TS. Lê Đăng Doanh nói về vai trò của kinh tế số hậu đại dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kinh tế số sẽ là một trong những giải pháp, động lực thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam vượt qua đại dịch Covid-19, theo TS. Lê Đăng Doanh.
TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ tại buổi toạ đàm ‘Năng lượng cho Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19’
TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ tại buổi toạ đàm ‘Năng lượng cho Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19’

Quan điểm trên được TS. Lê Đăng Doanh chia sẻ tại buổi toạ đàm ‘Năng lượng cho Phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19’ do CLB Café Số tổ chức sáng nay (26/11).

Theo vị chuyên gia kinh tế này, đại dịch Covid-19 đang đặt ra thách thức rất lớn cho xu hướng toàn cầu hoá. Một số quốc gia đã tính đến việc tự chủ nền kinh tế, đáp ứng các nhu cầu tối thiểu về thiết bị, thuốc men, trang thiết bị tối cần thiết cho dân tộc mình.

“Trong bối cảnh đó, chúng ta cần phải cố gắng đa dạng hoá, đa phương hoá, không để phụ thuộc vào quốc gia nào”, ông Doanh nói và đánh giá Việt Nam đang có mối quan hệ tương đối cân bằng giữa các đối tác lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU.

TS. Lê Đăng Doanh kỳ vọng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế thế giới hồi phục, dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng quay trở lại. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách tiếp cận trong kiểm soát dịch Covid-19 cũng là một trong những yếu tố sẽ giúp hỗ trợ nền kinh tế.

Nền kinh tế Việt Nam cũng được dự báo sẽ đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro, như nguy cơ nợ xấu, nợ công, phục hồi lao động, và đặc biệt là ẩn số lạm phát.

Theo ông Doanh, các đợt dịch Covid-19 vừa qua đã ‘bào mòn’ các khoản tiết kiệm của người dân, khiến sức mua giảm sút, dẫn đến tình trạng lạm phát thấp.

Đà phục hồi của nền kinh tế thế giới khiến nhu cầu năng lượng và nguyên vật liệu tăng nhanh, làm tăng giá cả hàng hoá. Điều này đặt ra thách thức kiềm chế lạm phát cho Việt Nam trong năm 2022.

Vị chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải phát triển các vùng động lực, phát huy lợi thế của từng địa phương, tiến hành cải cách hành chính để khơi thông nguồn lực phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cũng cần phải có những chính sách thúc đẩy kinh doanh, cải cách thể chế.

Tuy nhiên, đại dịch cũng góp phần thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội dần làm quen với làm việc và học tập online.

“Chúng ta thu hút FDI bằng lao động giá rẻ, đó không phải là ưu thế bền vững. Ưu thế phải là công nghệ, khoa học và kinh tế số”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh./.