TS. Lê Đăng Doanh và cảm nhận Tết Việt 10 năm qua

Tết 10 năm trước so với năm nay có những thay đổi tích cực. Tuy nhiên, cũng có những thay đổi làm chúng ta phải suy nghĩ, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết trong cuộc trao đổi đầu năm.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương.

Đã có nhiều tiến bộ đáng ghi nhận

Theo đó, ông Doanh phân tích một trong những điểm tích cực là đời sống người dân đã khá lên rõ rệt, nhà cửa, đời sống được cải thiện, xe máy, ô tô tăng lên nhiều. Các dịch vụ kinh tế thị trường Tết cũng phong phú, đa dạng hơn rất nhiều, giúp cho người dân được vui Tết đầy đủ hơn từ điện hoa, gửi quà Tết từ xa, mua sắm qua mạng... 

Ông Doanh dẫn chứng, trước kia, những ngày cận Tết Nguyên đán hầu như nhà nhà nào cũng bận rộn đều tự lo gói bánh chưng Tết, trẻ con, phụ nữ ngồi rửa lá dong, ngâm đậu, gạo, bóc hành, đàn ông trong gia đình gói bánh chưng, sau đó thức suốt đêm, lo đủ củi để luộc bánh. 

Nhưng đến nay, kinh tế thị trường phát triển, số hộ gia đình tự gói bánh chưng đã giảm đi rất nhiều. Thậm chí thay vì làm cơm cỗ tại gia, nhiều gia đình có điều kiện ở thành phố còn đặt cỗ được cung cấp tận nhà với giá phải chăng, giúp cho những người bận công việc, gia đình neo người vẫn có Tết tươm tất. 

Đặc biệt, các dịch vụ cũng giảm bớt gánh nặng công việc dồn lên các chị phụ nữ, trong những ngày trước Tết phải tất bật, lo toan quá mệt mỏi cho cái Tết.

Cũng theo ông Doanh, thời gian gần đây so với 10 năm trước số người dân được trở về quê để ăn tết tăng lên, dịch vụ máy bay, tàu, xe có cải thiện.

"Tết Việt sau 10 năm có nhiều thay đổi tích cực nhưng cũng có những thay đổi làm chúng ta phải suy nghĩ"

Trẻ con vẫn là trung tâm của gia đình, trong xã hội thì các cháu vui nhất do có quà, có quần áo mới, được bố mẹ cho đi chơi gần xa…Tết vẫn giữ được phong tục xưa, vẫn là Tết của gia đình, gặp gỡ họ mạc, bạn bè.

“Bên cạnh đó cũng có những nét mới đáng chú ý như có một bộ phận giới trẻ, thanh niên thay đổi cách ăn Tết, không ăn theo kiểu cổ truyền, ở nhà đi chúc tết lẫn nhau mà đi chơi xa như đi du lịch trong nước hoặc nước ngoài tăng lên. Xu thế này đang tăng lên cùng với quá trình hội nhập của đất nước và cải thiện thu nhập của người dân”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng cho rằng, vai trò công nghệ thông tin tăng lên rất nhiều trong Tết, số người mua bán, thăm hỏi, chúc Tết, trao đổi ý kiến qua mạng xã hội trong đó có Facebook tăng lên rất nhanh và đây là dấu hiệu tích cực để có mối giao lưu, liên kết mà không cần phải đi lại, lễ giáo đến tận nơi.

Một nét đẹp rất đáng trân trọng là nhiều bạn trẻ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tham gia tình nguyện, quyên góp, giúp đỡ người nghèo, trẻ em vùng cao, người bệnh, người cơ nhỡ có áo ấm mặc, có quà, bánh ăn Tết. 

Cần có chiến lược rõ ràng hơn

“Đó là những phát triển tích cực của Tết so với 10 năm trước đây”, ông Doanh nói. Nhưng, vị chuyên gia cũng nhận định, những mặt hạn chế cần xem xét lại như thời gian nghỉ lễ Tết gần đây tăng lên quá dài, ngoài 9 ngày nghỉ chính thức, nhiều cơ quan trước Tết cán bộ chỉ đến cơ quan để điểm danh rồi "chạy" Tết, công việc bê trễ,  ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả công việc, sản xuất của doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế - xã hội. 

Cụ thể, ông Doanh nhận định rằng, ông đồng ý với việc nghỉ Tết nhưng nghỉ Tết quá dài và cường độ, hiệu quả công việc bị giảm sút nhiều do "chạy" Tết không phải là ưu điểm mà là điều“đáng quan ngại”. 

Việc nghỉ Tết dài ngày đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam do đó nhiều ông chủ người nước ngoài lo lắng cho việc hoàn thành kế hoạch sản xuất và  họ mong muốn có kế hoạch, lịch nghỉ Tết Nguyên đán dự báo trước cho vài năm trong thời gian tới.

Điều nữa được TS. Lê Đăng Doanh đề cập đến là vấn đề quà cáp, biếu xén nhân dịp Tết vẫn rất nghiêm trọng, không có dấu hiệu giảm sút. 

