Dự báo: Nền kinh tế số Việt Nam lớn thứ 2 Đông Nam Á vào năm 2030, đạt 220 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Google, Temasek và Bain & Company dự báo nền kinh tế Internet của Việt Nam sẽ đạt 220 tỉ USD về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai Đông Nam Á.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử.
Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​tăng trưởng 31% lên 21 tỉ USD nhờ sự tăng trưởng của thương mại điện tử.

Thông tin trên được công bố trong báo cáo "e-Conomy SEA 2021 - Nền Kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ Kỹ thuật số Đông Nam Á" ra mắt phiên bản thứ 6 bởi Google, Temasek và Bain & Company.

Báo cáo cho biết, năm nay, nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam dự kiến ​tăng trưởng 31% (lên mức 21 tỉ USD)a nhờ sự tăng trưởng 53% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái, dù thị trường du lịch trực tuyến đang thu hẹp, và dự kiến tiếp tục đạt 57 tỉ USD vào năm 2025.

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam từ Báo cáo e-Conomy SEA 2021

Dự báo tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam từ Báo cáo e-Conomy SEA 2021

Từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới và hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Người tiêu dùng kỹ thuật số trước đại dịch trung bình đã sử dụng thêm 4 dịch vụ kỹ thuật số kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Báo cáo cũng chỉ ra, 99% người tiêu dùng kỹ thuật số Việt Nam có ý định tiếp tục sử dụng các dịch vụ trực tuyến trong tương lai; cho thấy mức độ gắn bó rất cao với các dịch vụ, sản phẩm kỹ thuật số của người dùng Việt Nam.

Về các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đông Nam Á, 1/3 số người Việt tham gia ứng dụng kỹ thuật số để kinh doanh tin rằng họ sẽ không thể sống sót sau đại dịch nếu không có các nền tảng kỹ thuật số.

Báo cáo đánh giá, tại Việt Nam, các dịch vụ tài chính kỹ thuật số cũng đang trở thành yếu tố thúc đẩy quan trọng với 95% doanh nghiệp kỹ thuật số hiện chấp nhận thanh toán kỹ thuật số và 67% chấp nhận cho vay kỹ thuật số. Hơn nữa, 70% doanh nghiệp kỹ thuật số dự kiến sẽ tăng cường sử dụng các công cụ tiếp thị kỹ thuật số của họ trong 5 năm tới.

“Qua đại dịch, tôi đã tận mắt chứng kiến người dân Việt Nam kiên cường như thế nào và họ có thể trở thành những người tiếp nhận công nghệ mới nhanh chóng và sáng tạo ra sao. Sự điều chỉnh mới cho dự báo về nền kinh tế Internet của Việt Nam đến năm 2030 cho thấy tiềm năng to lớn của đất nước khi Việt Nam tăng tốc chuyển đổi số" - bà Trâm Nguyễn, Giám đốc Google phụ trách thị trường Lào, Cambodia và Việt Nam, cho biết.

Theo bà Trâm Nguyễn, các dự án mới nhất của Google như Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 và Lập trình Tương lai cùng Google đã cung cấp hiệu quả các khóa đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và các buổi lập trình cho gần một triệu người tại Việt Nam.

Báo cáo e-Conomy SEA hàng năm làm rõ hơn bức tranh tổng quan nền kinh tế Internet trong khu vực, bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Báo cáo đi sâu vào các xu hướng trong năm lĩnh vực hàng đầu gồm thương mại điện tử, truyền thông trực tuyến, vận tải & thực phẩm, du lịch trực tuyến và dịch vụ tài chính kỹ thuật số cùng hai lĩnh vực đang lên – y tế trực tuyến (healthtech) và giáo dục trực tuyến (edtech). Báo cáo cũng đánh giá bối cảnh đầu tư công nghệ trên toàn khu vực và tiết lộ những gì các nhà đầu tư đang tìm kiếm trong môi trường hiện tại.