|
Ngày 15/1, tại Nhà Trắng, hai ông Donald Trump và Lưu Hạc đã ký hiệp định thương mại Mỹ - Trung giai đoạn đầu, nhưng giới truyền thông cho rằng các vấn đề gay cấn nhất trong quan hệ kinh tế, thương mại hai bên chưa được giải quyết (Ảnh: Reuters) |
Truyền thông phương Tây cho rằng, mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận, Hoa Kỳ vẫn sẽ áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 360 tỷ USD, tương đương với 3/4 lượng hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Mỹ. Đây chẳng qua chỉ là một “thỏa thuận đình chiến yếu ớt” giữa hai bên...
Financial Times (Anh) cho rằng, phạm vi của hiệp định vừa ký rất hạn chế, không giải quyết được một số nguyên nhân lớn nhất gây nên căng thẳng giữa hai nước, bao gồm các vấn đề như cáo buộc của Mỹ về việc Trung Quốc “trộm cắp mạng lưới thương mại” và “chính phủ Trung Quốc lạm dụng trợ cấp công nghiệp”...
|
Hai ông Donald Trump và Lưu Hạc bắt tay nhau sau khi ký văn bản (Ảnh: Reuters)
|
Thỏa thuận giữ lại hầu hết thuế quan của Mỹ đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, tạm thời tránh nguy cơ leo thang thêm. Tuy nhiên, thỏa thuận bao gồm một cơ chế thực thi, theo đó Mỹ có thể tiếp tục tăng thuế nếu nước này cho rằng Trung Quốc vi phạm các cam kết.
Trước khi Mỹ và Trung Quốc ký hiệp định, ông Lawrence Kudlow, cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, nói trong một cuộc phỏng vấn với CNBC vào ngày 15/1 rằng, việc giảm hay miễn thuế sẽ phụ thuộc vào tương lai thực hiện hiệp định của Trung Quốc.
Ông Kudlow nói, theo hiệp định thương mại giai đoạn đầu, nếu việc thực hiện thất bại, Hoa Kỳ sẽ áp dụng hành động tương xứng mạnh mẽ.
CNBC nhận xét rằng hiệp định thương mại giai đoạn đầu tiên chỉ đạt được thỏa thuận ngừng bắn không ổn định giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng ngay cả sau khi đã được hòa hoãn, các nhà phân tích vẫn cho rằng căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại khác nhau sẽ tăng lên.
|
Văn bản hiệp định đã được ký bởi hai đại diện hai chính phủ (Ảnh: Reuters)
|
Trong hiệp định thương mại, cả hai bên đã đạt được một số chiến thắng rõ ràng, chẳng hạn như Mỹ gia tăng xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng một số vấn đề gay cấn nhất vẫn chưa được giải quyết.
Các nhà phân tích chiến lược cho rằng quan hệ Mỹ - Trung sẽ vẫn căng thẳng về các vấn đề như mạng, an ninh quốc gia và nhân quyền... và những vấn đề này sẽ không tự biến mất.
Hãng Reuters đưa tin, các nhà phân tích và lãnh đạo ngành công nghiệp cho biết thỏa thuận không thể giải quyết được các vấn đề cấu trúc kinh tế dẫn đến xung đột thương mại Trung - Mỹ, không thể loại bỏ hoàn toàn thuế quan ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, lại còn đặt ra các mục tiêu mua sắm khó có thể thực hiện được.
Mỹ vẫn sẽ áp dụng mức thuế 25% đối với một loạt các sản phẩm công nghiệp Trung Quốc và phụ tùng của các nhà sản xuất Mỹ trị giá 250 tỷ USD và mức thuế trả đũa đối với các sản phẩm của Mỹ trị giá hơn 100 tỷ USD.
Đài BBC cho biết hầu hết các loại thuế vẫn còn tồn tại, điều này khiến các tổ chức kinh doanh kêu gọi Trung Quốc và Hoa Kỳ đàm phán thêm.
Bloomberg nói, thỏa thuận bị chỉ trích vì thiếu các nội dung quan trọng. Mỹ không nhắc đến điều lâu nay vẫn tuyên bố rằng Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các công ty và cơ quan chính phủ Mỹ và cũng không yêu cầu Trung Quốc cải tổ các khoản trợ cấp nhà nước khổng lồ nữa.
|
Phát biểu sau khi ký hiệp định, Tổng thống Donald Trump tuyên bố: sau đây sẽ còn hiệp định thương mại giai đoạn hai (Ảnh: Reuters)
|
The Wall Street Journal viết, Mỹ vẫn sẽ áp dụng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá khoảng 370 tỷ USD, tương đương với 3/4 hàng nhập khẩu của Trung Quốc từ Hoa Kỳ.
