T.T. Huế sẽ đưa chuyển đổi số vào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa-di sản Huế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Lần đầu tiên Thừa Thiên Huế sẽ tổ chức hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh văn hóa-di sản”. Sự kiện này diễn ra tại Tuần lễ Chuyển đổi số của địa phương, từ ngày 17/8-19/8.

Đại diện Bộ TT&TT, Viettel, đại diện UBND tỉnh T.T.Huế tại sự kiện "Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh T.T.Huế 2021"
Đại diện Bộ TT&TT, Viettel, đại diện UBND tỉnh T.T.Huế tại sự kiện "Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh T.T.Huế 2021"

Hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số Quốc gia và thực hiện kế hoạch năm 2022, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) sẽ phối hợp tổ chức "Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022" tại TP Huế với chủ đề “Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”.

Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ 17/8 đến hết 19/8) với nhiều hoạt động ý nghĩa và thiết thực.

Ngoài phiên toàn thể với chủ đề “Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”; phiên khai mạc không gian triển lãm ra mắt các nền tảng, giải pháp công nghệ số 5G - Mobifone; Hue – S... , sự kiện còn có hàng loạt hội nghị, toạ đàm chuyên sâu như: “Chuyển đổi số - Phát huy sức mạnh văn hoá, di sản – tạo đà phát triển kinh tế số”; “Chuyển đổi số - Doanh nghiệp SMEs động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số”; “Tư vấn chuyển đổi số các doanh nghiệp SMEs theo 5 chuyên ngành”; “Hue-S đồng hành cùng doanh nghiệp chuyển đổi số”; “Phát triển doanh nghiệp công nghệ số tỉnh Thừa Thiên Huế và tham vấn kế hoạch phát triển Chính quyền số…

Đặc biệt, còn có Diễn đàn Chuyển đổi số - Huế 2022" với sự tham gia của trên 50 diễn giả, hơn 100 lượt doanh nghiệp SMEs đăng ký tham gia tập huấn chuyển đổi số, trên 1.000 lượt đại biểu tham dự hội nghị và trên 3.000 lượt đại biểu tham gia triển lãm.

Là địa phương có nhiều di sản văn hoá nhất cả nước, lần đầu tiên Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo chuyên đề “Chuyển đổi số-phát huy sức mạnh văn hóa-di sản” nhằm bàn thảo các vấn đề chuyển đổi số trong công tác bảo tồn, phổ biến, nâng tầm các giá trị văn hóa-di sản, tiến tới tạo ra những dịch vụ mới, các mô hình kinh tế mới cho Thừa Thiên Huế.

Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút sự tham gia, chia sẻ và tư vấn của lãnh đạo cơ quan quản lý di sản trong nước và quốc tế, các chuyên gia chuyển đổi số, và doanh nghiệp hàng đầu cung cấp công nghệ trong lĩnh vực di sản-văn hóa.

Một góc trung tâm điều hành thông minh IOC Huế

Một góc trung tâm điều hành thông minh IOC Huế

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh công tác chuyển đổi số đến các cơ quan, doanh nghiệp một cách thực chất, hiệu quả, thông qua các chương trình tư vấn chuyển đổi số, chia sẻ kinh nghiệm, và trải nghiệm các giải pháp số, các chuyên gia chuyển đổi số, chuyên gia công nghệ sẽ trực tiếp tham vấn riêng cho các sở, ngành tại Huế xây dựng kế hoạch chuyển đổi số, và tư vấn triển khai.

Dự kiến còn có khoảng 100 doanh nghiệp SMEs theo các lĩnh vực khác nhau sẽ được hướng dẫn chuyển đổi số trực tiếp thông qua các phiên tập huấn dựa trên bộ tài liệu Khung hướng dẫn Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs do VINASA xây dựng.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Tuần lễ Chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế 2022 kỳ vọng sẽ có được những tham vấn, xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong giai đoạn mới của Thừa Thiên Huế nói riêng và các địa phương nói chung, nhằm tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế số - xã hội số.

Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định lấy ngày 10/10 hàng năm là ngày Chuyển đổi số quốc gia. Hiện nay, 60/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm.

Thừa Thiên Huế luôn là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công tác chuyển đổi số. Năm 2020, Huế xếp thứ 2/63 tỉnh thành về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh, xếp hạng 3/63 về cải cách thủ tục hành chính. Nền tảng Hue-S sau 3 năm triển khai đã có gần 900 ngàn tài khoản, 17 triệu lượt truy cập, gần như đã tiếp cận được với hầu hết công dân.

Huế đặt mục tiêu năm 2025 đạt 100% tiêu chí Chính quyền số, hơn 90% dịch vụ công đạt cấp 4, kinh tế số chiếm 15-20% GRDP, 100% cơ quan triển khai Cloud, và có hơn 300 doanh nghiệp công nghệ số.