“Chỉ cần thấy số xe ở khắp các địa phương đổ về Hà Nội chúc Tết, tặng quà tăng lên đột biến, dẫn đến kẹt xe, ùn tắc giao thông cho thấy Tết đang bị thương mại hóa và bị lạm dụng. Cũng như nhiều người khác tôi chỉ mong ngày Tết qua đi để cơn ác mộng kẹt xe này chấm dứt sớm”, ông Doanh nói.

Ông Doanh cũng đặc biệt nhấn mạnh, theo những nguồn tin ông có được, người ta đi biếu, tặng, thăm hỏi mang theo rất nhiều tiền Việt, USD, vàng, quà cáp đắt tiền…

Ngoài ra, ông Doanh cũng nhận xét, lễ Tết hiện nay có thêm nhiều những biểu hiện mê tín, mua thần, xin thánh . Ví dụ, như nạn đốt quá nhiều vàng mã, trước đây chỉ đốt mũ nón, quần áo, nay đốt cả điện thoại thông minh, xe máy, ô tô. Thậm chí có người còn đốt cả mỹ nữ để cúng cho tổ tiên… có xu hướng tăng lên chứ không giảm đi. 

Việc rất đông người thuộc đủ mọi lứa tuổi, thành phần xã hội đổ xô đến đền Bà Chúa Kho, chùa Phúc Khánh, đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ… để cúng lễ chứng tỏ họ giảm lòng tin vào lẽ phải, vào sự công bằng trong đời sống thực mà cầu xin vào những thế lực siêu nhiên cho công việc kinh doanh, con đường tiến thân của mình. Đây cũng là mặt trái của các lễ hội bị biến tướng nhiều trong những năm gần đây.

Ông Doanh nhận định rằng, điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh hiện nay quá rủi ro và không rõ ràng, minh bạch do đó người ta không tự tin vào chính họ mà tin vào thế lực siêu nhiên nào đó có thể giúp họ.

“Điều này càng đáng lo ngại khi hội nhập đang đến rất gần, cạnh tranh sẽ rất gay gắt và lúc đó không biết thần thánh có giúp cho Việt Nam tăng được năng lực cạnh tranh không?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

Ông Doanh cũng đề cập đến những hiện tượng tiêu cực diễn ra trong những ngày Tết như chơi bài, đánh bạc ở rất nhiều nơi, vượt biên giới sang Campuchia đánh bạc.

Bia, rượu ngoại dùng ngày càng nhiều hơn, xuất hiện biểu hiện lệch lạc, coi uống nhiều thật nhiều rượu, đến say xỉn là biểu hiện của tình bạn chân thành, dẫn đến tăng thêm tai nạn giao thông, để lại di hại cho sức khỏe.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng, đã đến lúc phải có nghiên cứu toàn diện về kinh tế-xã hội, văn hóa về cái Tết, có kế hoạch về một cái Tết hợp lý hơn, lành mạnh hơn, phân tích khoa học nạn ăn nhậu nay đã nổi tiếng thế giới, gợi ra những  sinh hoạt lành mạnh cần hướng tới để bảo vệ sức khỏe thể chất và tâm hồn. 

Nếu chỉ vì Tết mà số người chết về tai nạn giao thông tăng lên quá cao, số người ngộ độc về rượu tăng vọt, các tệ nạn phát triển thì cần phải có cuộc vận động để có một cái Tết văn minh hơn, văn hóa hơn và lành mạnh hơn. 

Nếu so sánh với các nước phát triển thì mức độ tiêu dùng của Việt Nam trong dịp Tết chỉ tương đương với mức tiêu dùng của các nước đó thôi nhưng để đạt được mức tiêu dùng như vậy,thì xã hội ta đã phải trả cái giá cao hơn nhiều về thời gian, tiền bạc và sinh mạng con người .

“Sức mua trong những ngày Tết chiếm đến 20-30% tổng số tiền bỏ ra trong một năm, có lẽ cũng cần phân tích về sự tiêu dùng hợp lý và hiệu quả hơn”, ông Doanh nhận định.

Vấn đề chênh lệch giàu - nghèo cũng trở nên trầm trọng hơn khi xuất hiện kiểu ăn chơi "trọc phú", xa hoa, khoe giàu, khoe của lố bịch của một số người giàu lên bất chính. Trong khi đó, hàng hóa Tết đưa về các chợ của đồng bào thiểu số có quá nhiều hàng dởm, hàng nhái mà không thấy vai trò của các cơ quan chức năng.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, đã đến lúc Việt Nam cần có chiến lược về Tết, định hướng phát triển một cái Tết lành mạnh giống như các nước khác như Hàn Quốc, Nhật Bản đã làm, giảm gánh nặng cho người phụ nữ. 

“Tết thể hiện rõ đã có sự cải thiện đời sống cho bộ phận khá lớn dân cư nhưng những tác động ngược lại tiêu cực chứng tỏ chúng ta không có chiến lược rõ ràng về mặt văn hóa.

Sự giàu có thể dẫn đến hành vi có tính chất biến dạng, có những sự phát triển không đi đúng hướng và có những điều phù phiếm phản tiến bộ”, nguyên Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương kết luận.

Theo Bizlive