Truyền thông Nga: Thụy Điển bất ngờ phối hợp với Mỹ chống WHO và Trung Quốc

VietTimes -- Giữa lúc cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh dịch bệnh COVID-19 liên tục gia tăng, truyền thông Nga ngày 1/5 tiết lộ Thụy Điển đang hợp tác với Mỹ để triển khai chiến dịch chống Trung Quốc, kêu gọi điều tra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc sau khi dịch bệnh kết thúc và hy vọng rằng EU sẽ khởi xướng quá trình này.
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đề xuất tiến hành điều tra về hoạt động của WHO và nguồn gốc của virus Corona mới (Ảnh: tellerreport).
Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde đề xuất tiến hành điều tra về hoạt động của WHO và nguồn gốc của virus Corona mới (Ảnh: tellerreport).

Theo hãng thông tấn Sputnik Nga ngày 1/5, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển Ann Linde đã bày tỏ sự không hài lòng với công việc của WHO tại cuộc hội thảo trực tuyến do Atlantic Council (Hội đồng Đại Tây Dương) của Mỹ tổ chức, đề xuất tiến hành một cuộc điều tra về các hoạt động của WHO ngay sau khi dịch bệnh kết thúc và chỉ ra tầm quan trọng của việc Châu Âu và Mỹ  phối hợp cùng nhau chống lại xu hướng của “chính quyền và chính phủ chuyên chế” (ám chỉ Trung Quốc) sử dụng dịch bệnh cho mục đích riêng của họ.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế và Xã hội Thụy Điển Lena Hallengren đã đệ trình lên quốc hội bản báo cáo theo tinh thần của Ann Linde, nêu rõ Thụy Điển có kế hoạch đề nghị EU điều tra về nguồn gốc của virus Corona mới.

Tờ SCMP của Hồng Kông cho rằng lập trường của Thụy Điển có thể dẫn đến mối quan hệ với Trung Quốc xấu thêm. Trước đó, các nhà lãnh đạo của Mỹ, Australia và Đức đã yêu cầu Trung Quốc cung cấp thêm thông tin về nguồn gốc của virus Corona mới.

Tuy nhiên, ông Alexei Muhin, Giám đốc Trung tâm Thông tin chính trị Nga, dự đoán rằng kết quả điều tra có thể không làm Mỹ hài lòng. “Nếu triển khai cuộc điều tra, sẽ phải đề cập đến tất cả các nguồn tiềm năng của mối đe dọa; Mỹ sẽ chịu tổn thất lớn hơn vì các hoạt động của quốc gia này rất rộng lớn và nguy hiểm hơn so với các quốc gia khác. Việc điều tra cần có tính khách quan; cũng tức là nói cần xem xét nguồn gốc và khả năng của tất cả các mối đe dọa. Sự quan tâm của Mỹ rất rõ ràng, đó là dẫn dắt quá trình này và loại bỏ các cáo buộc có thể chống lại chính họ”.

Quan hệ giữa Trung Quốc và Thụy Điển gần đây đã trở nên xấu đi nghiêm trọng (Ảnh: AFP).
Quan hệ giữa Trung Quốc và Thụy Điển gần đây đã trở nên xấu đi nghiêm trọng  (Ảnh: AFP).

Alexei Muxin cho rằng gần như có một mối liên hệ trực tiếp giữa sáng kiến của Thụy Điển và Mỹ vốn đã quen với việc hành động mượn tay người khác. Lý do tại sao Thụy Điển cung cấp dịch vụ nhỏ này cho Mỹ là muốn dựa vào Mỹ để giúp Thụy Điển giải quyết các vấn đề của chính họ trong tương lai. Ông Muxin nói, trước nay Thụy Điển tỏ ra khá trung lập nên họ rất thích hợp cho việc phát động điều tra quốc tế về dịch bệnh COVID-19.

Các học giả Bắc Kinh thì cho rằng Mỹ đang lợi dụng Thụy Điển để ly gián quan hệ Trung Quốc với Châu Âu. “Do ảnh hưởng bởi các nhân tố lịch sử, Thụy Điển được coi là quốc gia Mỹ hóa nhất. Sau khi Trung Quốc phản bác lại các cáo buộc công khai chống lại Trung Quốc của Mỹ, Mỹ đã thay đổi cách tiếp cận và cố gắng ly gián quan hệ Trung Quốc – Châu Âu thông qua Liên minh châu Âu”.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành (Le Yucheng) đã đưa ra một tuyên bố, “đối với điều tra của quốc tế, chúng tôi thẳng thắn cởi mở và ủng hộ trao đổi nghiên cứu khoa học giữa các nhà khoa học, bao gồm tổng kết các bài học kinh nghiệm. Chúng tôi phản đối việc đưa Trung Quốc lên ghế bị cáo mà không có bất kỳ chứng cứ nào; định tội trước sau đó mới thông qua cái gọi là cuộc điều tra quốc tế để tìm kiếm bằng chứng. Chúng tôi kiên quyết phản đối kiểu điều tra quốc tế định tội trước đó”.

Trong những năm gần đây, quan hệ Trung Quốc – Thụy Điển đã xấu đi nghiêm trọng. Đặc biệt vào tháng 3 năm 2019, cơ quan nhập cư Thụy Điển tuyên bố họ sẽ đơn giản hóa các thủ tục cho người Duy Ngô Nhĩ Trung Quốc để họ được tị nạn ở Thụy Điển.

Việc Trung Quốc bắt giữ và kết án tù Quế Mẫn Hải, một người Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển đã khiến quan hệ hai nước trở nên tồi tệ (Ảnh: Đa Chiều)
Việc Trung Quốc bắt giữ và kết án tù Quế Mẫn Hải, một người Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển đã khiến quan hệ hai nước trở nên tồi tệ (Ảnh: Đa Chiều)

Ngoài ra, đã xảy ra tranh chấp ngoại giao giữa hai nước xung quanh việc Thụy Điển bắt giữ Kiều Kiến Quân (Qiao Jianjun), nhân vật xếp thứ ba trong Danh sách 100 người bị truy nã đỏ theo yêu cầu của Mỹ nhưng không dẫn độ về Trung Quốc và vụ Trung Quốc kết án Quế Mẫn Hải (Gui Minhai), một cổ đông của Nhà sách Vịnh Hồng Kông, người có quốc tịch Thụy Điển 10 năm tù giam hồi tháng 2/2020 về tội “cung cấp tin tình báo cho nước ngoài”; Thụy Điển đã triệu tập đại sứ Trung Quốc tới để phản đối.

Mới đây nhất, Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và thành phố Goteburg lớn thứ hai Thụy Điển hôm 24/4 đã tuyên bố chấm dứt quan hệ kết nghĩa với thành phố Thượng Hải sau 34 năm. Trước đó, một loạt thành phố khác của Thụy Điển cũng đã tuyên bố “chia tay” các đối tác Trung Quốc: Linkoping chia tay Quảng Châu, Orebro chia tay Tây An, Vasteras chia tay Tế Nam và Borlange đã cắt đứt quan hệ với Vũ Hán.