|
Lý Thế Kiều, kẻ thứ 40 trong 'Danh sách 100...' bị bắt. |
Truy nã quốc tế - biện pháp bắt quan tham bỏ trốn hiệu quả
Ngày 16/11/2016, sau 13 năm bỏ trốn, di chuyển liên tục qua nhiều nước, Dương Tú Châu, người đứng đầu “Danh sách 100 người bị Trung Quốc phát lệnh truy nã đỏ toàn cầu” (gọi tắt là “Danh sách đỏ 100”) đã từ Mỹ về Trung Quốc đầu thú. 4 ngày sau, lại thêm 1 người nữa bị bắt. Tính đến cuối tháng 4/2018 đã có 52 người trong “Danh sách đỏ 100” bị sa lưới cho thấy công tác truy bắt tội phạm nghiêm trọng bỏ trốn ra nước ngoài, thu hồi tang vật đã có tiến triển quan trọng mang tính giai đoạn. Trung Quốc đã áp dụng nhiều biện pháp để đạt được kết quả đó.
Tháng 4/2015, căn cứ kế hoạch của “Hành động Thiên võng”, Trung tâm Interpol quốc gia Trung Quốc đã công bố Lệnh truy nã đỏ đối với 100 nghi phạm là nhân viên công tác nhà nước liên quan đến những vụ án tham nhũng nghiêm trọng bỏ trốn ra nước ngoài. “Danh sách đỏ 100” được công bố đã gây nên sự quan tâm đặc biệt ở cả trong nước và quốc tế.
Phân tích “Danh sách đỏ 100” thì thấy các nghi phạm bị truy nã phần lớn là “Người lãnh đạo số 1” hoặc “giữ chức vụ then chốt” của các cơ quan đảng, chính quyền và công ty, xí nghiệp. Trong đó có 48 người là “lãnh đạo số 1”, hơn 60% phạm tội tham ô và nhận hối lộ rồi ôm tiền chạy trốn.
Dương Tú Châu, người đàn bà đứng đầu “Danh sách đỏ 100” trước khi đào thoát sang Singapore là đảng ủy viên, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Chiết Giang, phạm tội tham ô, nhận hối lộ trong thời gian giữ chức Phó thị trưởng thành phố Ôn Châu.
Trong “Danh sách đỏ 100” cũng có những kẻ tuy chức vụ không cao, nhưng do liên quan đến cương vị ở ngành có lợi ích kinh tế lớn, như chi đội cảnh sát, kế toán công ty, thủ quỹ xí nghiệp hay ngân hàng…nên “chức vụ nhỏ tham ô khủng”. Đó là trường hợp Lý Hoa Ba, một trưởng tiểu ban thuộc Phòng Tài chính huyện Phiên Dương, Giang Tây trong mấy năm đã thông đồng với người khác tham ô tới 94 triệu NDT (Nhân dân tệ, tức 329 tỷ VND) rồi bỏ trốn.
|
Lý Hoa Ba bị bắt đưa từ Singapore về nước trị tội
|
Giáo sư Luật học Hoàng Kinh Bình ở Đại học Nhân dân Trung Quốc phân tích: trong tình thế không thể che đậy được hành vi phạm tội, những kẻ này thường chọn cách trốn ra nước ngoài hòng lẩn tránh sự truy cứu, trừng phạt của pháp luật. Rất nhiều người trước khi bỏ trốn đã lập kế hoạch tỉ mỉ, thông qua những kẽ hở của cơ chế giám quản để trốn ra nước ngoài theo các con đường: đầu tư di dân, đi du lịch rồi ở lại, tỵ nạn chính trị, sau đó thay đổi lý lịch, luồn lách qua các nước. Ví vụ, Dương Tú Châu đã trốn qua 5-6 nước.
