|
Nạn lũ lụt nghiêm trọng trong mấy tháng qua đã làm hàng triệu ha cây trồng ở nông thôn Trung Quốc thất thu (Ảnh: Tân Hoa xã). |
Sau đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích việc tuyên truyền nạn ăn uống chè chén lãng phí trên các mạng xã hội, nhiều địa phương cũng bắt đầu ban hành các văn bản liên quan và thực hiện một số biện pháp để giảm lãng phí lương thực thực phẩm. Tất cả những điều này khiến thế giới bên ngoài suy đoán liệu có những lo ngại tiềm ẩn về an ninh lương thực của Trung Quốc hay không.
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 17/8, hồi cuối tháng 7 vừa qua, các cơ quan như Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Quỹ Quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cùng nhau đưa ra một báo cáo chung cho rằng dịch bệnh COVID-19 có thể dẫn đến sự gia tăng đáng kể số người đói trên thế giới trong năm 2020. Báo cáo chỉ ra rằng năm nay sẽ có thêm 130 triệu người bị đói, đưa tổng số người bị đói trên toàn thế giới lên tới 690 triệu. Báo cáo nghiên cứu của Liên hợp quốc đưa ra cảnh báo: năm nay có tổng cộng 25 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ thiếu đói nghiêm trọng, và thế giới đang đứng trước bờ vực của cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong ít nhất 50 năm qua.
|
Ông Tập Cận Bình phê phán và chỉ thị phải chấm dứt tệ nạ lãng phí thực phẩm nghiêm trọng hiện nay (Ảnh: toutiao).
|
Tân Hoa Xã trong một bản tin liên quan đã chỉ ra rằng: “Ngay cả ở những quốc gia có nguồn lương thực dồi dào, chuỗi ngành nghề nông nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ tan vỡ”. Bài báo viết: “Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng mua bán sau đó, giá lúa mì trên thị trường quốc tế đã tăng 8% và giá gạo tăng 25% so với tháng 3 năm ngoái”.
Kể từ tháng 3 năm nay, một số quốc gia xuất khẩu lương thực đã đưa ra các chính sách hạn chế hoặc thậm chí cấm xuất khẩu để tự bảo vệ mình. Việt Nam là nước đầu tiên thông báo ngừng xuất khẩu gạo và nước xuất khẩu lúa mì Nga sau đó cũng hạn chế bán ra để đảm bảo nhu cầu nội địa đối với lương thực và các sản phẩm chế biến. Những chính sách hạn chế xuất khẩu như vậy đã làm tăng giá lương thực trên thị trường quốc tế.
Ngoài ra, từ cuối năm ngoái đến nay, dịch châu chấu đã bùng phát ở nhiều khu vực bao gồm Đông Phi, Trung Đông và Ấn Độ. Cộng thêm những thảm họa thiên nhiên nghiêm trọng như cháy rừng ở Australia, đã làm gia tăng sự không ổn định trong nguồn cung nông sản toàn cầu và gây ra những biến động trên thị trường lương thực.
|
7 tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã phải nhập khẩu 72,51 triệu tấn lương thực, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái (Ảnh: Yicai).
|
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 74,51 triệu tấn lương thực, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn sản lượng lương thực tự sản xuất của Trung Quốc sau khi đạt 660 triệu tấn vào năm 2015, chỉ ổn định ở mức trên dưới 650 triệu tấn trong mấy năm liên tiếp.
Reuters dẫn báo cáo phát triển nông thôn Trung Quốc mới nhất do Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc công bố cho biết, khi kết thúc “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” (2021-2025), Trung Quốc có thể thiếu hụt khoảng 130 triệu tấn lương thực, trong đó ngũ cốc (ba loại hạt chính: lúa gạo, lúa mì và ngô) thiếu khoảng 25 triệu tấn.
Báo cáo chỉ ra rằng “hiện nay, phát triển nông thôn vẫn phải đối mặt với nhiều mâu thuẫn và vấn đề, ví dụ sự suy giảm nhiệt tình của nông dân đối với việc trồng cây lương thực, khó khăn ngày càng tăng trong việc tăng thu nhập của nông dân, sự già hóa của nông dân ở nông thôn ngày càng nghiêm trọng, những bất cập nổi bật trong đời sống của người dân nông thôn và sự phân hóa ngày càng gia tăng trong các làng quê, v.v. cần phải được coi trọng cao độ”.
Tân Hoa Xã đưa tin, theo một cuộc khảo sát toàn diện do Bộ Dân chính thực hiện năm 2016, có hơn 16 triệu người già sống ở vùng nông thôn Trung Quốc. Trước lo ngại thiếu người kế nghiệp trong sản xuất nông nghiệp, “ai là người canh tác” vẫn là nỗi lo chung của mọi người.
|
Ngày 22/7 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã khảo sát tình hình nông nghiệp ở Cát Lâm và chỉ đạo về đảm bảo an ninh lương thực (Ảnh: Tân Hoa xã)
|
Ngoài ra, việc Trung Quốc phụ thuộc quá nhiều vào phân bón hóa học trong trồng trọt và sử dụng bừa bãi có thể gây ô nhiễm đất và suy thoái môi trường sinh thái nông nghiệp, không có lợi cho sự phát triển lâu dài của sản xuất nông nghiệp.
Sau khi trải qua đại dịch COVID-19 trong năm nay, Trung Quốc đã phải hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng vào mùa hè. Ông Chu Học Văn, Tổng Thư ký Bộ Chỉ huy Quốc gia phòng chống Lũ lụt và Hạn hán, Thứ trưởng Bộ Quản lý Khẩn cấp và Thứ trưởng Bộ Thủy lợi Trung Quốc, cho biết vài ngày trước: lũ lụt năm nay đã gây thiệt hại 6 triệu ha cây trồng ở Trung Quốc, trong đó 1,1 triệu ha hoàn toàn mất thu hoạch, chủ yếu ở trung, hạ lưu sông Dương Tử và vùng Hoài Hà. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra rằng "nguồn nước được đảm bảo tốt hơn trong những năm mưa nhiều. Thông qua các biện pháp cứu trợ thiên tai, tăng cường quản lý trồng trọt và một số kỹ thuật nông nghiệp, lũ lụt năm nay sẽ không ảnh hưởng đến an ninh lương thực của Trung Quốc”.
Tân Hoa Xã cũng đưa tin, mặc dù lũ lụt nghiêm trọng, nhưng Trung Quốc đã có một vụ thu hoạch ngũ cốc mùa hè bội thu trong năm nay với sản lượng đạt 285,6 triệu tấn, tăng 0,9% so với năm ngoái. “Nhưng, xét về trung và dài hạn, sản lượng và nhu cầu ngũ cốc của Trung Quốc sẽ vẫn ở trong tình trạng “cân bằng căng thẳng” và việc đảm bảo an ninh lương thực quốc gia không thể được nới lỏng dù trong chốc lát”.
Tân Hoa Xã chỉ ra rằng "cần phải luôn có ý thức về khủng hoảng an ninh lương thực. Đối với một đất nước rộng lớn với dân số 1,4 tỷ người, bất kỳ sự lãng phí nhỏ nào cũng là một con số đáng kinh ngạc. Chỉ có cách vừa nhấn mạnh tập trung vào sản xuất vừa tiết kiệm lương thực, chống lại sự lãng phí, chúng ta mới có thể thực sự tự tin đảm bảo được bữa ăn no”.