|
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller (giữa), Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana (trái) và Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jnr. (Ảnh: SCMP) |
Trong hôm 8/12, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, người nhận khoản đóng góp từ quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Christopher Miller, đã gọi món quà bất ngờ này là “một biểu tượng nồng ấm của khối liên minh giữa Philippines và Mỹ”.
Món quà mới từ Mỹ chỉ là một trong số hàng loạt món quà mà Washington đã trao cho Philippines thời gian qua, trong lúc Mỹ tìm cách để đối trọng Trung Quốc trên Biển Đông.
Những món quà trước đây bao gồm gói vũ khí định hướng có độ chính xác cao với tổng trị giá 18 triệu USD; một Hệ thống Trinh sát cơ không người lái ScanEagle, được trao cho Hải quân Philippines; và khoản tiền 23,4 triệu USD viện trợ các nạn nhân của trận siêu bão mà Philippines vừa phải hứng chịu.
Ông Lorenzana nhấn mạnh rằng “Philippines là nước hỗ trợ lớn nhất quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương”, mặc dù ông không công khai nội dung cuộc nói chuyện giữa ông và ông Miller trong cuộc gặp trước đó.
Một tuyên bố từ văn phòng của ông chỉ nói rằng hai quan chức “đã nhất trí tăng cường cam kết quân sự giữa hai nước” – một cam kết liên quan tới Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) giữa hai nước, từng bị Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hủy vào hồi đầu năm nay và sau đó tham gia lại.
Theo Đại sứ quán Mỹ, ông Miller “đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của khối liên minh Mỹ-Philippines đối với tình hình an ninh quốc gia và an ninh khu vưc, và thảo luận về những cơ hội để tăng cường hợp tác an ninh song phương nhằm duy trì một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do, cởi mở”.
Ngay trước chuyến thăm của ông Miller, một cuộc khẩu chiến đã nổ ra giữa Đại sứ Trung Quốc tại Manila, Huang Xilian, và ông Miller liên quan tới một bài bình luận mà ông Miller viết, đăng tải trên tờ The Philippines Star hôm đầu tuần này.
Trong bài viết, ông Miller nhắc lại chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump, trong đó bao gồm “bác bỏ các hành động đe dọa và gây bất ổn của Trung Quốc trong khu vưc, đặc biệt là ở Biển Đông”.
Ông Miller cũng nói Mỹ coi phán quyết mà Tòa Trọng tài đưa ra vào năm 2016 dựa trên Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS) – trong đó bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông – là “quyết định cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với Trung Quốc và Philippines”.
“Tôn trọng phán quyết đó, Mỹ cực lực bác bỏ các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines” – ông Miller nêu trong bài viết.
|
Ông Miller kiểm tra các thiết bị quân sự mà Mỹ tặng cho Philippines trong hôm 8/12 (Ảnh: SCMP) |
Ông Huang gọi bài viết của ông Miller là “đầy rẫy các cáo buộc vô căn cứ nhằm vào Trung Quốc và ảo tưởng to lớn về Biển Đông” cùng tình hình trong khu vực, thêm rằng “mỹ là bên thúc đẩy lớn nhất hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông và là nhân tố bên ngoài nguy hiểm nhất đe dọa hòa bình và sự ổn định” trong khu vực.
Ông Huang cũng chỉ trích hãng phân tích Asian Maritime Transparency Initiative (AMTI) có trụ sở tại Washington, bên đã công bố một bản báo cáo vào tuần trước nói rằng lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc tăng cường tuần tra ở Biển Đông trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Giám đốc AMTI Greg Poling nói với tờ This Week in Asia rằng: “Chúng tôi chỉ đơn giản là báo cáo về những tín hiệu mà những con tàu đó gửi đi, bởi chúng muốn được trông thấy đang tuần tra trong vùng biển của Philippines. Nếu ngài đại sứ không chấp nhận báo cáo đó, ông ấy nên chuyển nó cho lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc”.
Ông Poling thêm rằng “không có vị quan chức nào ở Philippines phản đối bản báo cáo”.
Còn về chuyến thăm của ông Miller, ông Poling nói rằng nó nhằm mục đích tăng cường “thông điệp về “Ấn Độ-Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở” trong lúc chính quyền hiện tại sắp kết thúc”.
Derek Grossman, chuyên gia phân tích tại Rand Corporation, thì cho rằng ông không rõ mục đích chính của chuyến thăm này.
“Tôi không biết tại sao chính quyền Trump lại làm như vậy trong thời điểm hiện tại” – ông nói – “Nhưng có khả năng họ đang cố gắng cố định chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương – trong trường hợp này là với Philippines, bằng cách củng cố VFA – trước khi đội ngũ của ông Biden nhậm chức”.