Nhìn chung, những kẻ trốn càng lâu thì càng khó truy bắt. Trong “Danh sách đỏ 100”, kẻ trốn sớm nhất là năm 1996, đã 20 năm vẫn chưa bắt về quy án được. Về nơi trốn, đích được nhiều kẻ tìm đến nhất là Mỹ và Canada, Trong “Danh sách đỏ 100”, có 40 người đến Mỹ, 26 người tới Canada, tiếp đó là New Zealand, Australia, Thái Lan, Singapore… Vì sao những quan tham bỏ trốn đều thích tới Mỹ và Canada? Ông Hoàng Phong, Viện trưởng nghiên cứu luật hình sự quốc tế trực thuộc Viện nghiên cứu khoa học pháp luật hình sự Bắc Kinh cho rằng: đó là do giữa Trung Quốc với hai quốc gia này chưa có hiệp ước dẫn độ; việc truy bắt chỉ có thể thực hiện thông qua các biện pháp có tính thay thế như khuyên bảo, di lý, truy tố ở nước ngoài. Chính vì vậy, từ trước đến nay, các nước phương Tây trở thành trọng điểm truy bắt nghi phạm, truy thu tang vật, đồng thời cũng là điểm khó khăn nhất.
Kể từ khi Trung Quốc phát lệnh truy nã những người có tên trong “Danh sách đỏ 100”, công tác “truy bắt, truy thu” đã được triển khai từng bước, có phương pháp. Trong 7 tháng của năm 2015 đã đưa được 18 người về quy án. Bước sang năm 2016 đến cuối tháng 11 đã có thêm 19 người nữa sa lưới; trong đó chỉ từ tháng 6 đến tháng 11 đã có 10 kẻ bị tóm. Ngoài những kẻ có tên trong “Danh sách đỏ 100”, công tác truy bắt những quan tham khác cũng được tiến hành đồng bộ. Số liệu của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (UBKTKLTW) cho biết: Tính đến cuối tháng 4/2018, thông qua chiến dịch “Thiên võng” (Lưới trời), các cơ quan chức năng của Trung Quốc đã bắt đưa về nước được 4.141 kẻ lẩn trốn từ hơn 90 quốc gia và khu vực, truy thu được gần 10 tỷ NDT (35.000 tỷ VND).
Thành tựu quan trọng, nhiệm vụ còn gian nan
Sau 4 năm tiến hành “Hành động Thiên võng”, các chiến dịch “Săn Cáo” đã đạt được thành tựu ban đầu quan trọng; tuy nhiên, hiện vẫn còn tới 48 kẻ có tên trong “Danh sách 100…” vẫn chưa được bắt về quy án; phần lớn số này đều là viên chức nhà nước phạm tội chức vụ, đã chạy trốn ra nước ngoài trong thời gian dài, phần đông lẩn trốn ở các nước Mỹ, Canada, Australia, không ít người đã có được giấy tờ hợp pháp, trở thành công dân nước sở tại, nên việc bắt đưa về trở nên rất khó khăn, nan giải.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã tìm ra biện pháp mới để tháo gỡ vấn đề này. Ngày 6/6/2018 vừa qua, Văn phòng trung ương phối hợp truy bắt tội phạm bỏ trốn ra nước ngoài của Trung Quốc công bố lệnh truy nã 50 đối tượng cùng địa chỉ đang lẩn trốn; trong đó Trình Mộ Dương – con trai nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Trình Duy Cao bị truy nã lần thứ 2. Lần trước, vào tháng 4/2015, Dương cũng đã có tên trong bản “Danh sách 100 đối tượng bị truy nã đỏ quốc tế” khi Trung Quốc khởi động chiến dịch “Thiên võng” (Lưới trời). Thông báo chỉ rõ Dương hiện đang lẩn trốn tại địa chỉ “Oak Ridge Community, Vancouver, Canada”. Theo tư liệu công khai thì Trình Mộ Dương quê Tô Châu, Giang Tô, sinh năm 1969 nguyên là Chủ tịch Công ty đầu tư Giai Đạt Lợi, Hongkong và Tổng giám đốc Công ty quảng cáo quốc tế Bắc Phương, Bắc Kinh. Do phạm tội tham ô và che dấu những tài sản có được do phạm tội, ngày 8/8/2000, Dương đã bỏ trốn sang New Zealand sau đó sang Canada.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc sử dụng biện pháp này. Tháng 4/2017, “Văn phòng truy đào” trung ương đã thông báo rộng rãi manh mối nơi ẩn náu của 22 người trong “Danh sách 100…”. Đây chính là chiêu “Rung chà cá nhảy”, “điệu Hổ ly sơn”. Sau khi bản thông báo này được công bố trên mạng, thấy nơi ẩn náu đã bị bại lộ, những kẻ có tên vội tìm nơi khác để trốn, một số người cùng đường không chốn dung thân đã quyết định về nước đầu thú; đến nay sau 1 năm đã có thêm 6 trong số 22 người tự nguyện về nước đầu thú để nhận được sự khoan hồng của pháp luật.
