Năm 2021, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, Công ty Sản xuất Linh kiện bán dẫn Đài Loan (TSMC) cho biết muốn đầu tư vào Đức để xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên ở châu Âu.
Những cuộc thảo luận với một số đối tác địa phương về tính khả thi về một dự án đã bị đình trệ khi bùng phát cuộc chiến Nga - Ukraine. Nhưng nhu cầu ngày càng tăng nguồn cung cấp từ các nhà sản xuất ô tô châu Âu đã thúc đẩy TSMC xem xét lại ý tưởng này.
Trong một bài viết trên Nikkei Asia năm 2021, chủ tịch công ty TSMC Mark Liu cho biết, những cuộc đàm phán vào thời điểm đó đang ở giai đoạn đầu, vì vậy công ty vẫn chưa quyết định, đây có phải là khu vực lý tưởng để thành lập nhà máy sản xuất hay không. Vấn đề đầu tư phụ thuộc vào chuỗi cung ứng địa phương, nhu cầu đối với khách hàng của TSMC, tổng chi phí xây dựng và vận hành các nhà máy.
Tuần trước, Nikkei Asia trong một bài báo cho biết, TSMC đang đàm phán nâng cao với các nhà cung cấp chính về khả năng thành lập nhà máy sản xuất chip châu Âu đầu tiên tại thành phố Dresden của Đức.
Theo dự kiến, đầu năm 2023, công ty Đài Loan sẽ cử một nhóm giám đốc điều hành cao cấp đến Đức để thảo luận về mức độ hỗ trợ của chính phủ đối với nhà máy tiềm năng cũng như năng lực của chuỗi cung ứng địa phương, có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của TSMC.
Nikkei Asia, dẫn những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, chuyến đi sẽ là chuyến công tác thứ hai trong sáu tháng của các giám đốc điều hành TSMC và sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trong ý đồ mở rộng sản xuất, có nên đầu tư hàng tỷ USD vào một nhà máy châu Âu hay không? Nhà máy TSMC có thể bắt đầu xây dựng sớm nhất là vào năm 2024 và dự kiến sẽ có quyết định về nhà máy ngay sau chuyến công tác thứ hai.
Thực tế, quyết định xây dựng nhà máy của TSMC có thể là một động lực lớn đối với Liên minh châu Âu, tương tự như Mỹ, đang nỗ lực cắt giảm sự phụ thuộc vào quá trình nhập khẩu linh kiện bán dẫn từ châu Á. Nikkei Asia viết: “Các cuộc đàm phán của TSMC với một số nhà cung cấp vật liệu và thiết bị tập trung vào việc liệu những doanh nghiệp này có thể thực hiện những khoản đầu tư cần thiết để hỗ trợ nhà máy hay không?”
Sản xuất chip không phải là một quy trình đơn giản, được thực hiện trên hơn 50 loại trang thiết bị như máy in thạch bản và máy khắc, sử dụng hơn 2.000 nguyên vật liệu, bao gồm cả hóa chất và khí công nghiệp. “Chúng tôi sẽ cố gắng hỗ trợ khách hàng của mình. Chúng tôi sẽ không để đối tác đi một mình trong sa mạc,” Nikkei trích lời tuyên bố một giám đốc điều hành của doanh nghiệp, sẽ cung cấp nguyên liệu chính cho nhà máy sản xuất chip tiềm năng TSMC ở Dresden đồng thời cho biết thêm, các nhà cung cấp cũng sẽ cần có sự hỗ trợ của nhà nước.
Nếu TSMC triển khai xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Dresden, công ty sẽ tập trung vào những công nghệ chip 22 nanomet và 28 nanomet, tương tự như những công nghệ dự định sản xuất tại nhà máy đang phát triển cùng Sony ở Nhật Bản.
Trong bối cảnh mở rộng ngành công nghiệp sản xuất chip tiên tiến, ngày 24/12, một nhà lập pháp cấp cao của Nhật Bản đã chia sẻ, TSMC cũng đang xem xét khả năng xây dựng nhà máy thứ hai tại Nhật Bản bên cạnh một cơ sở sản xuất đang xây dựng với trị giá 8,6 tỷ USD.
Yoshihiro Seki, tổng thư ký nhóm các nhà lập pháp đảng cầm quyền về chiến lược ngành công nghiệp chip đang thúc giục chính phủ Nhật Bản, đã cam kết khoản tài trợ tới 476 tỷ yên (3,6 tỷ USD) cho nhà máy TSMC đầu tiên, cung cấp môi trường thuận lợi để đầu tư.
Đầu tháng 12, TSMC xác nhận đang chuẩn bị đầu tư thêm một nhà máy trị giá hàng tỷ USD ở Arizona để mở rộng sản xuất, đáp ứng nhu cầu chip nội địa tại Mỹ. Doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng một nhà máy bán dẫn tiên tiến phía bắc Phoenix, gần một nhà máy sản xuất chip khác của công ty, đã bắt đầu hoạt động vào năm 2021. Cơ sở mở rộng của TSMC sẽ sản xuất chip với công nghệ 3 nanomet tiên tiến, nhưng kế hoạch vẫn chưa được hoàn thiện. Morris Chang, nhà sáng lập và cựu giám đốc điều hành TSMC cho biết.
Theo Tech Wire Asia