|
Công ty sản xuất linh kiện bán dẫn theo hợp đồng lớn nhất thế giới TSMC của Đài Loan. Ảnh WSJ. |
WSJ, trích dẫn những nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho biết, công ty Đài Loan, doanh nghiệp cung ứng chip cho hàng loạt công ty điện tử lớn, bao gồm Apple Inc., đang xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên ở Nhật Bản trên hòn đảo phía nam Kyushu. Nhà máy trị giá hàng tỉ USD được chính phủ Nhật Bản trợ cấp.
Đồng thời, chính phủ Nhật Bản cũng phát đi tín hiệu cho biết, Tokyo muốn TSMC mở rộng ở quốc gia này ngoài một nhà máy đang được xây dựng, nhưng chưa có quyết định nào được đưa ra và TSMC đang nghiên cứu tính khả thi.
Ngành công nghiệp bán dẫn gặp biến động lớn từ năm 2021, khi tình trạng thiếu chip phổ biến gây ảnh hưởng đến tiến trình sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác. Đồng thời, Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc ngày càng lo ngại về sự trỗi dậy của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, sự tập trung sản xuất chip ở Đài Loan, một hòn đảo mà Bắc Kinh tuyên bố là một tỉnh ly khai và sẽ đưa trở về đại lục, kể cả bằng vũ lực.
Nhà máy do TSMC xây dựng tại Nhật Bản là một phần của phản ứng đối với những vấn đề này nhằm thúc đẩy năng lực sản xuất tại một quốc gia đồng minh của Mỹ. Nhà máy này được thiết lập để tập trung sản xuất những chip có độ tinh vi thấp hơn, thường được sử dụng trong ô tô và các linh kiện điện tử như cảm biến, dự kiến sẽ xuất xưởng sản phẩm vào cuối năm 2024. Một công ty cổ phần có tên gọi là Japan Advanced Semiconductor Manufacturing, do TSMC sở hữu phần lớn, đang xây dựng nhà máy.
Trong tình huống mở rộng quy mô ngoài kế hoạch hiện tại, TSMC sẽ xem xét việc xây dựng các nhà máy sản xuất chip tiên tiến hơn ở Kyushu, nguồn tin của WSJ cho biết. Phát ngôn viên TSMC cho biết, việc xây dựng dự án ở Nhật Bản đang được tiến hành thuận lợi và từ chối bình luận về khả năng mở rộng.
Quan chức tại Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, giám sát ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia này cũng từ chối bình luận.
Từng là quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn, Nhật Bản đã tụt lại sau Đài Loan và Mỹ. Các quan chức Tokyo coi đó là mối quan ngại rất lớn về an ninh quốc gia và nỗ lực tìm kiếm nhiều hơn doanh nghiệp sản xuất chip ở quốc gia này, hỗ trợ các nhà sản xuất khác như các công ty sản xuất ô tô, đang rất cần chip nội địa.
Tháng 12/2021, các nhà lập pháp Nhật Bản phê duyệt 774 tỉ yenn, tương đương 5,2 tỉ USD tài trợ để tái xây dựng lại ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, một phần trong mục tiêu của Tokyo là tăng doanh thu chip nội địa lên gần 100 tỉ USD vào năm 2030, gấp ba lần con số năm 2020.
Ngân sách hàng tỉ USD đã được phê duyệt nhằm trợ cấp cho sản xuất chip tiên tiến trong nước. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ trang trải tới một nửa chi phí xây dựng nhà máy TSMC với mức cam kết tối đa tương đương 3,2 tỉ USD.
Những quan chức, tham gia vào dự án TSMC cho biết trợ cấp chính phủ đã giúp khắc phục những hạn chế lớn đối với quá trình xây dựng ở Nhật Bản như nguồn cung cấp điện eo hẹp, nguy cơ động đất cũng như những thảm họa thiên nhiên khác.
Gần đây, nhu cầu về linh kiện bán dẫn suy giảm, một phần là do doanh số bán máy tính cá nhân và điện thoại thông minh chậm hơn sau đại dịch. TSMC tạm dừng kế hoạch đầu tư trong năm 2022, đáp ứng nhu cầu sản xuất chậm lại và chi phí gia tăng.
Tuy nhiên, trong tương lai, TSMC và các nhà sản xuất chip khác có khả năng phải đối mặt với áp lực tăng tỷ trọng sản xuất tại Mỹ và các đồng minh phương Tây. TSMC cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất chip ở Arizona.
Đầu tháng 10, Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với việc sử dụng công nghệ và công cụ Mỹ trong các nhà máy sản xuất bán dẫn của Trung Quốc. TSMC được miễn trừ 1 năm để duy trì hoạt động của các cơ sở tại Trung Quốc.
Theo Wall Street Journal