Ngay sau khi Tổng thống Obama công bố quyết định dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam tại Hà Nội, báo Mỹ Washington Post gọi đây là quyết định lịch sử. Washington Post bình luận động thái chính quyền Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam cho thấy mối quan hệ song phương ngày càng được thắt chặt giữa hai nước cựu thù.
Tạp chí The Diplomat (Nhật Bản) cũng đánh giá động thái này mang tính lịch sử khi Tổng thống Obama thông báo quyết định xóa bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí trong chuyến thăm lần đầu tiên của ông tới Việt Nam. Trong bài phát biểu của mình, ông Obama tuyên bố việc dỡ bỏ hoàn toàn phù hợp với hai thập kỷ bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ và thay đổi này sẽ bảo đảm cho Hà Nội “tiếp cận các thiết bị cần thiết để tự vệ”. Diplomat cũng ghi nhận giới chức Việt Nam từ lâu đã nói rằng bước đi này sẽ là thể hiện cho quan hệ song phương Việt-Mỹ trở nên hoàn toàn bình thường.
Tờ Nikkei (Nhật Bản) bình luận quyết định dỡ bỏ cấm vận vũ khí suốt 41 năm qua với Việt Nam đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Barack Obama. The Guardian, Fox News cũng đưa tin về quyết định mang tính lịch sử này. Theo Guardian, sau khi công bố dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí, Tổng thống Mỹ còn nhấn mạnh mong muốn quân đội hai nước sẽ hợp tác sâu sắc hơn nữa.
Reuters dẫn lời Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói trong cuộc họp báo chung giữa hai nhà lãnh đạo rằng "Việt Nam hoan nghênh việc Hoa Kỳ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam". Hãng BBC dẫn lời Tổng thống Mỹ tuyên bố, đây là động thái để xóa bỏ "tàn dư của chiến tranh Lạnh".
Nhật báo lớn nhất nước Pháp Le Monde nêu rõ mặc dù ông Obama nói việc dỡ bỏ triệt để cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam không liên quan vấn đề Trung Quốc, nhưng rõ ràng đây là một thông điệp mạnh mẽ gửi tới Bắc Kinh trong bối cảnh tranh chấp Biển Đông leo thang căng thẳng.
Hai tờ báo Pháp La Croix và Le Figaro điểm lại những chuyến công du trước đây của cựu tổng thống Bill Clinton, người đã mở đầu cho thời kỳ bình thường hóa quan hệ giữa hai cựu thù, tiếp theo là tổng thống George W. Bush. Theo La Croix, chưa bao giờ Trung Quốc lại đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ gần nhau hơn như bây giờ. Le Figaro nhận định, tổng thống Obama có ba ngày để vận động cho chiến dịch tái cân bằng tại châu Á của Washington.
cả La Croix và Le Figaro có chung quan điểm rằng Hà Nội đang muốn đa dạng hóa các đồng minh của mình để tránh bị phụ thuộc vào vũ khí của Nga. Theo Le Figaro, từ tuần trước, rất nhiều tập đoàn quốc phòng Mỹ đã đến Hà Nội, như Lockheed Martin, để đàm phán các hợp đồng với Việt Nam. Trên bàn đàm phán là các hợp đồng về việc bán máy bay trinh sát P3-Orion mà Hà Nội muốn trang bị để theo dõi tàu ngầm của Trung Quốc ngoài khơi Biển Đông.
Ngoài các tập đoàn Mỹ, nhiều nhà sản xuất vũ khí châu Âu cũng nỗ lực hiện diện tại Việt Nam. Hà Nội đang nghiên cứu một số khả năng mua chiến đấu cơ Rafale của Pháp hay Gripen của Thụy Điển.
South China Morning Post (SCMP) bình luận, Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận năm 2014, nhưng Việt Nam muốn dỡ bỏ hoàn toàn trong bối cảnh Trung Quốc ráo riết bồi lấp, xây đảo và quân sự hóa Biển Đông.
Theo SCMP, việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí có thể sẽ khiến Trung Quốc nổi giận do Bắc Kinh đã nghi ngại về các mối quan hệ quân sự của Mỹ ngày càng được tăng cường tại khu vực Trung Quốc tự xem là của nước này.
“Hoan nghênh Việt Nam cải thiện quan hệ với bất kỳ nước nào, bao gồm cả Mỹ. Tuy nhiên, một sự xích gần như vậy không nên được Mỹ sử dụng như một công cụ để đe dọa thậm chí hủy hoại lợi ích chiến lược của nước thứ ba”, Tân Hoa Xã đăng bài bình luận gay gắt.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc cũng cảnh báo Việt Nam nên thận trọng trong quan hệ với Mỹ vốn có động cơ không chân thành. “Tạo nền tảng công nghiệp và quân sự cho Việt Nam, Mỹ tin rằng quốc gia Đông Nam Á (ám chỉ Việt Nam) thích hợp để giúp Washington giành chiến thắng trong vấn đề Biển Đông”, Tân Hoa Xã nhận xét trong bài xã luận.
Tuy nhiên, ông Obama đã tách biệt quyết định cho phép bán vũ khí cho Việt Nam với những lo ngại về tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. “Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí không liên quan Trung Quốc…mà dựa trên mong muốn của chúng tôi nhằm hoàn tất tiến trình bình thường hóa quan hệ lâu dài với Việt Nam. Cả hai bên đã phát triển một cấp độ lòng tin và hợp tác, bao gồm quân đội của chúng ta”, ông Obama tuyên bố.
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đã hoan nghênh lệnh cấm thuộc về chiến tranh lạnh liên quan việc xuất khẩu vũ khí sát thương. Chuyến thăm của ông Obama diễn ra sau khi Lầu Năm Góc cáo buộc chiến đấu cơ Trung Quốc chặn đuổi nguy hiểm một máy bay trinh sát Mỹ ở Biển Đông, SCMP ghi nhận.
Ông Obama là tổng thống Mỹ thứ ba thăm Việt Nam kể từ khi hai nước khôi phục quan hệ vào năm 1995. Xây dựng quan hệ hợp tác ngoại giao và quân sự chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương là một trụ cột trong chính sách đối ngoại của ông. Bên cạnh Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Obama còn gặp Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
SCMP đánh giá, ông Obama tỏ ra là một người thực tế đã chọn cách cân bằng giữa lợi ích chiến lược và vấn đề nhân quyền trong chuyến thăm Việt Nam. Giới chức Mỹ không chỉ tìm biểu hiện Việt Nam nghiêm túc coi trọng vấn đề nhân quyền. Họ còn muốn một cam kết mở rộng hợp tác quân sự, bao gồm cho Mỹ tiếp cận các hải cảng như vịnh chiến lược Cam Ranh và tham gia các cuộc tập trận hải quân chung của khu vực.
SCMP ghi nhận, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là một nguồn nhập khẩu. Tuy nhiên trao đổi thương mại với Mỹ đã tăng gấp 10 lần trong hai thập kỷ qua liên tới 45 tỷ USD và Việt Nam hiện nay là quốc gia Đông Nam Á xuất khẩu vào Mỹ nhiều nhất.
Điểm nhấn cho quan hệ thương mại nảy nở giữa hai nước Việt-Mỹ là việc hãng hàng không VietJet Air ký hợp đồng mua 100 máy bay Boeing trị giá 11,3 tỷ USD. Tại trung tâm thương mại khổng lồ là TP HCM, ông Obama sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp và thúc đẩy Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong 12 thành viên.