Truyền thông quốc tế bàn về Luật Cảnh sát vũ trang mới của Trung Quốc

VietTimes – Ngày 20/6, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký lệnh công bố Luật Cảnh sát vũ trang mới sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 21/6/2020.
Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc đã được tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật Vũ cảnh mới (Ảnh:Apolo).
Cảnh sát Vũ trang Trung Quốc đã được tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn theo Luật Vũ cảnh mới (Ảnh:Apolo).

Tăng thêm sự hợp tác với PLA để tranh chấp trên biển

Theo trang tin Đông Phương của Hồng Kông ngày 21/6, hội nghị Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) hôm 20 đã bỏ phiếu thông qua "Luật Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Cộng hòa nhân dân Trung Hoa" mới được sửa đổi (gọi tắt là Luật Vũ cảnh), trong đó quy định rõ Cảnh sát Vũ trang chịu trách nhiệm thực thi quyền chấp pháp trên biển thông qua lực lượng Cảnh sát biển (Hải cảnh). Truyền thông Nhật Bản hôm Chủ nhật (21/6) cho rằng động thái này ở Trung Quốc đại lục sẽ tăng cường sự hợp tác giữa Cảnh sát biển và quân đội (PLA), với mục đích tăng cường áp lực lên Biển Đông, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản và Đài Loan.

Theo thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thì dự luật này đã được trình từ cuối tháng 4/2020. Tư lệnh lực lượng CSVT Vương Ninh đã giải trình về văn bản, cho rằng Luật Vũ cảnh cũ ban hành ngày 27/8/2009 nay đã không còn đáp ứng được với sự phát triển của tình hình, cần phải sửa đổi, hoàn thiện.

Các quy định chung của Luật Vũ cảnh mới quy định rõ rằng Lực lượng Cảnh sát Vũ trang chịu trách nhiệm tuần tra, xử lý các trường hợp khẩn cấp, chống khủng bố, thực thi pháp luật trên biển, cứu hộ, tác chiến phòng vệ. Đặc biệt lập riêng chương “Nhiệm vụ” để cụ thể hóa phạm vi nhiệm vụ, tăng thêm nhiệm vụ xử lý các tình huống khẩn cấp, chống khủng bố và cứu nạn cứu hộ khẩn cấp, thực thi pháp luật và các nhiệm vụ tác chiến trên biển.

Theo Đông Phương, "Luật Vũ cảnh" mới được sửa đổi quy định rõ ràng cảnh sát vũ trang trong thời chiến chịu sự chỉ huy của Quân ủy trung ương hoặc 5 Bộ Tư lệnh các Chiến khu; các tàu của Cục Hải cảnh tham gia các hoạt động tác chiến quân sự trong thời chiến, trong thời bình thì tiến hành diễn tập chung với quân đội (PLA) và thực thi các hành động cứu hộ khẩn cấp.

Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và Nhật Bản so kè nhau trên vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Ảnh: Nikkei).
Tàu Cảnh sát biển Trung Quốc và Nhật Bản so kè nhau trên vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku (Ảnh: Nikkei).

The Nihon Keizai Shimbun (hay Nikkei – Tin tức kinh tế Nhật Bản) ngày 21/6 cho rằng, Luật Vũ cảnh mới đã tăng thêm  sự hợp tác giữa lực lượng cảnh sát biển với quân đội nhằm gây thêm sức ép ở Biển Đông, quần đảo Điếu ngư/Senkaku và Đài Loan.

Báo này đề cập, bà Thái Anh Văn sau khi tái cử người đứng đầu chính quyền Đài Loan đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc đại lục và củng cố quan hệ Đài Loan với Mỹ. Nikkei lưu ý, trong kế hoạch lập pháp năm 2020 công bố tháng 12/2019, Quốc hội Trung Quốc không đưa việc sửa đổi Luật Vũ cảnh vào; nhưng sau đó Trung Quốc bất ngờ đưa vào nghị trình, việc này có thể liên quan đến việc gây áp lực đối với Đài Loan. Nikkei cũng cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đại lục coi Đài Loan, quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và Biển Đông là các lợi ích cốt lõi không thể nhượng bộ. Bây giờ là lúc họ một lần nữa gia tăng lập trường cứng rắn trên biển, hoặc họ muốn nhân cơ hội lúc Mỹ đang bận rộn với các vấn đề nội bộ để tăng cường chuẩn bị, tranh giành quyền bá chủ trên biển bằng cách để Cảnh sát biển hợp tác với hải quân nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trên biển.