Ngày 6/6/2018, Văn phòng truy đào trung ương lại công bố rộng rãi thông tin về 50 tội phạm đang bỏ trốn ở nước ngoài bao gồm địa chỉ, những manh mối về đương sự cùng địa chỉ trang mạng tố giác tội phạm, một lần nữa gây nên sự chú ý rộng rãi của giới truyền thông trong, ngoài nước và trong dân chúng; khơi dậy nhiệt tình, lòng hăng hái phát hiện, tố giác tội phạm trong nước bỏ trốn trong cộng đồng Hoa Kiều và người Hoa sống ở các nước.
|
Cha con Trình Duy Cao (phải) và Trình Mộ Dương
|
Lần này số lượng đối tượng bị điểm tên chỉ mặt nhiều, thông tin nơi trốn cụ thể, rõ ràng hơn. Phần lớn thông tin của những kẻ này đều chỉ rõ nơi có thể đang lẩn trốn, thậm chí cụ thể đến phố, khu; điều này sẽ khiến các đối tượng lâm vào cảnh đường cùng tuyệt vọng. Trong số này có 32 đối tượng nằm trong bản “Danh sách 100…” như Trình Mộ Dương, con trai cựu Bí thư tỉnh ủy Hà Bắc Trình Duy Cao, Từ Tiến…Ngoài ra, còn có một số đối tượng trong các vụ án trọng điểm. Việc công khai tên tuổi, manh mối sẽ tăng cường mức độ uy hiếp, khiến chúng không lúc nào thấy yên ổn.
Việc công bố manh mối về các kẻ chạy trốn ra nước ngoài là một biện pháp duy trì sức ép, liên tục uy hiếp đối với các đối tượng. Truy đào trở thành trách nhiệm chính trị của các cấp ủy, khiến vụ án nào có tội phạm bỏ trốn cũng có người quản, có người đốc thúc, có người truy bắt. Trong 4 năm liên tục từ khi khởi động “Hành động Thiên võng” truy bắt trên toàn cầu, năm nào cũng tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho các nhân viên làm nhiệm vụ truy đào; hai năm liền công khai thông tin về manh mối của những kẻ bỏ trốn, công khai tình hình của những kẻ có tên trong “Danh sách 100 người…” sa lưới. Với việc công tác ngày càng đi vào chiều sâu, phân công trách nhiệm ngày càng rõ ràng, nhân viên ngày càng chuyên nghiệp, biện pháp ngày càng phong phú, bám sát phương châm “Kiềm chế mạnh, sức ép cao, uy hiếp lâu dài”, công tác truy đào đã dần dần hình thành cơ chế hoàn chỉnh, tạo thành hệ thống đòn tổng hợp hiệu quả cao.
Ngày 24/4 vừa qua, tại Bắc Kinh đã khai mạc lớp tập huấn toàn quốc về công tác “truy đào” và làm lễ phát động “Hành động Thiên võng 2018”; không chỉ phát lệnh xung phong cho chiến dịch truy đào năm nay, mà còn dùng 4 ngày để bồi dưỡng, tập huấn cho “đội quân xung kích”, chỉ rõ phương hướng “thừa thắng xông lên, truy bắt được nhiều người, thu hồi nhiều tiền tang vật về cho đất nước”.
Trung Quốc đánh giá, những thắng lợi liên tiếp trong công tác truy đào đã triệt để thay đổi được cục diện “tham nhũng rồi trốn, đã trốn là thoát” trước đây, khiến số quan tham bỏ trốn ngày càng giảm, nhân dân ngày càng phấn khởi. Tuy nhiên, 48 kẻ còn lại trong “Danh sách 100…” chưa bắt được vẫn là một thách thức lớn đối với công tác này.