Truyền thông Trung Quốc cảnh báo Mỹ triển khai chiến hạm mang vũ khí laser tới Nhật nhằm vào PLA

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ thông báo, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Dewey được trang bị vũ khí laser đã đến Yokosuka, Nhật Bản ngày 8/9 và chính thức tham gia đội ngũ tác chiến của hạm đội.
Tàu chiến Mỹ thử nghiệm dùng vũ khí laser tiêu diệt máy bay không người lái (Ảnh: Dwnews).
Tàu chiến Mỹ thử nghiệm dùng vũ khí laser tiêu diệt máy bay không người lái (Ảnh: Dwnews).

Theo Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, chỉ huy của Hải đội tàu khu trục 15, Đơn vị Đặc nhiệm 71 thuộc Hạm đội 7 thông báo khu trục hạm Dewey đã “bổ sung thêm một vũ khí tuyệt vời cho lực lượng ở tuyến trước, giúp tăng thêm năng lực và sức sát thương để Hạm đội 7 có thể bảo vệ lợi ích của Mỹ và các đồng minh, hỗ trợ trật tự quốc tế và một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

USS Dewey (số hiệu DDG-105) là tàu thử nghiệm hạng ngôi sao loại "vũ khí của tương lai" của quân đội Mỹ, từng là bệ đỡ để quân đội Mỹ nhiều lần thử nghiệm các khả năng tối tân như: đã tạm thời lắp đặt các hệ thống vũ khí laser và đạn pháo tốc độ cực cao. Trong thời gian nâng cấp năm 2020, con tàu đã gỡ bỏ hệ thống phòng thủ tầm gần "Phalanx" ở mũi tàu và lắp đặt hệ thống "Giao thoa quang học gây chói lóa" (Optical Dazzling Interdictor, ODIN).

Tàu USS Deway (DDG-105) đã được Mỹ đưa tới bố trí tại Yokosuka hôm 8/9 (Ảnh: Huanqiu).

Tàu USS Deway (DDG-105) đã được Mỹ đưa tới bố trí tại Yokosuka hôm 8/9 (Ảnh: Huanqiu).

Theo các thông tin của báo chí, thiết bị mới với khả năng "gây nhiễu chói lóa" này thực ra là một vũ khí laser có thể gây nhiễu hoặc thậm chí phá hủy các hệ thống phát hiện quang điện tử và hồng ngoại của đối phương. Do đó, việc USS Dewey là tàu quân sự đầu tiên của Mỹ được chính thức trang bị vũ khí laser, và việc bố trí nó ở Nhật Bản được cho là điều hiển nhiên nhằm vào Trung Quốc.

Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ đã nhiều lần "vu khống" PLA sử dụng vũ khí laser làm “mù mắt” máy bay quân sự của Mỹ; vì vậy Lầu Năm Góc sẽ không loại trừ sử dụng vũ khí laser chống lại PLA trong tương lai.

Theo báo cáo, quân đội Mỹ sử dụng hệ thống vũ khí laser ODIN để nhắm vào mối đe dọa ngày càng phổ biến của máy bay không người lái (UAV) bằng cách phát ra luồng tia hồng ngoại gây nhiễu các cảm biến điện tử, phá hoại hệ thống ngắm bắn và thậm chí cả khả năng điều khiển điều hướng của các UAV để đạt được mục đích gây thiệt hại buộc chúng lao xuống biển.

Hệ thống ODIN được lắp đặt trên tàu USS Deway (Ảnh: 163).

Hệ thống ODIN được lắp đặt trên tàu USS Deway (Ảnh: 163).

Vì tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc, chẳng hạn như Dongfeng-26, được cho là cũng sử dụng phương thức dẫn đường bằng tia hồng ngoại, loại vũ khí laser này cũng có thể phát huy tác dụng "tiêu diệt mềm". Hải quân Mỹ có kế hoạch lắp đặt ODIN cho tất cả các tàu và kinh nghiệm thu được từ tàu khu trục USS Dewey sẽ trở thành cơ sở cho việc sửa đổi và phát triển thêm các hệ thống vũ khí laser trên tàu khác.

Trang web National Interest của Mỹ đã tiết lộ rằng ngoài ODIN, Hải quân Mỹ cũng đang phát triển một hệ thống "Hệ thống giám sát ánh sáng lóa tích hợp quang học và laser năng lượng cao" (HELIOS) với công suất đạt tới 60 kilowatt. Nó được lên kế hoạch tích hợp với hệ thống Aegis trên tàu khu trục trong năm 2021. Loại vũ khí laser này có thể tiêu diệt máy bay không người lái, máy bay bay thấp và đốt thủng lỗ trên vỏ tên lửa.