Cảnh sát Vũ trang, lực lượng được Quân ủy Trung Quốc lãnh đạo trực tiếp

Lực lượng Cảnh sát Vũ trang Nhân dân Trung Quốc (gọi tắt là Vũ cảnh; tên tiếng Anh là Chinese People's Armed Police Force, viết tắt là PAP) được thành lập ngày 19/6/1982 và là một trong những thành phần của Lực lượng Vũ trang Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, do Quân ủy Trung ương Trung Quốc lãnh đạo thông qua Tổng bộ Cảnh sát Vũ trang.

Lực lượng Vũ cảnh cơ động chống khủng bố (Ảnh: weibo).
Lực lượng Vũ cảnh cơ động chống khủng bố (Ảnh: weibo).

Lực lượng Cảnh sát vũ trang bao gồm lực lượng Vũ cảnh bảo vệ nội bộ, lực lượng Vũ cảnh cơ động, Cảnh sát biển, các học viện và các cơ quan  nghiên cứu khoa học.

Lực lượng Cảnh sát vũ trang khác với Cảnh sát nhân dân chịu trách nhiệm về an ninh hàng ngày. Lực lượng Cảnh sát vũ trang, với tư cách là một lực lượng bán quân sự, được quản lý quân sự hóa hoàn toàn như Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA). Chức năng của nó tương đương với lực lượng hiến binh của các quốc gia phương Tây. Các nhân viên phi dân sự trong Lực lượng cảnh sát vũ trang đều là quân nhân. Quân phục Vũ cảnh giống như PLA, chỉ khác về màu sắc, cấp hàm giống như PLA, biên chế tổ chức tương đương cấp Đại quân khu, Tư lệnh và Chỉnh ủy có cấp hàm Thượng tướng.

Cơ quan cao nhất của Vũ cảnh là Tổng bộ, với các cơ quan: Bộ Tham mưu, Bộ Công tác chính trị, Bộ Hậu cần, Bộ Trang bị, Ủy ban kiểm tra kỷ luật (Ủy ban Giám sát).

Trước khi tiến hành cải cách năm 2017, Lực lượng Cảnh sát vũ trang cơ động có 14  sư đoàn bộ binh loại B được chuyển từ PLA sang năm 1996. Sau khi cải cách lập thành hai Tổng đội Vũ cảnh cơ động số 1 và số 2.  

Trung Quốc có đội tàu hải cảnh lên tới hơn 300 chiếc, thực sự là lực lượng hải quân thứ hai trên biển (Ảnh: chinatimes).
Trung Quốc có đội tàu hải cảnh lên tới hơn 300 chiếc, thực sự là lực lượng hải quân thứ hai trên biển (Ảnh: chinatimes).

 Hải cảnh – lực lượng Hải quân thứ hai của Trung Quốc trên biển

Tháng 3/2013, căn cứ Kế hoạch cải cách thể chế và chuyển đổi chức năng của Quốc Vụ viện Trung Quốc được thông qua tại phiên họp thứ nhất Quốc hội khóa 12, Chính phủ Trung Quốc đã gộp các lực lượng giám sát hàng hải (Hải giám); cảnh sát biên phòng trên biển (Hải cảnh) thuộc Bộ Công an; Ngư chính thuộc Bộ Nông nghiệp và cảnh sát chống buôn lậu trên biển thuộc Tổng cục Hải quan, hợp nhất thành Cục Cảnh sát biển Trung Quốc (Cục Hải cảnh). Cục Cảnh sát biển Trung Quốc và Cục Hải dương Nhà nước là một cơ quan nhưng có hai biển tên, hoạt động dưới sự hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an Trung Quốc.  

Ngày 21/3/2018, theo "Kế hoạch cải cách cơ cấu của Đảng và Nhà nước", lực lượng Cảnh sát biển đã được chuyển đến trực thuộc Lực lượng cảnh sát vũ trang (Vũ cảnh).

