Tạp chí điện tử Military Watch Magazine nhận xét: Có thể trở ngại quan trọng nhất đối với một chiến dịch quân sự nhằm đáp trả các hành động kiêu khích từ phía Kiev của Nga là hệ thống phòng không Ukraine. Đây là một trong những quốc gia có hệ thống phòng không mạnh nhất châu Âu, có thể là mối đe dọa đáng kể cho máy bay chiến đấu của Nga. Hệ thống này sẵn sàng cho một cuộc chiến mà hầu hết các sĩ quan và quân nhân Ukraine đều được huấn luyện và chuẩn bị từ thời Xô Viết.
Không quân Nga biết trước sự nguy hiểm khi phải đối mặt với lực lượng tương tự như trong cuộc chiến ngắn ngủi với Georgia. Sự thiếu chuẩn bị, điều nghiên không kỹ và chủ quan với hệ thống tên lửa phòng không, khiến quân đội Nga tổn thất đáng kể. Trong tình huống ở Ukraine, nếu không dập tắt được hỏa lực phòng không ngay từ ban đầu, có thể sẽ dẫn đến thương vong lớn và làm chậm tốc độ tấn công.
Biên chế của phòng không Ukraine hiện đang có các hệ thống phòng không cao cấp của Liên Xô, trong đó có nhiều hệ thống tên lửa tầm trung khoảng cách xa S-300P và tầm trung BuK-M1. Mặc dù những hệ thống này có tuổi đời vài thập kỷ, phần lớn bị loại khỏi biên chế của lực lượng vũ trang Nga để thay thế bằng các tổ hợp nâng cấp cải tiến hiện đại - Nhưng tại Ukraine, các hệ thống phòng không vẫn là mối đe dọa tiềm tàng đối với máy bay chiến đấu Nga nếu xâm nhập không phận Ukraine.
Đến thời điểm này, Nga sở hữu nhiều vũ khí trang bị phù hợp để vô hiệu hóa mạng lưới phòng không Ukraine. Trong đó, có tên lửa hành trình Kalibr phóng từ tàu ngầm trên Biển Đen cùng nhiều loại vũ khí chính xác trong biên chế trang bị của máy bay chiến đấu Su-34. Những vũ khí này có thể hủy diệt hệ thống phòng không đối phương khi còn nằm ngoài tầm bắn hiệu quả của tên lửa.
Hệ thống S-300P có tầm bắn dưới 100km, không được thiết kế để đánh chặn các loại tên lửa hành trình tốc độ cao Kalibr. Những lợi thế này cho phép các phương tiện hỏa lực Nga có thể dập tắt hệ thống phòng không của đối phương, làm sạch không phận Ukraine để các máy bay chiến đấu Nga khống chế bầu trời.
Chỉ riêng việc xóa sổ hệ thống phòng không Ukraine, ngay cả trong tình huống không tiến hành chiến dịch không kích, thì đây cũng là một đòn biểu dương sức mạnh, một gáo nước lạnh đủ làm nguội những cái đầu nóng của chính quyền Kiev.
Một lựa chọn khác triệt để hơn của lực lượng không quân Nga nhằm vô hiệu hóa các hệ thống tên lửa phòng không Ukraine, có thể là chiến thuật sử dụng máy bay trực thăng tấn công Kamov Ka-52 Alligator dọn chiến trường, thực hiện răn đe chiến thuật.
Cách đây không lâu, truyền thông phương Tây dồn dập đưa tìn về cuộc diễn tập của trung đoàn trực thăng tấn công số 39 thuộc lực lượng không quân Nga, có căn cứ tại Crimea. Phi đoàn 16 trực thăng tấn công Ка-52 thực hiện chiến thuật chế áp hỏa lực phòng không đối phương.
Trang Blog Defense nhận định, nếu xảy ra cuộc chiến thì trong tuần đầu tiên nhiệm vụ chế áp phòng không (SEAD) có thể chiếm tới 30% tổng số các lần xuất kích. Số lượng các lần xuất kích chế áp phòng không đối phương với cường độ giảm dần trong thời gian còn lại của chiến dịch. Nhiệm vụ then chốt của chiến thuật này là dọn đường, đảm bảo an toàn cho các máy bay chiến đấu khi thực hiện các cuộc không kích trên lãnh thổ đối phương.
Ka-52 được trang bị hệ thống điện tử cao cấp, các loại đạn có điều khiển với độ chính xác cao và khả năng bay thấp. Đây là phương tiện chiến đấu hiệu quả để dọn sạch hệ thống phòng không mặt đất, mở đường cho các cuộc không kích.
Trên thế giới hiện nay chỉ có hệ thống tên lửa hiện đại S-400 có thể tiêu diệt máy bay tầm thấp cách mặt đất 5 mét. Hệ thống S-300P thiếu khả năng tiêu diệt máy bay bay thấp ở tầm xa, đặc biệt là cụm không quân tấn công mặt đất các máy bay trực thăng Ka-52.
Hệ thống tên lửa đời đầu S-300P và các tổ hợp tên lửa phòng không khác của Ukraine không có khả năng chống nhiễu, nhưng quân đội Nga đã tiến rất xa trong khả năng gây nhiễu các radar dẫn bắn của đối phương. Do đó, một cụm máy bay chiến đấu tấn công Ka-52 có thể an toàn tiến hành các cuộc tấn công chính xác và quay trở lại căn cứ ở Crimea.
Chiến thuật sử dụng Ka-52 để tiêu diệt các mục tiêu mặt đất hoàn toàn không khả thi nếu không quân Ukraine có khả năng tối thiểu là bảo vệ được không phận. Nhưng trong thời gian gần đây, lực lượng không quân quốc gia này, vốn có số lượng khá hạn chế lại bị lão hóa nghiêm trọng, gánh chịu nhiều tai nạn đường không và không có các loại vũ khí có độ chính xác cao, có khả năng tấn công các mục tiêu đường không thấp ở tầm xa. Như vậy, đơn vị trực thăng tấn công Ka-52 của Nga, xuất kích từ Crimea có thể làm chủ bầu trời, tiến hành cuộc tấn công răn đe trước khi cần thiết phải thực hiện một chiến dịch đường không và đường biển quy mô lớn có sự tham gia của không - hải quân và tên lửa mặt đất.
Mặc dù các trang Blog Defense và Military Watch đưa ra giả thiết tấn công nhưng rõ ràng quân đội Nga không có ý đồ tấn công Ukraine. Những tình huống liên tiếp khiến quân đội Nga phải tăng cường binh lực trên biên giới và trên bán đảo Crimea chỉ có ý nghĩa kiềm chề phương Tây và Kiev có những hoạt động khiêu khích, phục vụ cho các mưu đồ chính trị ở chính Ukraine. Quân đội Nga có quá nhiều những phương tiện tấn công mạnh mẽ và kinh nghiệm, để một cuộc chiến tranh như ở Georgia sẽ không xảy ra lần thứ 2 nếu phương Tây không trực tiếp tham chiến.