Mỹ thử nghiệm dùng vũ khí laser phá hủy tên lửa hành trình (Ảnh: 163).

Mỹ thử nghiệm dùng vũ khí laser phá hủy tên lửa hành trình (Ảnh: 163).

Ngoài ra, hệ thống "Công nghệ Laser hoàn chỉnh thể rắn" (Solid Laser Technology Maturation, SSL-TM) đang được nghiên cứu phát triển có uy lực mạnh nhất, với công suất lên tới 150 kilowatt (kw). Nó được lên kế hoạch lắp đặt trên các tàu đổ bộ và tàu khu trục. Quân đội Mỹ từng thử nghiệm loại vũ khí này trên tàu vận tải đổ bộ Portland và đã phá hủy thành công một máy bay không người lái.

Quan chức phụ trách dự án thuộc Công ty Lockheed Martin của Mỹ tiết lộ, mặc dù vũ khí laser hiện tại có công suất hạn chế và dễ bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thời tiết như mưa và sương mù, nhưng nó vẫn có một tương lai rất khả quan. Cơ số “đạn” của vũ khí năng lượng định hướng như laser hầu như không có giới hạn. Miễn là nguồn điện trên tàu chiến không bị ngắt, hệ thống laser có thể tiếp tục bắn và sẽ không bao giờ hết “đạn”. Và ngay cả khi không phát ra chùm laser công suất cao, chúng cũng có thể dùng làm cảm biến tình báo, trinh sát và giám sát. Đây là thiết bị cảm biến quang điện chính xác nhất trên tàu chiến.

Ngay từ năm 2012, Mỹ đã thử nghiệm thành công dùng vũ khí laser diệt máy bay không người lái (Ảnh: 163).

Ngay từ năm 2012, Mỹ đã thử nghiệm thành công dùng vũ khí laser diệt máy bay không người lái (Ảnh: 163).

Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết, ngay cả khi các vũ khí laser hiện có không thể bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa trong giai đoạn bay giữa trên bầu khí quyển bên ngoài trái đất, ít nhất chúng cũng có thể giúp hệ thống chống tên lửa "Standard-3" nhắm mục tiêu hoặc xác định loại mục tiêu đó.

Theo Thời báo Hoàn cầu, tàu USS Dewey được lắp đặt vũ khí laser vào năm 2013. Đến năm 2020, đã được lắp đặt thay thế bằng hệ thống ODIN mới hơn, có thể gây nhiễu hoặc thậm chí phá hủy quang điện tử và hệ thống phát hiện mục tiêu bằng hồng ngoại của đối phương. Báo này viết: “USS Dewey vội vã được đưa đến Nhật Bản ngay sau khi nó được trang bị lại, không thể loại trừ khả năng Dewey sẽ là nơi đầu tiên sử dụng vũ khí laser để chống lại PLA”.

Hệ thống vũ khí laser "Vệ sĩ tầm thấp" của Trung Quốc (Ảnh: Huanqiu).

Hệ thống vũ khí laser "Vệ sĩ tầm thấp" của Trung Quốc (Ảnh: Huanqiu).

Trung Quốc cũng đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực vũ khí laser. Năm 2015, Trung Quốc công khai trình làng hệ thống vũ khí laser "Vệ sĩ tầm thấp" có sức công phá tối đa 10 kilowatt, với mục tiêu chính là các thiết bị bay nhỏ, tầm thấp, và tốc độ chậm. Năm 2017, Trung Quốc đã trưng bày hệ thống phòng không laser tầm thấp gắn trên xe mang tên "Thợ săn im lặng" tại Triển lãm Quốc phòng Abu Dhabi, công suất từ ​​30 kw đến 100 kw, tầm bắn tối đa 4 km và có thể đốt cháy 5 lớp thép dày 2 mm ở độ cao 800 mét, có thể cháy xuyên qua tấm thép dày 5 mm ở khoảng cách 1 km.

Truyền thông Trung Quốc trấn an rằng, mặc dù tàu chiến laser của quân đội Mỹ được đưa tới tại Nhật Bản nghe có vẻ rất "đáng sợ", nhưng trên thực tế, khả năng nhắm vào Trung Quốc là có hạn. Nếu cần, Trung Quốc cũng có thể lắp đặt vũ khí laser giống như vậy trên các tàu khu trục bất cứ lúc nào. Một thông tin được lan truyền rộng rãi là Trung Quốc sẽ lắp đặt vũ khí laser mạnh hơn hoặc pháo điện từ trong đợt sửa đổi giai đoạn sau tàu khu trục cỡ vạn tấn Type 055.