lên top đầu bảng xếp hạng các đồng tiền khởi sắc nhất trong 3 tháng đầu năm 2015.

Xu hướng khó lường này đã phủ nhận các dự đoán từ những chuyên gia uy tín nhất, Bloomberg nhận xét.

Trong năm 2014, Rúp trượt giá 46%, tệ hại nhất trong 31 đồng tiền được Bloomberg theo dõi. Sang năm 2015, ruble tăng tốc 4,4% trong 3 tháng đầu năm, bất chấp Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất cho vay tổng cộng 300 điểm cơ bản. Chưa kể giá dầu thô Brent bốc hơi 29% trong 3 tháng, còn 55,17%.

 Diễn biến tỷ giá RUB/USD 3 tháng đầu năm 2015. Biểu đồ: Bloomberg

Mặc dù các yếu tố bất lợi cho Rúp trước đây vẫn chưa phai nhạt, tác động tích cực từ lệnh ngừng bắn tại Ukraine có phần lấn lướt.

“Không một dự đoán nào của tôi về diễn biến của Rúp trở thành hiện thực”, ông  Evgeny Shilenkov, Giám đốc giao dịch tại công ty Veles Capital ở Nga thừa nhận. Ông Shilenkov tiên đoán đồng Rúp sẽ giảm khoảng 3,6% trong quý đầu năm.

“Thực tế mới cho thấy có quá nhiều nhân tố tác động trong ma trận Rúp. Diễn biến của đồng tiền này là hoàn toàn không thể đoán trước”, ông nhận xét.

Tuy nhiên, Giám đốc nghiên cứu thị trường mới nổi tại ngân hàng Commerzbank Anh Quốc - Simon Quijano-Evans – vẫn khoanh vùng yếu tố cần để mắt nếu muốn đầu tư vào Rúp, đó là tình hình tại Đông Ukraine. Ông dự đoán khá chính xác xu hướng của đồng Rúp trong năm 2014 và 3 tháng đầu năm 2015 tại mức tăng 3,9%.

Đồng Rúp “nhảy múa” là nỗi đau đầu của các chuyên gia phân tích. Mức dao động trung bình tháng của bản tệ Nga đạt mức cao nhất thế giới vào cuối quý I, gia tăng chi phí phòng thủ, gây khó khăn cho công tác dự đoán.

“Về cơ bản, dự đoán diễn biến tiền tệ là một nhiệm vụ mệt mỏi. Mọi việc càng trở nên khó khăn trong bối cảnh thị trường rung lắc mạnh bất thường, như tình hình tại Nga trong vài tháng qua”, ông Ivan Tchakarov, nhà kinh tế của chi nhánh ngân hàng Citigroup ở Moscow nhận xét.

Có thể đà tăng trong quý I sẽ được nối dài trong quý II, các công ty Nga không cần tích trữ nhiều USD trước, vì các khoản nợ nước ngoài sẽ giảm 42% so với quý I, bà Tatiana Orlova, nhà kinh tế Nga trưởng tại ngân hàng Royal Bank of Scotland Anh Quốc, phán đoán.

Bà cho rằng tính đến cuối tháng Sáu, bản tệ Nga sẽ tăng 5,1% lên mức 55,4 Rúp đổi 1USD.

Ông Tchakarov tại Citigroup lại không đồng quan điểm. Vì cho rằng giá dầu tiếp tục giảm, ông dự đoán Rúp sẽ mất 13% giá trị trong quý II, xuống còn 67 Rúp đổi 1 USD, trong bối cảnh nguồn cung dầu thô đạt đỉnh và giá tuột xuống 40USD/thùng.