Từ chuyện 'room' ngoại ở STB, vốn ngoại khao khát vào ngân hàng Việt cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – 'Room' ngoại được xem là tài nguyên quý giá của các ngân hàng, đặc biệt là đối với các nhà băng có nhiều dư địa cải thiện NIM (biên lãi thuần) như Sacombank (Mã CK: STB). 

Từ chuyện 'room' ngoại ở STB, vốn ngoại khao khát vào ngân hàng Việt cỡ nào?
Từ chuyện 'room' ngoại ở STB, vốn ngoại khao khát vào ngân hàng Việt cỡ nào?

Theo truyền thông trong nước, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã CK: STB) mới đây đã có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) về vấn đề tỷ lệ sở hữu dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB.

Cụ thể, văn bản này cho biết, ngày 12/11/2015, Sacombank đã được VSD cấp giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán đối với 400 triệu cổ phiếu phát hành do sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam. Theo đó, vốn cổ phần của Sacombank đã tăng từ 1,48 tỉ đơn vị lên 1,88 tỉ đơn vị.

Do phát sinh từ việc niêm yết bổ sung nêu trên, VSD đã ra thông báo kể từ ngày 19/9/2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại STB là 23,63% trên tổng số 1,88 tỉ cổ phiếu niêm yết sau sáp nhập.

Theo Sacombank, cho tới nay, ngân hàng này chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên 30% khi chưa được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ).

Tuy nhiên, theo thông tin về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài do VSD cung cấp, tại ngày 10/2/2023, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu 565,2 triệu cổ phiếu STB, chiếm 29,99% tổng số cổ phiếu niêm yết của Sacombank.

Cập nhật đến ngày 15/2/2023, dữ liệu của VSD thể hiện, 'room' ngoại của cổ phiếu STB ở mức 30%. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ 564,6 triệu cổ phiếu STB, tương đương tỷ lệ sở hữu đạt 29,95%.

Dữ liệu từ HSX cho thấy, cổ phiếu STB đã kín 'room' ngoại từ sau phiên giao dịch ngày 9/2/2023

Dữ liệu từ HSX cho thấy, cổ phiếu STB đã kín 'room' ngoại từ sau phiên giao dịch ngày 9/2/2023

Hấp lực của cổ phiếu ngân hàng

Đối với lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của nhà đầu tư nước ngoài được nhà điều hành giám sát và kiểm soát một cách thận trọng và chặt chẽ.

Năm 2018, khi chấp thuận cho Ngân hàng TMCP Á Châu (Mã CK: ACB) tăng vốn điều lệ từ 11.259 tỉ đồng lên 12.886 tỉ đồng bằng hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, NHNN cũng yêu cầu ACB thực hiện các biện pháp xử lý phù hợp, đảm báo duy trì 'room' ngoại ở mức 30%.

Đến ngày 5/8/2019, ngay trước khi ACB hoàn tất đợt tăng vốn, VSD đã điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại nhà băng này từ 30% xuống 29,71% vốn.

Tới ngày 20 và 21/8/2019, First Burns Investments Limited và Asia Reach Investments Limited đã lần lượt bán ra 513.277 cổ phiếu và 1,29 triệu cổ phiếu ACB, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại nhà băng này xuống còn 5,52% và 4,34% vốn. Động thái này được cho là nhằm đảm bảo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại ACB.

Sau đó, tới ngày 30/8/2019, VSD đã thực hiện điều chỉnh tăng tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại ACB trở lại mức 30%.

Không khó để điểm danh các nhà băng Việt Nam đã cạn 'room' ngoại. Ngoài ACB, ở khối tư nhân, có thể kể tới: Techcombank, VIB, OCB, MBBank, MSB.

Ghi nhận của VietTimes cho thấy, ngay cả khi thị trường chứng khoán chứng kiến những phiên bán tháo trong năm 2022, hiếm khi các nhà băng tốp đầu hở 'room' ngoại.

Do yếu tố kín 'room', nhà đầu tư nước ngoài thường phải thỏa thuận ngoài sàn cộng thêm một phần bù (premium) nhất định. Trong một báo cáo vào tháng 8/2020, một quỹ đầu tư có thâm niên hoạt động tại thị trường Việt Nam từng tiết lộ tỷ lệ premium lên tới 7% đối với cổ phiếu các ngân hàng đang kín 'room' tại thời điểm đó, bao gồm: Techcombank, VPBank và MBBank.

Đối với Sacombank, như VietTimes từng đề cập, nhà băng này đang ở chặng cuối trong hành trình tái cấu trúc.

Cụ thể, theo SSI Research, Sacombank là trường hợp đặc biệt trong ngành ngân hàng trong những năm sắp tới khi là một trong những nhà băng cuối cùng phải xử lý nợ xấu còn lại của chu kỳ tín dụng trước.

Nếu duy trì hiệu quả hoạt động từ quý 3/2022 trở đi, nhóm phân tích dự báo, Sacombank có thể sớm gia nhập câu lạc bộ các ngân hàng thương mại top 1 tại Việt Nam.

Khi ấy, cổ phiếu STB khả năng sẽ được định giá lại, với mức giá cao hơn. Và đối với các nhà đầu tư ngoại, do bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu, cái giá để họ sở hữu cổ phiếu STB có thể sẽ lớn hơn nhiều.

Khối ngoại càng khao khát có cổ phần ở Sacombank, tiềm năng để giới chủ nhà băng này tận dụng dư địa 'room' ngoại để phát hành bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh càng lớn. Nhưng đó là trong kịch bản 'room' ngoại ở Sacombank chưa đạt mức tối đa 30% theo quy định hiện hành./.