Việc cắt giảm thuế có thể sẽ được dành cho các cuộc đàm phán trong tương lai, liên quan đến một loạt các vấn đề khó khăn cốt lõi của cuộc chiến thương mại, bao gồm trợ cấp của Trung Quốc cho các công ty trong nước và sự giám sát của chính phủ Trung Quốc đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Truyền thông Nhật Bản cũng cho rằng, Trung Quốc dường như đang nhượng bộ rất nhiều, nhưng phân tích chỉ ra rằng bản hiệp định chưa chạm đến các lĩnh vực lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Asahi Shimbun ngày 16 tháng 1 viết, văn bản hiệp định được Trung Quốc và Mỹ công bố bao gồm: bảo vệ sở hữu trí tuệ, cấm cưỡng bức chuyển giao công nghệ, mua thêm nông sản Mỹ, mở cửa thị trường tài chính, cấm thao túng tỷ giá, mở rộng nhập khẩu các sản phẩm và dịch vụ của Mỹ, đánh giá việc thực hiện hiệp định của nhau và cơ chế giải quyết tranh chấp để đảm bảo thực hiện các thỏa thuận.
Asahi Shimbun chỉ rõ, nội dung chính của thỏa thuận đều là các vấn đề mà Trung Quốc dễ dàng nhượng bộ và những nội dung này sẽ không có ảnh hưởng đến chính sách công nghiệp do nhà nước lãnh đạo của Trung Quốc.
Báo này cũng viết rằng, trợ cấp công nghiệp khổng lồ và tấn công mạng là những vấn đề khó khăn để phía Trung Quốc đưa ra nhượng bộ, sẽ được để lại cho hiệp định giai đoạn hai giải quyết.
Sankei Shimbun ngày 16/1 cũng cho rằng thỏa thuận này về căn bản không đề cập đến vấn đề trợ cấp của Trung Quốc cho các ngành công nghiệp công nghệ cao và các doanh nghiệp nhà nước; các vấn đề có tính cải cách cơ cấu như trợ cấp công nghiệp đã được gác lại.
|
Hiệp định thương mại giai đoạn đầu Mỹ - Trung đã được ký nhưng Mỹ vẫn tiếp tục đánh thuế đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ (Ảnh: Reuters)
|
Nihon Keizai Shimbun trực tiếp chỉ ra rằng Trung Quốc từ chối sửa đổi căn bản các chính sách công nghiệp và Mỹ cũng tiếp tục áp thuế đối với gần 70% hàng hóa Trung Quốc, “thỏa thuận đình chiến Trung - Mỹ đã được xây dựng trên lớp băng mỏng”.
Điều đáng chú ý nhất là các quan chức thương mại của Mỹ, Nhật Bản và Liên minh Châu Âu (EU) đã gặp nhau tại Washington vào ngày 13/1 để thảo luận về các chính sách thương mại phi thị trường và vấn đề trợ cấp của Trung Quốc. Hãng Reuters của Anh nhận xét rằng cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản và EU có tác dụng chống đỡ trong việc ký kết hiệp định thương mại giai đoạn đầu Mỹ - Trung.
Cũng có phân tích chỉ ra rằng Mỹ, Nhật Bản và EU đã tuyên bố đạt sự đồng thuận đề xuất thiết lập các quy tắc toàn cầu về trợ cấp công nghiệp, điều này sẽ gây nên áp lực lớn hơn đối với Trung Quốc.
Mặt khác, sau khi hiệp định được ký kết, Mỹ sẽ giảm mức thuế quan trong “lần tăng thuế thứ tư” trị giá 120 tỷ USD đối với sản phẩm Trung Quốc được đưa ra vào tháng 9 năm 2019 xuống còn 7,5%; trong khi đợt thuế thứ nhất đến thứ ba là 250 tỷ USD sẽ tiếp tục duy trì ở mức 25%. Tức là, Mỹ sẽ tiếp tục duy trì mức thuế ban đầu áp dụng đối với hai phần ba hàng hóa Trung Quốc.
Ông Trump nói tại lễ ký kết hiệp định rằng “Ngay sau khi đạt được hiệp định giai đoạn hai, mức thuế trước đó sẽ được bãi bỏ ngay lập tức”. Ông cũng nói: “Để không mất các con bài thương lượng, thuế quan sẽ được duy trì cho đến khi có được hiệp định giai đoạn hai”. Donald Trump tuyên bố thêm rằng hiệp định giai đoạn thứ hai “có thể là sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11”.
Tuy nhiên, theo Lianhe Zaobao của Singapore ngày 16/1, “Liên minh người Mỹ ủng hộ thương mại tự do” bao gồm hơn 150 công ty phản đối thuế quan đã chỉ ra rằng giai đoạn đầu tiên của hiệp định thương mại Trung - Mỹ sẽ không ích gì trong việc làm giảm bớt gánh nặng thuế quan hàng tỷ USD của các công ty Mỹ. Người phát ngôn của liên minh này nói: “Phần lớn thuế quan được chi trả bởi người Mỹ chứ không phải người Trung Quốc và những mức thuế này sẽ vẫn tồn tại và tiếp tục gây hại cho nền kinh tế Mỹ”.