Ngày 22/6/2018, Cảnh sát biển được chính thức đặt dưới quyền lãnh đạo chỉ huy của Tổng bộ Cảnh sát Vũ trang và được tổ chức lại thành Tổng đội Cảnh sát Biển và gọi là Cục Hải cảnh Trung Quốc.

Từ ngày 1/7/2018, toàn bộ lực lượng cảnh sát biển đã được đặt dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Cảnh sát Vũ trang. Trong giai đoạn chuyển tiếp, các tổng đội cấp tỉnh thuộc Cục Cảnh sát biển Trung Quốc trước đây được điều chỉnh thành tổng đội cảnh sát biển cấp tỉnh của Cảnh sát vũ trang.

Năm 2019, việc thành lập các đơn vị trực thuộc đã hoàn thành. Sau cải cách, Tổng đội Hải cảnh/ Cảnh sát Vũ trang đã thành lập các Bộ Chỉ huy Bắc Hải, Bộ Chỉ huy Đông Hải và Bộ Chỉ huy Nam Hải. Các Tổng đội Hải cảnh cấp tỉnh được tổ chức lại thành Chi đội Hải cảnh của Cảnh sát vũ trang cấp tỉnh gọi theo tên tỉnh (khu tự trị, thành phố trực thuộc trung ương). Các đơn vị hành chính cấp huyện các tỉnh ven biển được thành lập các Đại đội Cảnh sát biển hoặc Trạm cảnh sát biển.

Giới quan sát quốc tế nhận xét, với Luật Vũ cảnh mới sửa đổi, Hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc đã thực sự là “lực lượng hải quân thứ hai của Trung Quốc” trên biển.

Trang web tin tức 163.com của Trung Quốc cho biết, theo dữ liệu chính thức, hiện tại, cảnh sát biển của Trung Quốc có hơn 300 tàu thực thi pháp luật trên  biển với nhiều loại khác nhau và ngày càng có nhiều tàu cảnh sát biển có trọng tải lớn liên tục được chế tạo. Ví dụ mới đây, 3 con tàu Type 818 đã được chuyển giao cho lực lượng hải cảnh. Mặc dù đó là tàu cảnh sát biển Type 818, nhưng thực tế, đó thực ra là một phiên bản được gỡ bớt trang bị của tàu khu trục Type 054. Ngoại trừ không có hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng, nó giống y như tàu khu trục Type 054.

Trung Quốc có hai tảu cảnh sát biển lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12 ngàn tấn (Ảnh: CNS).
Trung Quốc có hai tảu cảnh sát biển lớn nhất thế giới với lượng giãn nước 12 ngàn tấn (Ảnh: CNS).

Ngoài ra, Hải cảnh Trung Quốc còn sở hữu tàu 2 cảnh sát biển lớn nhất thế giới (mang số hiệu 2901 và 3901). Theo dữ liệu chính thức, các tàu cảnh sát biển này có lượng giãn nước 12.000 tấn. Tàu được trang bị pháo hạm bắn nhanh 76 mm và 2 pháo phụ, 8 thủy pháo (vòi rồng) áp lực cao, 6 súng máy phòng không, hai súng máy phòng không 30mm 6 nòng tầm gần; có thể mang theo 2 máy bay trực thăng, nhiều hệ thống đối kháng điện tử khác nhau; các radar, sonar loại tiên tiến nhất, gần như là một con tàu khu trục cỡ vạn tấn Type 055 chỉ thiếu hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng mà thôi.

Một số nhà bình luận quân sự chỉ ra rằng các tàu hải cảnh của Trung Quốc thậm chí còn mạnh hơn các tàu chiến có cùng trọng tải ở một số khía cạnh. Các tàu hải cảnh do Trung Quốc chế tạo đều có mức độ tăng cường khác nhau về cấu trúc thân tàu, đặc biệt là khả năng chống va chạm. Chúng kết cấu rất mạnh và hầu hết các tàu này được chế tạo theo tiêu chuẩn tàu chiến, vì vậy nếu nảy ra chiến tranh, có thể nhanh chóng chuyển đổi hoàn toàn thành tàu chiến!